Kiểm soát lạm phát năm 2017: Thuận lợi và những thách thức

Năm 2016 đã nối tiếp thành công của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát nhưng thách thức cho năm 2017 còn khó lường hơn nếu các bộ, ngành và địa phương không chủ động kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với nhau trong điều hành giá cả các mặt hàng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với chỉ số lạm phát 4,74% vào cuối năm 2016, Chính phủ đã hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao là kiểm soát lạm phát dưới 5%. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nếu cách tính lạm phát bình quân (áp dụng từ năm nay) được tính cho năm 2016 thì chỉ số lạm phát là 2,66% thay vì là 4,74%.

Điều hành giá sát với kế hoạch

Đây là thành quả đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế liên tiếp trải qua nhiều đợt “rung, lắc” dữ dội như sự kiện nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), chứng khoán Trung Quốc lao dốc đầu năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, thông tin điều chỉnh chính sách sau bầu cử ở một số nước,thiên tai giá rét ở miền Bắc, hạn hán ở miền Nam, sự cố môi trường biển ở miền Trung,

Con số 4,74% còn có giá trị hơn khi nhìn lại 5 năm qua, chỉ số này được Chính phủ duy trì ở mức 1 con số, kéo giảm từ mức 23% vào tháng 8/2011 xuống còn 6,81% năm 2012, 6,04% năm 2013, 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015. Đặc biệt, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng thành công của năm 2016 là: “Kiểm soát lạm phát rất sát so với chỉ tiêu đặt ra nếu nhìn lại diễn tiến của nhiều năm trước”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu năm 2015 với mức lạm phát rất thấp mà Chính phủ mạnh dạn điều chỉnh giá một số mặt hàng như giá điện, dịch vụ y tế thì dư địa cho điều hành lạm phát năm 2016 và năm 2017 còn tốt hơn nữa.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều chung nhận định nét nổi bật là Chính phủ đã điều hành giá vững vàng, linh hoạt, bám sát tình hình, diễn biến của thị trường, đi đúng lộ trình đặt ra, không tác động đến việc tăng mặt bằng giá quá cao vào một thời điểm, cung cầu hàng hóa được đảm bảo. Bên cạnh đó, Chính phủ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, thương mại đã góp phần bổ trợ cho công tác điều hành giá, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, Chính phủ đã thực hiện điều chỉnh giá linh hoạt, thận trọng, theo đúng lộ trình thị trường với các dịch vụ công. Trong đó, giá khám chữa bệnh BHYT tăng theo lộ trình 2 bước. Bước 1  kết cấu thêm chi phí phụ cấp đặc thù (áp dụng cho 16 địa phương có tỷ lệ BHYT bao phủ trên 85%, tác động vào CPI tháng 8/2016 khoảng 0,28%); bước 2 kết cấu thêm tiền lương được chia nhỏ thành nhiều đợt điều chỉnh (áp dụng cho 16 địa phương, tác động vào CPI tháng 10/2016 khoảng  0,507% và tháng 11/2016 là khoảng 0,03%).

Với giá dịch vụ giáo dục các cấp học năm học 2016- 2017 cũng được điều chỉnh tăng tại 53 tỉnh, thành phố theo lộ trình quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Việc kiểm soát lạm phát năm 2016 đã có những tính toán, kịch bản cụ thể, không chỉ đảm bảo mục tiêu Quốc hội đặt ra, mà Chính phủ còn thực hiện thêm được một bước là chuyển các loại phí dịch vụ công theo tín hiệu của thị trường gắn với quá trình đổi mới cơ chế tài chính, biên chế và tổ chức nhân sự của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Phó thủ tướng đánh giá, Trưởng Ban Chỉ đạo biểu dương các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã có sự phối hợp chặt chẽ, dự báo và đưa ra các kịch bản điều hành để kiến nghị các giải pháp phù hợp để Ban chỉ đạo thảo luận, tham vấn tới Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong điều hành lạm phát, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cho nền kinh tế.

