“Kiến trúc sư” đằng sau chiến lược “miễn dịch quần thể” của Thụy Điển

VietTimes -- Trong lúc phần lớn châu Âu áp dụng những lệnh hạn chế khắt khe để ngăn chặn đà lây lan của đại dịch COVID-19, có một quốc gia lại đi ngược với hướng tiếp cận đó. Vị “kiến trúc sư” đứng đằng sau chiến dịch gây tranh cãi này vừa có cuộc phỏng vấn với tạp chí Nature.
Ông Anders Tegnell, người vạch ra chiến lược chống COVID-19 gây tranh cãi của Thụy Điển (Ảnh: AFP)
Ông Anders Tegnell, người vạch ra chiến lược chống COVID-19 gây tranh cãi của Thụy Điển (Ảnh: AFP)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, Thụy Điển không áp dụng phong tỏa hay các biện pháp giãn cách xã hội khắt khe. Thay vào đó, họ đưa ra các biện pháp dựa trên cơ sở tự nguyện và “sự tin tưởng”: Họ khuyến nghị người già tránh tiếp xúc xã hội, người dân làm việc tại nhà, rửa tay thường xuyên và tránh di chuyển không cần thiết. Nhưng biên giới không đóng cửa, các trường học dành cho học sinh dưới 16 tuổi vẫn mở cửa, và nhiều cửa hàng kinh doanh cũng vậy – bao gồm cả quán bar, nhà hàng.

Hướng tiếp cận này vấp phải chỉ trích kịch liệt. Tuần trước, 22 nhà khoa học có tiếng đã chung tay viết một bức thư gửi tờ báo Dagens Nyheter của Thụy Điển nói rằng các cơ quan y tế công của nước này đã thất bại, đồng thời hối thúc các chính trị gia áp dụng các biện pháp chống dịch khắt khe hơn. Họ chỉ ra số người tử vong do COVID-19 trong các viện dưỡng lão cùng tỷ lệ tử vong do căn bệnh này rất cao, hơn nhiều nếu so với các nước láng giềng ở Bắc Âu – 131 ca tử vong/1 triệu người, so với 55/1 triệu ở Đan Mạch và 14/1 triệu ở Phần Lan.

“Kiến trúc sư” của chiến dịch chống COVID-19 gây tranh cãi này là ông Anders Tegnell, một chuyên gia bệnh dịch học thuộc Cơ quan Y tế Công Thụy Điển. Ông Tegnell đã có cuộc phỏng vấn với tạp chí Nature về hướng tiếp cận mà ông theo đuổi. VietTimes xin tường thuật lại cuộc phỏng vấn.

PV: Ông có thể giải thích về chiến lược kiểm soát COVID-19 của Thụy Điển?

- Tôi nghĩ người ta đã nói quá về sự đặc biệt của chiến lược này. Giống như ở nhiều nước khác, chúng tôi đặt mục tiêu là giảm số lượng ca nhiễm và sự lây lan nhiều nhất có thể - bằng không hệ thống y tế và xã hội sẽ có nguy cơ sụp đổ.

Đây không phải một dịch bệnh có thể được ngăn chặn hay xóa sổ, ít nhất là cho đến khi có một chủng vaccine hiệu quả được sản xuất. Chúng tôi buộc phải tìm ra giải pháp dài hạn để kìm hãm sự lây lan ở mức độ chấp nhận được. Điều mà mọi quốc gia đang làm là giãn cách người dân, áp dụng những cách thức, và truyền thống mà chúng tôi có để thực thi các biện pháp đó. Đó là lý do tại sao chúng tôi có biện pháp khá khác lạ như vậy.

Luật pháp Thụy Điển liên quan tới các bệnh dịch truyền nhiễm phần lớn dựa vào các biện pháp tự nguyện – dựa vào trách nhiệm từng cá nhân. Luật nêu rõ rằng công dân phải có trách nhiệm không làm lây lan dịch bệnh. Đó chính là điểm cốt lõi mà chúng tôi lấy làm khởi đầu, bởi theo luật pháp hiện hành có rất ít lựa chọn hợp pháp để phong tỏa các thành phố. Cách ly có thể được áp dụng ở những khu vực nhỏ, như trường học hay một khách sạn. Nhưng xét về luật pháp, chúng tôi không thể phong tỏa hẳm một khu vực địa lý.

Chiến lược này dựa trên bằng chứng nào?

- Rất khó để nói về căn cứ khoa học của một chiến lược đối phó với những dịch bệnh kiểu này, bởi chúng tôi không biết nhiều về nó (virus corona chủng mới) và chúng ta vẫn đang tìm hiểu mỗi ngày. Phong tỏa, đóng cửa, đóng biên giới – tất cả đều không có căn cứ khoa học lịch sử, theo quan điểm của tôi. Chúng tôi đã quan sát một số nước EU để xem liệu họ có công bố phân tích về hiệu quả của những biện pháp đó hay không, và gần như không có gì.

