Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Kiến nghị giao doanh nghiệp khai thác kết quả nghiên cứu khoa học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tiến sĩ Tô Hoài Nam đưa ra đề xuất sử dụng kho tài nguyên quý giá gồm hàng ngàn công trình khoa học được lưu giữ nhiều năm qua tại Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là tài nguyên có quý đối với đất nước, xã hội và có giá trị với cộng đồng kinh doanh.
Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam.
Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam.

Quan điểm của Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) - đã thu hút sự quan tâm tại Hội nghị “Thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 dựa trên nền tảng đổi mới khoa học công nghệ và cải cách quy định hành chính” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây.

“Những công trình nghiên cứu này rất quý. Khối tài sản này cần được khai thác, giao cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) khai thác những tài liệu quý giá này. Nếu vì một lý do nào đó mà không công khai kết quả nghiên cứu này thì quả là rất lãng phí.

Nếu chúng ta coi DN là tài sản quốc gia, doanh nhân cũng là tài sản quốc gia thì họ có đủ quyền tiếp cận khai thác kho công trình khoa học quý giá – vốn được coi là tài sản quốc gia đó. Chúng tôi đủ năng lực khai thác, sử dụng, theo cơ chế thị trường. Đây là một điểm đột phá mà Hiệp hội VINASME mạnh dạn đề nghị với Chính phủ", ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

Từ đó, Tiến sĩ Tô Hoài Nam đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như với Chính phủ những vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất, về công tác đào tạo học sinh ra trường, Chính phủ nên tập trung nhiều hơn cho lĩnh vực dạy nghề, đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng học sinh ra trường có tay nghề cao. Chỉ khi lao động có tay nghề cao và có kiến thức thực tế thì họ mới nhìn ra những vấn đề còn bất cập của DN.

Thứ hai, Chính phủ nên có các chương trình hỗ trợ đào tạo trong và ngoài nước cho các tư vấn viên về năng suất, chất lượng để có nhiều hơn các chuyên gia trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Chính phủ nên xây dựng một bảng lương “vượt trội” để khuyến khích lực lượng lao động chất lượng cao.

Thứ ba, Chính phủ nên thông qua các Hiệp hội để có thể đào tạo, tư vấn các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho DN và người lao động.

Thứ tư, các DN cần liên kết với các trường dạy nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm cho lực lượng lao động, thậm chí có đơn đặt hàng cụ thể cho DN mình.

Thứ năm, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tích cực chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thúc đẩy nhanh việc thực hiện Nghị định 68 của Chính phủ về việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh, để DN có chỗ dựa tin cậy khi tiếp cận với các hoạt động hành chính, các dịch vụ công trong tổ chức quản lý của Bộ.

Thứ sáu, hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang quản lý một kho, gồm hàng ngàn các công trình khoa học công nghệ. Theo ông Nam, đây là một nguồn tài nguyên vô cùng có giá trị với đất nước, với xã hội đặc biệt là cộng đồng doanh nhân. Từ đó, ông Nam đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Chính phủ cho cộng đồng DN tiếp cận các công trình nghiên cứu này một cách công bằng, rõ ràng, đầy đủ, minh bạch theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME cũng bày tỏ lòng tin tưởng rằng môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ thuận lợi và thông thoáng hơn nhiều nếu chúng ta có thể làm tốt được những vấn đề trên.

Nhà nước sẽ tạo nguồn để DN chủ động

Trước các kiến nghị của đại diện cho khối DN nhỏ và vừa, ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho rằng, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa bao giờ nhận được sự quan tâm và nhận thức sâu sắc thời gian gần đây kể cả trong cộng đồng DN lẫn ngoài xã hội. Đây là một cơ hội lớn, tất cả chúng ta cần phải thay đổi, cần phải nghĩ khác đi trong giai đoạn phát triến sắp tới.

Ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bên cạnh đó, ông Định cũng cho biết, định hướng chiến lược về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thời gian tới mang tính quốc gia sẽ lấy DN làm trung tâm thay vì lấy các viện nghiên cứu và các trường đại học làm trung tâm trong giai đoạn trước đây.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ điều này sẽ phù hợp với xu thế mới, đó là Nhà nước sẽ chỉ làm các vấn đề có tính chất tạo nguồn, tạo cơ hội sau đó sẽ là sự chủ động của các DN.

Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng khẳng định việc áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp cho các DN tồn tại trong bối cảnh COVID-19 và có thể phục hồi, phát triển thậm chí có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đó là chuyển đổi số của DN.

Thiếu bộ thiêu chuẩn DN số, DN chuyển đổi số

Ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Viện trưởng Viện Khoa học quản trị DN nhỏ và vừa (thuộc VINASME) – thẳng thắn: “Chúng ta đang nói về chuyển đổi số nhưng hiện nay vẫn chưa thực sự ban hành những đạo luật cụ thể về các bộ tiêu chuẩn thế nào được gọi là DN số, DN chuyển đổi số và DN áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Theo ông Hùng, bộ tiêu chuẩn này là cực kỳ quan trọng. Ông Hùng cho rằng: “Các yếu tố này giống như kim chỉ nam giúp DN nhỏ và vừa biết đường để mà đi. Họ sẽ dễ hơn trên con đường chuyển đổi số của mình”.

“Vai trò trọng tâm của việc đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ ở đây chính là DN. Sự thay đổi của DN trước tiên sẽ đến từ hành động sau đó sẽ là nhận thức. Nhưng nhận thức có đúng hay không thì cần có sự liên kết để tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ DN nhằm đáp ứng đủ các yêu cầu cần thiết cho các DN vừa và nhỏ để hỗ trợ những người quan tâm, những người tìm kiếm giải pháp có thể đến được với nhau kể cả là các chuyên gia và các công ty tư vấn”, ông Định nói thêm.