Không thể để dữ liệu cá nhân người dùng mạng xã hội cho quốc gia khác nắm giữ

VietTimes -- Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an Hoàng Phước Thuận cho rằng, việc yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông xuyên quốc gia đặt máy chủ hay lập văn phòng đại diện tại Việt Nam là để tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia, quản lý dữ liệu người dùng. Đây là tài sản quý giá của Việt Nam không thể để quốc gia khác nắm giữ.
Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an Hoàng Phước Thuận. Ảnh: BCA.
Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an Hoàng Phước Thuận. Ảnh: BCA.

Theo quy định tại Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber... buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Dư luận cho rằng, Dự thảo này được thông qua và trong trường hợp các doanh nghiệp lớn như Google, Facebook không tuân thủ, nhiều người cho rằng sẽ rất thiệt thòi cho sự phát triển của Internet nói riêng, kinh tế số Việt Nam nói chung, đặc biệt trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay.

Trao đổi về vấn đề này trên Đài truyền hình Việt Nam trong buổi chiều Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đăng đàn trả lời chất vấn, trong đó có nội dung về Luật An ninh mạng, ông Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an (Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam) cho biết, vai trò quản lý nhà nước về vấn đề này rất quan trọng và vai trò đó phải thể hiện bằng pháp luật, trong khi đó Việt Nam đang thiếu hành lang pháp lý để giải quyết.

Liên quan đến việc nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề có đặt máy chủ ở Việt Nam của các tập đoàn, doanh nghiệp xuyên biên giới hay không, điều này có phù hợp với luật pháp quốc tế hay không, ông Thuận cho biết ngay trong thời gian diễn ra cuộc chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông có trao đổi với Công sứ của Nhật bản và vị này nói rằng việc này không có mâu thuẫn gì với Hiệp định TPP cả (hiện đã đổi tên thành Hiệp định CPTPP). Hiệp định có một điều ngoại lệ để có thể thực hiện việc này”.

Không thể để dữ liệu cá nhân người dùng mạng xã hội cho quốc gia khác nắm giữ ảnh 1Trụ sở Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore - Ảnh: N.T.A/ Tuổi trẻ.

Theo ông Hoàng Phước Thuận, hiện nay trên thế giới có nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia đã ban hành chính sách quản lý dữ liệu quy định về địa phương hóa dữ liệu.

“Chúng ta thấy rằng rất nhiều doanh nghiệp viễn thông nước ngoài đặt máy chủ tại nước sở tại như Google,... đặt máy chủ xử lý dữ liệu tại Singapore, Đài Loan, Nhật Bản. Ngay cả Alibaba của Trung Quốc cũng thông báo đặt máy chủ tại Ấn Độ, Indonesia; Apple cũng phải đặt máy chủ tại Nga; Facebook, Google đặt máy chủ tại các nước EU (29 nước thành viên). Vì vậy, chúng ta cần phải có những quy định cho nên trong dự thảo khoản 4, Điều 34 Luật An ninh mạng Việt Nam chúng tôi có đặt vấn đề phải có Văn phòng đại diện của các doanh nghiệp như vậy ở Việt Nam”, ông Thuận nêu rõ.

Lo ngại việc yêu cầu đặt máy chủ, có văn phòng đại diện sẽ khiến các doanh nghiệp lớn rút khỏi Việt Nam. Tuy nhiên ông Thuận cho rằng, chính những quy định như vậy sẽ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp viễn thông xuyên quốc gia và rất công bằng với các doanh nghiệp cả của nước ngoài và Việt Nam.

Cục trưởng Cục An ninh mạng lý giải: Khi mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới đặt máy chủ tại Việt Nam hay văn phòng đại diện tại Việt Nam thì cơ quan chức năng Việt Nam sẽ phối hợp nhanh và hiệu quả với nhà cung cấp dịch vụ trong phòng chống tội phạm và ngăn ngừa chặn các thông tin xấu độc.

Việc đặt văn phòng đại diện có nghĩa là nhà cung cấp dịch vụ là một pháp nhân có nghĩa vụ, quyền lợi công bằng với các nhà cung cấp khác, các hoạt động khác trên các lĩnh vực kinh doanh của các quốc gia khác, cụ thể là ở Việt Nam.

Đặt máy chủ ở Việt Nam có nghĩa là tốc độ truy cập sẽ nhanh hơn, người dùng sẽ được hưởng lợi, Việt Nam sẽ tiết kiệm được băng thông quốc tế hàng tỷ USD mỗi năm.

Một điểm rất quan trọng mà Cục trưởng Hoàng Phức Thuận nhấn mạnh là bằng ưu thế về công nghệ chính những nhà cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia sẽ nắm giữ lượng rất lớn dữ liệu người dùng.

Tuy nhiên, ông Thuận cũng thẳng thắn: "Dữ liệu là thông tin tình báo rồi vì vậy là phải của Việt Nam chứ, tại sao dữ liệu trên Facebook, Google chúng ta không được quản lý mà lại để doanh nghiệp nước ngoài quản lý”.

Một lần nữa Cục trưởng Cục An ninh mạng khẳng định trên Kênh truyền hình quốc gia, việc Dự thảo yêu cầu các tập đoàn kinh doanh dịch vụ viễn thông xuyên quốc gia để tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia, quản lý dữ liệu người dùng, tức là chủ quyền thông tin thuộc về Việt Nam. Đây là tài sản quý giá của Việt Nam không thể để quốc gia khác nắm giữ.