Không tăng mức xử phạt giao thông từ 1/8/2017

VietTimes -- Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) khẳng định không có việc tăng mức xử phạt hành chính trong giao thông đường bộ và đường sắt kể từ ngày 1/8 như một số trang mạng đưa tin gần đây.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Theo đó, mức xử phạt hành chính đối với các vi phạm giao thông vẫn áp dụng theo Nghị định 46 có hiệu lực thi hành cách đây đúng 1 năm. Riêng đối với hành vi vi phạm không thắt dây an toàn trên xe ô tô khi xe đang chạy, sẽ áp dụng xử phạt kể từ ngày 1/1/2018.

Tuy nhiên, đối với một số vi phạm sau lùi thời hạn xử phạt đến ngày 1/1/2017: Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô. Taxi không có thiết bị in hóa đơn theo quy định. Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe ô tô chạy trên đường. Việc áp dụng quy định về tải trọng trục xe đối với việc xử phạt người điều khiển xe bánh xích, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả xe ô tô chở hành khách).

Hành vi vi phạm không thắt dây an toàn trên ô tô khi xe đang chạy sẽ được áp dụng xử phạt từ ngày 1/1/2018.

Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định 46 đã sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn đối với 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm: Hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô chở người trên buồng lái quá số lượng quy định (điểm c khoản 2 Điều 5). Hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ sáng ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều (điểm g khoản 3 Điều 5; điểm c khoản 2 Điều 6; điểm e khoản 3 Điều 7).

Gộp chung hành vi vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” và hành vi vi phạm “khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng” của người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn mày, máy kéo, xe máy chuyên dùng lại thành một hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” (điểm a khoản 5 Điều 5, điểm c khoản 4 Điều 6, điểm g khoản 4 Điều 7), cụ thể:

+ Phạt tiền 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (Điểm a Khoản 5 Điều 5).

+ Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (Điểm c Khoản 4 Điều 6).

Về cơ bản, Nghị định 46 giữ nguyên mức phạt tiền như Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP, chỉ điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi và hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây mất trật tự, an toàn giao thông như:

Nhóm vi phạm về nồng độ cồn:

+ Đối với ô tô: Tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (điểm a khoản 9 Điều 5) từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng lên 16.000.000 – 18.000.000 đồng thời tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng lên khung từ 04 tháng đến 06 tháng;

+ Đối với mô tô: Tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (khoản 6 Điều 6) từ 500.000 – 1.000.000 đồng lên 1.000.000 – 2.000.000 đồng; tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (điểm c khoản 8 Điều 6) từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng lên mức 3.000.000 – 4.000.000 đồng và tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng lên khung từ 03 tháng đến 05 tháng.

+ Đối với ô tô: Tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe ô tô điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h từ mức 4.000.000 – 6.000.000 đồng lên mức từ 5.000.000 – 6.000.000 đồng (điểm a khoản 7 Điều 5);

+ Đối với mô tô: Tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h từ mức 2.000.000 – 3.000.000 đồng lên mức 3.000.000 – 4.000.000 đồng.

Nhóm hành vi vi phạm trên đường cao tốc:

+ Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc (điểm b khoản 5 Điều 6): ăng mức phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng lên mức 500.000 – 1.000.000 đồng; bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng;

+ Điều khiển xe máy, xe đạp, xe thô sơ đi vào đường cao tốc: tăng mức phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng lên mức từ 400.000 – 600.000 đồng;

+ Người đi bộ đi vào đường cao tốc: tăng mức phạt tiền từ 80.000 – 100.000 đồng lên mức từ 100.000 – 200.000 đồng;

+ Người điều khiển xe ô tô không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; khi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định (điểm c khoản 7 Điều 5): tăng từ 800.000 – 1.200.000 đồng lên 5.000.000 – 6.000.000 đồng.