Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất, trong quý, KienlongBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 356 tỷ đồng, hoàn thành 26% kế hoạch năm.
Quý I/2025, KienlongBank ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế đạt 356 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2024, mang về 285 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Kết quả này không chỉ phản ánh sự hiệu quả trong chiến lược kinh doanh mà còn thể hiện khả năng thích ứng linh hoạt của Ngân hàng trước những biến động của thị trường.
Sự tăng trưởng lợi nhuận trong quý được thúc đẩy bởi các yếu tố cốt lõi, trong đó phần lớn đến từ mảng kinh doanh chủ lực từ hoạt động tín dụng, dịch vụ ngân hàng số với 160 tỷ đồng. Ngoài ra, thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động kinh doanh khác mang về lần lượt 21 tỷ đồng và 103 tỷ đồng.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh tích cực này, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên đã được tổ chức thành công vào ngày 25/4 vừa qua, Quyền Tổng Giám đốc KienlongBank cho biết trong quý Ngân hàng đã tiến hành giảm lãi suất đầu vào, dẫn đến giảm chi phí giá vốn. Về mặt doanh thu, hoạt động tín dụng đi theo định hướng và có sự tăng trưởng, tăng về thu dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 18-20% trong cơ cấu lợi nhuận. Nếu các quý tiếp theo vẫn bám sát chiến lược như vậy thì KienlongBank tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2025 đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của KienlongBank đạt 97.164 tỷ đồng, tăng 4.988 tỷ đồng so với cuối năm 2024. Tiền gửi khách hàng đạt 70.989 tỷ đồng, tăng 7.468 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt 66.941 tỷ đồng, tăng 6.490 tỷ đồng. Sự gia tăng này được hỗ trợ bởi việc ngay từ những ngày đầu năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phân bổ toàn bộ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng, qua đó giúp cho hoạt động kinh doanh của KienlongBank được linh hoạt và chủ động hơn.
Sự tăng trưởng tín dụng của KienlongBank phản ánh thành công của chiến lược phân lớp với 03 tệp khách hàng mục tiêu bao gồm: tệp khách hàng tại khu vực nông thôn; tệp khách hàng tại khu vực thành thị và tệp khách hàng tài chính số nhằm định hướng sản phẩm, chính sách tín dụng phù hợp theo đặc điểm của từng tệp khách hàng này. Từ chiến lược đó, KienlongBank kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tín dụng và có nét mới trong tệp khách hàng trong 2025.
Cũng trong quý, Ngân hàng đã tiếp tục đẩy mạnh các gói vay ưu đãi tiêu biểu như dành đến 1.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm 1%/năm dành cho các chủ hộ kinh doanh, đặc biệt chủ hộ sở hữu sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; ra mắt gói tài trợ chuyên biệt quy mô 5.000 tỷ, lãi suất vay ưu đãi chỉ từ 5,8%/năm dành cho doanh nghiệp OCOP, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; triển khai combo ưu đãi dành cho doanh nghiệp SME…
Bên cạnh đó, KienlongBank đã chủ động gia tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng, đảm bảo khả năng ứng phó với các kịch bản kinh tế bất lợi. Tính đến cuối quý 1/2025, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Ngân hàng đạt 73%, thuộc nhóm cao trong ngành. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ ở mức dưới 3%, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của toàn ngành, phản ánh chất lượng tài sản vượt trội và chiến lược tín dụng thận trọng, đảm bảo tuân thủ trong hoạt động theo yêu cầu của NHNN.
Trong quý I/2025, Ngân hàng cũng ghi nhận dấu hiệu tăng nhẹ chi phí hoạt động so với cùng kỳ, chủ yếu do các khoản đầu tư vào nhân sự và đầu tư công nghệ với việc bắt tay vào tích hợp GenAI vào các sản phẩm, nghiệp vụ & quản trị với: AI - Trợ lý ảo, AI - Thực hiện nghiệp vụ, AI - Điều phối quản lý... Mô hình Kiloba AI cũng được ra mắt và trở thành điểm nhấn trong giai đoạn này, góp phần giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, phân tích dữ liệu và đề xuất giải pháp tối ưu.
Để thích ứng với sự dịch chuyển như vũ bão của công nghệ trong chiến lược dài hạn, Ngân hàng cũng đã triển khai nhiều khóa đào tạo để bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao nhận thức của CBNV theo khung chuẩn năng lực nhân sự 5.0 mới. Với mục tiêu tự động hóa 80% quy trình hoạt động chính, tối ưu 30% hiệu suất hoạt động thì nhân sự và công nghệ đã và đang trở thành động lực chính, được kỳ vọng sẽ giúp KienlongBank bứt phá mạnh mẽ, đón đầu và đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của kỷ nguyên tài chính số.

Mới đây, KienlongBank cũng đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Với sự đồng thuận cao, cổ đông KienlongBank thông qua nhiều chiến lược quan trọng của Ngân hàng trong thời gian tới. Trong đó, không chỉ quyết liệt và kiên định với kế hoạch kinh doanh của năm 2025, Ban Lãnh đạo KienlongBank còn đặt mục tiêu tiến tới việc niêm yết cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán vào quý IV/2025. Đây không chỉ là cam kết nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động mà còn thể hiện chiến lược phát triển dài hạn, hướng đến chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, kiểm soát nội bộ và công bố thông tin.
Năm 2025 sẽ đánh dấu một trong những cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của KienlongBank. Đây vừa là dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng (1995 - 2025), vừa là bước chuyển giao giữa giai đoạn chuyển mình sang ngân hàng số (2021-2025) và hướng đến định vị về một ngân hàng AI, làm chủ các công nghệ tiên tiến (2025-2030). Với một định hướng đúng đắn, kế hoạch hành động chi tiết, sự quyết liệt của cả một hệ thống, KienlongBank chắc chắn sẽ có nhiều sự đổi thay trong việc tái định hình mạng lưới kinh doanh, thân thuộc, thuận tiện và hiệu quả hơn.