Đại sứ Mỹ tại Ukraine - ông Geoffrey Pyatt cáo buộc quân đội Nga đang tiếp tục mở rộng sự hiện diện ở miền đông Ukraine. Và để làm bằng chứng chứng minh cho cáo buộc của mình, ông Pyatt đã đưa ra một bức ảnh được chụp từ cách đây 2 năm, trong đó ghi lại hình ảnh một hệ thống phòng không của Nga được trưng bày tại một triển lãm hàng không gần thủ đô Moscow.
“Đây là mức tập trung hệ thống phòng không dày đặc nhất của Nga ở miền đông Ukraine kể từ tháng 8”, Đại sứ Mỹ đã viết như vậy trên trang xã hội đồng thời đăng kèm theo một bức ảnh hệ thống phòng thủ tên lửa BUK-M2 được chụp tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế MAKS-2013 diễn ra ở bên ngoài thủ đô Moscow từ cách đây 2 năm.
Những người dùng Twitter đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích lời cáo buộc của Đại sứ Pyatt, nói rằng nhà ngoại giao này cố tình sử dụng một hình ảnh giả mạo.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Pyatt bị bắt gặp đăng tải những hình ảnh giả mạo lên tài khoản Twitter của ông này. Tháng 9 năm ngoái, ông này đã đưa lên mạng hình ảnh về cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Ukraine đang diễn ra vào thời điểm đó ở Ukraine. Những bức ảnh đó hoá ra là hình ảnh cũ.
Trong một vụ việc gần đây hơn, Đại sứ Pyatt đã đưa lên trang Twitter cái mà ông này miêu tả là những bức ảnh thu được từ vệ tinh chứng minh có những khẩu pháo của Nga được triển khai gần thành phố Lomuvatka, Ukraine, cách khu vực Debaltsevo về phía đông bắc khoảng 20km.
Đáp lại, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng những lời cáo buộc của Đại sứ Mỹ là kiểu “xem bói bằng cầu thuỷ tinh.”
“Chúng tôi không thể hiểu được làm thế nào mà những mảng tối xám trong những bức ảnh được Đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt đưa lên trên trang Twitter lại có thể chứng minh được một điều gì đó”, Thiếu tướng Igor Konashenkov – một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Mỹ, NATO tiếp tục tố Nga đưa quân và vũ khí vào Ukraine
Mấy ngày gần đây, Mỹ cùng NATO đang liên tiếp đưa ra những cáo buộc về việc Nga đưa quân và vũ khí vào Ukraine.
Hôm 22/4, Mỹ cũng tung ra lời cáo buộc về việc Nga đang thiết lập các hệ thống phòng không ở bên trong lãnh thổ miền đông Ukraine và cả tham gia vào các cuộc huấn luyện, đào tạo cho lực lượng ly khai.
"Cả Nga và lực lượng ly khai tiếp tục vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận Minsk 2 được ký kết từ hồi giữa tháng 2," quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Marie Harf đã cáo buộc như vậy trong một tuyên bố.
Phát ngôn viên Harf tố rằng, Nga và quân ly khai đưa một số lượng lớn khẩu pháo, bệ phóng rocket và hệ thống phòng không vào khu vực gần chiến tuyến ở miền đông Ukraine.
Ngày hôm qua (23/4), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đưa ra cáo buộc tương tự, nói rằng Nga đang dồn một lực lượng quân sự đáng kể ở biên giới với Ukraine. Nga tiếp tục tăng cường đào tạo và cung cấp thiết bị quân sự cho lực lượng ly khai, trong đó có những thiết bị tối tân như máy bay do thám không người lái. Theo ông này, hành động của Nga có thể là để hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine phát động một cuộc tấn công bất ngờ mới.
Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ thẳng thừng cáo buộc của nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ về việc Nga triển khai hệ thống phòng không ở Ukraine, nói rằng Washington đang cố tình khuấy động dư luận khi hội nghị thượng đỉnh NATO sắp diễn ra.
Đại diện chính thức của Bộ Quốc phòng Nga – Tướng Igor Konashenkov hôm qua (23/4) đã nói, Moscow từng hy vọng Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ rũ bỏ kiểu đưa ra ồ ạt những tuyên bố lố bịch, ngớ ngẩn sau khi cựu phát ngôn viên Jen Psaki từ bỏ vị trí. "Tuy nhiên, chúng tôi đã nhầm bởi những cáo buộc vừa được đưa ra của phát ngôn viên mới Marie Harf về việc ‘chúng tôi tập trung hệ thống phòng không dày đặc nhất ở miền đông Ukraine kể từ hồi tháng 8’ khiến chúng tôi kinh ngạc về mức độ kém cỏi của họ”, Tướng Konashenkov gay gắt nói.
Bộ Quốc phòng Nga sẽ không ngạc nhiên khi một ngày nào đó nghe thấy rằng Nga bị cáo buộc "đưa một nhóm tàu sân bay tấn công vào Luhansk hoặc đưa tàu ngầm hạt nhân vào Donetsk", ông Konashenkov cho biết. Theo lời ông này, những cáo buộc của Nga nhằm để khuấy động dư luận khi hội nghị thượng đỉnh NATO sắp diễn ra vào ngày 13 và 14/5 tới.
Nga và phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Trong thời gian qua, Mỹ cùng với phương Tây bị cáo buộc là đang tìm cách thổi phồng về mối đe dọa của Nga. Moscow tin rằng, phương Tây làm thế để lấy cớ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực nhằm tạo vòng vây xung quanh Nga. Có vẻ như phương Tây đã thành công trong việc này khi nhiều nước láng giềng của Nga tỏ ra lo ngại thực sự. Một số nước thậm chí còn coi Nga là thách thức lớn nhất đối với an ninh Châu Âu.
Theo: VnMedia