Trả lời truyền thông ngày 08.01.2019, phát ngôn viên lực lượng Quân cảnh Nga Yusup Mamatov cho biết, các đơn vị Quân cảnh Nga bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tuần tra xung quanh thành phố Manbij thuộc tỉnh Aleppo phía bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông nói: “Hôm nay chúng tôi [quân cảnh Nga] bắt đầu tuần tra vùng an ninh gần thành phố Manbij và các khu vực lân cận. Nhiệm vụ là đảm bảo sự an toàn trong phạm vi chúng tôi chịu trách nhiệm, kiểm soát các địa bàn dân cư và hoạt động cơ động của các nhóm vũ trang”. Ông nhấn mạnh rằng, rằng tuyến đường tuần tra của cảnh sát quân sự thay đổi thường xuyên tùy theo tình hình nhiệm vụ.
Phát ngôn viên Quân cảnh Nga cho biết thêm, trong khi thực hiện nhiệm vụ, các quân nhân Nga cũng tiếp nhận thông tin từ người dân địa phương về những kho vũ khí, vật liệu nổ do các tay súng nổi dậy, từng chiếm đóng khu vực để lại.
Trong tình huống phức tạp hơn ở Idlib, tổ chức khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS nguyên là Jabhat al-Nusra, chi nhánh al-Qaeda tại Syria) tiếp tục mở rộng tấn công trong địa phận tỉnh Idlib. Sau khi đánh chiếm nhiều khu vực do lực lượng đối lập Quân đội Syria tự do (FSA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại phía tây Aleppo, tổ chức khủng bố lại phát động cuộc tấn công trên vùng nông thôn miền nam Idlib.
Ngày 08.01.2019, HTS tấn công chiến tuyến của FSA gần thị trấn Maaret-Naaman. Theo một số nguồn tin trên mạng xã hội, HTS dự định chiếm được toàn bộ địa bàn tỉnh Idlib và giải tán các nhóm FSA không gia nhập HTS. Trong khi đó, liên minh Mặt trận Dân tộc Giải phóng (NFL) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tuyên bố sẽ tấn công HTS, trả thù cho các nhóm FSA có liên kết với NFL đã bị HTS tiêu diệt. Nhưng đến nay, sau những tuyên bố của mình, NLF vẫn chưa tiến hành bất cứ hành động quân sự nào để ngăn chặn chiến dịch mở rộng của HTS.
Theo phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, được đăng trên một bài báo của New York Times, IS thực tế đã bị đánh bại hoàn toàn ở Syria và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng triển khai chiến lược khôi phục hòa bình ở quốc gia này. Ông Erdogan nhấn mạnh, những hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn những cuộc tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Ông Erdogan quan ngại về việc, một số cường quốc nước ngoài (ám chỉ Mỹ) có thể sử dụng tàn dư khủng bố (ám chỉ lực lượng dân quân người Kurd) như một nguyên cớ can thiệp vào những vấn đề nội bộ Syria.
Erdogan khen ngợi quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump là đúng đắn, ông cáo buộc liên minh do Mỹ dẫn đầu đã ném bom bừa bãi vào dân thường, gây thương vong dân sự nặng nề trong các chiến dịch chống khủng bố. Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có một chiến lược toàn diện để loại bỏ những nguyên nhân căn bản của quá trình hình thành chủ nghĩa cực đoan.
Theo ông, bước đầu tiên tạo ra một lực lượng quân sự gồm tất cả các tay súng từ mọi thành phần tôn giáo, dân tộc của Syria. Chỉ có một lực lượng đa dạng mới có thể phục vụ và bảo vệ tất cả người dân Syria, áp dụng đưa luật pháp và trật tự đến tất cả mọi nơi trên đất nước. Ông Erdogan nói: “theo nghĩa này, tôi muốn chỉ ra rằng chúng ta không có mâu thuẫn và tranh chấp với người Kurd Syria”.
Nhưng theo ông, nhiều người Kurd Syria trẻ tuổi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gia nhập “Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Kurd”, một tổ chức vũ trang dân quân người Kurd màThổ Nhĩ Kỳ coi là chi nhánh của đảng PKK (Đảng Công nhân người Kurd) - tổ chức được Ankara coi là khủng bố.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Syria, chúng tôi sẽ hoàn thành quy trình kiểm tra tích cực, đưa các trẻ em - chiến binh về đoàn tụ với gia đình và đưa tất cả các tay súng không có liên kết với các tổ chức khủng bố vào một lực lượng ổn định mới”. Ông cho rằng, đảm bảo có được đầy đủ các đại diện chính trị của tất cả các cộng đồng dân cư là một ưu tiên khác Thổ Nhĩ Kỳ.
Bằng bản tuyên bố này, tổng thống Erdogan vẫn đặt vấn đề thay đổi chính quyền Damascus bằng một chính quyền khác, được cho là có đại diện của tất cả các cộng đồng dân cư ở Syria và loại bỏ chính quyền hiện hành của tổng thống Assad. Để thực hiện tuyên bố này, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang dựa vào lực lượng ủy nhiệm của mình tại Syria là Quân đội Syria tự do (FSA).
Nhưng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng lại án binh bất động trước cuộc tấn công của HTS (tổ chức bị cộng đồng quốc tế liệt là khủng bố), cho thấy Ankara cũng có những mối quan hệ mật thiết với cả FSA và HTS. Trong một tình huống xấu, khi HTS đánh chiếm và kiểm soát hoàn toàn Idlib, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có hậu thuẫn cho HTS để đối đầu với Damascus và Nga? Đây vẫn còn là một câu hỏi lớn.