Kiến nghị được TS Huỳnh Thành Lập, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nói tại tọa đàm về kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam nhằm thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả do Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ phối hợp với Phân viện Học viện Hành chính Công tại TP.HCM và Viện nhà nước và pháp luật, tổ chức sáng 6/5.

Nêu quan điểm việc thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở), TS Lập cho rằng việc bỏ cấp huyện giúp chính quyền gần, sát dân hơn. Khi người dân cần làm thủ tục hành chính, họ chỉ cần ra trụ sở UBND xã, phường. Điều này khác so với trước đây khi ra xã không giải quyết được, người dân phải khăn gói lên cấp huyện, thậm chí cấp tỉnh.
“Việc bỏ cấp huyện là bỏ cấp trung gian, bỏ tầng nấc không cần thiết, tăng cường phân cấp ở cấp xã sát với người dân. Khi thực hiện chủ trương chính sách, từ tỉnh sẽ được triển khai thẳng xuống xã phường, thay vì qua cấp huyện, rồi mới tới xã”, TS Lập nói.
Theo nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, việc bỏ cấp huyện là xu hướng tích cực và tất yếu của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngoài ra, với sự phát triển nhanh của tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, sự phát triển công nghệ thông tin sẽ giúp người dân giải quyết thủ tục nhanh hơn. Ứng dụng công nghệ giúp cơ quan nhà nước quản lý xã hội tốt hơn, đòn bẩy giúp phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, ông cho rằng việc bỏ cấp huyện là chủ trương đúng đắn, cần thiết.
Việc bỏ đầu mối, tầng nấc trung gian tức sẽ giảm bớt độ trễ trong công tác chỉ đạo, điều hành khi phải tổ chức họp hành triển khai, xin ý kiến cấp trên. TS Lập lấy ví dụ, cấp tỉnh quyết định nhiều vấn đề lớn của địa phương thì cấp huyện đóng vai trò trung gian truyền tải xuống xã. Nhưng cấp thực hiện cuối cùng lại là cấp xã, đơn vị sát với dân nhất.
“Bỏ cấp trung gian sẽ tránh được ách tắc trong chỉ đạo điều hành, vì nó giúp cho xã chủ động hơn, hạn chế việc chờ đợi ý kiến chỉ đạo cấp trên”, TS Lập thẳng thắn.
Về cơ chế hoạt động của xã, phường ông đề xuất tăng thẩm quyền cho cấp này rõ ràng hơn trong lĩnh vực như cấp phép kinh doanh, quản lý đất đai, an sinh xã hội, giải quyết tranh chấp dân sự… vốn được tiếp nhận bởi cơ quan cấp trên.
TS Lập nhìn nhận, việc bỏ cấp huyện cần tính chuyện phải tương xứng với quyền tự chủ của các xã. “Nếu giữ quy mô xã nhỏ, manh mún, bộ máy hành chính nhiều hơn sẽ vận hành không hiệu quả đạt như mong đợi”, ông nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Thư, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, cần phân cấp và phân quyền cho cấp cơ sở mạnh khi tinh gọn bộ máy. Việc phân quyền được hiểu là trao quyền cho cấp chính quyền địa phương đó, trong phạm vị nhiệm vụ, quyền hạn của họ. Cấp trên không được can thiệp vào hoạt động trong quyền hạn của địa phương khi đã phân cấp phân quyền.
Ông cho rằng, cơ quan cấp trên chỉ kiểm tra, giám sát về tính hợp hiến, hợp pháp của cấp cơ sở khi thực hiện quản lý nhà nước. “Điều quan trọng là định hướng trong phân quyền, phân cấp một cách rõ ràng, mạch lạc cho cấp cơ sở, theo hướng công khai, minh bạch”, PGS Thư nói.
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tiếp thu ý kiến các đại biểu và sẽ làm văn bản kiến nghị gửi cấp trên, cơ quan của Quốc hội xem xét. Ông cho rằng, kinh nghiệm các nước cho thấy việc giảm cấp chính quyền trung gian giúp cải cách thể chế, phân công, phân quyền rõ ràng, trong đó đề cao việc ứng dụng công nghệ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
“Không có mô hình chung về quản lý nhà nước cho tất cả các quốc gia, nhưng việc tinh gọn bộ máy và sự linh hoạt trong vận hành hoạt động cơ quan công quyền là đặc chung cho tất cả các thể chế nhà nước làm việc hiệu quả”, PGS Hưng nói.

Khoảng 1/3 nhiệm vụ huyện đảm nhiệm sẽ chuyển lên tỉnh, 2/3 chuyển xuống cấp xã

Đà Nẵng chuẩn bị đấu giá 2 khu đất “vàng” ở Sơn Trà để xây tổ hợp khách sạn cao cấp