Câu chuyện phối hợp điều hành giá giữa các bộ, ngành có thể nói là điểm nhấn của hoạt động Ban chỉ đạo trong những năm qua, nhất là trong năm 2016. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Lê Tuấn nêu câu chuyện Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ y tế ở 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã “đồng thanh tương ứng” với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Tài chính trong phối hợp xây dựng phương án, đánh giá tác động, cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh, đảm bảo hài hòa với việc điều chỉnh giá cả các dịch vụ khác, hạn chế tác động mạnh tới mặt bằng giả cả của thị trường. Tương tự như thế là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo,...

Song song với đó, câu chuyện giá cả được Ban Chỉ đạo điều hành giá đặt ra cụ thể cho tới cả cấp địa phương. Trong các cuộc họp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với các địa phương, lãnh đạo Chính phủ thường xuyên quan tâm cập nhật thông tin giá cả trên địa bàn từ lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư. Hồi giữa năm 2016, đã có một lãnh đạo của Sở này tại một tỉnh phía Bắc bị Phó Thủ tướng nhắc nhở khi không nắm được chỉ số giá cả của các mặt hàng thiết yếu.

“Do đó, việc xác lập kịch bản giá cho từng mặt hàng trong rổ hàng hóa tính lạm phát (lạm phát cơ bản, giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục, thực phẩm, xăng dầu,…- PV), cập nhật thường xuyên thông tin thị trường và kiên trì điều hành giá theo tín hiệu thị trường” là những bài học quan trọng của năm 2016 mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra cho các bộ,ngành và địa phương để thực hiện kiểm soát lạm phát trong năm nay.

Triệt tiêu cả lạm phát kỳ vọng

Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu tốc độ tăng CPI bình quân của năm 2017 là 4%  sẽ có nhiều áp lực lớn tới nhà điều hành khi giá cả nhiều mặt hàng cơ bản trên thế giới có xu hướng phục hồi, nhất là giá dầu thô được dự báo lên mức 65- 70 USD/ thùng.

Bên cạnh đó là việc điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng, thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục..) theo lộ trình thị trường; dư địa chính sách tiền tệ ít, áp lực về tỷ giá; các rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai; việc chuyển các nhóm dịch vụ từ phí sang giá do Nhà nước định giá theo Luật phí và lệ phí và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, thì việc tính đúng, tính đủ chi phí đối với một số dịch vụ không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá,…

Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây tiếp tục nhấn mạnh quan điểm tại phiên họp cuối năm 2016 của Ban chỉ đạo điều hành giá: “Phải điều hành chặt chẽ, phối hợp nhanh nhạy nhịp nhàng và quan trọng hơn vẫn là ý thức phối hợp giữa các bộ. Ngay từ đầu năm mới, chúng ta tiếp tục phải kiểm soát được giá cả, cung cầu hàng hóa, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho thị trường nhằm triệt tiêu hoàn toàn cả lạm phát kỳ vọng trước những biến động thị trường”.

Các giải pháp điều hành của Chính phủ đang tiếp tục phát huy ý nghĩa tính tới giữa tháng 1/2017 (tháng có Tết Nguyên đán Đinh Dậu). Theo báo cáo sơ bộ của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính),các doanh nghiệp tiếp tục thu mua, tạm trữ hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất chuẩn bị cho nhu cầu Tết Âm lịch, cùng với đó nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp Tết cũng sẽ tăng, đã tác động gây sức ép lên mặt bằng giá. Tuy nhiên, trong tháng này lại có một số yếu tố quan trọng góp phần bình ổn mặt bằng giá như: Mặt bằng lãi suất ổn định; nguồn cung hàng hoá trong nước vẫn dồi dào; các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, kiểm soát vấn đề kê khai giá và niêm yết giá. Các chương trình khuyến mại, giảm giá cũng được nhiều doanh nghiệp, địa phương thực hiện...  Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý giá dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 sẽ chỉ tăng nhẹ so với tháng 12/2016.

Trong thời gian qua, kiểm soát lạm phát đã góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra dư địa quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Trong giai đoạn tới, “yêu cầu tiên quyết” vẫn là phải ổn định kinh tế vĩ mô nên mọi chính sách ban hành trong đó có chính sách về giá đều phải phục vụ cho mục tiêu cao nhất này.

Theo Chinhphu.vn