Theo quan điểm của tôi, đóng cửa biên giới là nực cười, bởi COVID-19 giờ có ở mọi quốc gia châu Âu. Chúng tôi quan ngại nhiều hơn về sự những diễn biến dịch bên trong Thụy Điển.

Là một xã hội, chúng tôi hối thúc nhiều hơn: Liên tục nhắc nhở người dân thực thi các biện pháp, cải thiện các biện pháp mỗi khi chúng tôi nhận thấy chúng cần được điều chỉnh. Chúng tôi không cần phải đóng cửa mọi thứ hoàn toàn bởi nó sẽ gây tác dụng ngược.

Cơ quan Y tế công Thụy Điển đưa ra quyết định như thế nào?

- Khoảng 15 người thuộc cơ quan này tổ chức họp mỗi sáng và cập nhật những quyết định, khuyến nghị dựa trên dữ liệu thu thập được. Chúng tôi thảo luận với chính quyền các khu vực mỗi tuần 2 lần.

Một cuộc tranh luận lớn mà chúng tôi đang phải đối mặt là xung quanh các nhà dưỡng lão. Tỷ lệ tử vong ở nhóm người lớn tuổi hiến cho tỷ lệ tử vong nói chung của Thụy Điển cao hơn so với các nước láng giềng. Các cuộc điều tra đang diễn ra, bởi chúng tôi cần nắm được rằng khuyến nghị nào đang không được người dân thực thi, và lý do tại sao.

Chiến lược này đã bị chỉ trích là quá nhẹ. Ông phản ứng ra sao trước làn sóng chỉ trích này?

- Tôi không nghĩ là có rủi ro ở đây. Cơ quan y tế công đã công bố một mô hình chi tiết về COVID-19 theo từng khu vực, trong đó cho ra những kết luận không quá bi quan xét về tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong. Đúng là số ca có tăng, nhưng đến giờ tình hình chư quá nghiêm trọng. Đương nhiên, chúng tôi đang bước vào một giai đoạn mà chắc chắn số ca sẽ tăng trong vài tuần tới, nhưng điều đó cũng diễn ra ở bất kỳ quốc gia nào khác. Không có nơi nào ở châu Âu đủ khả năng làm chậm đà lây lan một cách đáng kể.

Về trường học, tôi tự tin rằng vẫn nên mở cửa trên phạm vi toàn quốc. Chúng tôi đang ở giữa dịch và theo quan điểm của tôi, khoa học đã chứng minh rằng đóng cửa trường học ở giai đoạn này chả có nghĩa lý gì. Đóng cửa trường học từ rất sớm mới có hiệu quả. Ở Stockholm, nơi có nhiều ca nhiễm nhất, chúng tôi đã gần đạt tới đỉnh dịch, bởi vậy đóng cửa trường học là vô nghĩa trong giai đoạn này. Thêm nữa, xét về mặt taamlys và thể chất thì thế hệ trẻ cần phải năng động.

Ông có cho rằng chiến lược này đã thành công?

- Rất khó để nói, vẫn còn quá sớm. Mỗi quốc gia cần phải đạt được “miễn dịch quần thể” (tức một bộ phận người dân đủ lớn miễn dịch với một loại bệnh, từ đó giúp hạn chế sự lây lan tới những người chưa phát triển miễn dịch) theo cách này hay cách khác, và chúng tôi sắp đạt được điều đó theo một cách khác.

Đã có đủ tín hiệu cho thấy chúng ta có thể tính về miễn dịch quần thể. Tính đến nay đã có nhiều ca tái nhiễm xuất hiện trên thế giới. Miễn dịch quần thể sẽ tồn tại trong bao lâu? Chúng ta không thể biết được, nhưng chắc chắn sẽ có phản ứng miễn dịch.

Ông có hài lòng với chiến lược của mình?

- Có! Chúng tôi biết rằng COVID-19 cực kỳ nguy hiểm với người già, điều đó thật tồi tệ. Nhưng hãy nhìn lại những đại dịch trước kia, chúng còn có những viễn cảnh tồi tệ hơn nhiều so với lần này. Vấn đề lớn nhất mà chúng ta đối mặt chính là dịch bệnh, chứ không phải các biện pháp không được người dân thực thi đúng cách trong môi trường nhất định: Số ca tử vong ở người già là một vấn đề lớn và chúng tôi đang cố gắng chống lại nó.

Thêm vào đó, chúng tôi thu thập được dữ liệu cho thấy rằng dịch cúm và virus gây nôn mửa mùa đông đã giảm đáng kể trong năm nay, có nghĩa rằng biện pháp giãn cách xã hội và kêu gọi người dân rửa tay thường xuyên của chúng tôi đang có tác dụng. Và với sự hỗ trợ từ Google, chúng tôi nhận ra rằng người dân Thụy Điển ít di chuyển hẳn đi. Chiến lược tự nguyện của chúng tôi thực sự có hiệu quả.