Không quân Syria sinh tử trong bão lửa chiến tranh

VietTimes -- Đến thời điểm này, trong lực lượng không quân Syria có khoảng 40.000 quân nhân. Được tổ chức theo học thuyết quân sự phương Tây, lực lượng không quân Syria được coi là lực lượng tấn công chủ lực trong các quân chủng của quân đội Syria. 
Một máy bay chiến đấu của không quân Syria xuất kích

Lực lượng không quân Syria phát triển mạnh trong thời kỳ cố tổng thống Hafez al-Assad, một trong những người lập nền móng cho không quân Syria và bản thân ông cũng là phi công chiến đấu đầu tiên của lực lượng. Trước cuộc chiến tranh chống khủng bố và bạo loạn, lật đổ, bùng phát năm 2011, lực lượng phi công Syria đã có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc chiến ở Israel và Lebanon.

6 năm trước đây, lực lượng không quân Syria có khoảng 575 máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công, bao gồm:

70 máy bay tiêm kích MiG -21, trước chiến tranh thường được dùng như máy bay mục tiêu trong huấn luyện, hiện còn khoảng 40 chiếc có thể bay.

40 máy bay tiêm kích đa nhiệm MiG-23 các phiên bản khác nhau, hầu như đã bị phá hủy trong chiến tranh do bị rơi khi thực hiện nhiệm vụ, phá hủy khi sân bay bị đánh chiếm và không còn dự trữ giờ bay.

30 máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-25, hiện còn 2 chiếc, nhưng không còn khả năng sẵn sàng chiến đấu.

30 máy bay tiêm kích thế hệ 4 MiG-29, gần đây được sự hỗ trợ của không quân Nga, tất cả đều có khả năng chiến đấu tốt.

30 máy bay tiêm kích mang bom Su-22, một số lượng lớn các máy bay này đã bị phá hủy.

20 máy bay cường kích mang bom Su-24, hiện còn 15 máy bay chiến đấu.

40 máy bay huấn luyện L-39 của Tiệp Khắc, bị mất hơn một nửa, buộc phải đưa vào tham gia chiến đầu từ năm 2016 do thiếu máy bay ném bom.

30 máy bay trực thăng tấn công Mi-25, còn lại 15 chiếc.

30 máy bay trực thăng SA342L của Pháp, không có khả năng sử dụng do độ tin cậy thấp, thiếu phụ tùng thay thế.

130 máy bay trực thăng vận tải đa nhiệm Mi-8/Mi-17, đến thời điểm hiện này còn khoảng 50 chiếc đang hoạt động, số còn lại hư hỏng.

Không quân Syria có một số máy bay vận tải như An-24, An-26S và IL-76, ngoài ra còn có một số máy bay dân sự được sử dụng cho mục đích quốc phòng. Cho đến ngày hôm nay, trong lực lượng không quân Syria có khoảng 200 máy bay, nhưng chỉ khoảng 120 chiếc sẵn sàng chiến đấu.

Hiện nay, lực lượng không quân tập trung trên 6 căn cứ sân bay: trong khu vực ngoại ô Damascus, trên địa phận tỉnh Homs và Palmyra, thuộc Aleppo, Latakia và một nhóm ở căn cứ sân bay Deir ez-Zor (nhưng trong cuộc tấn công gần đây của IS, sân bay này chấm dứt hoạt động). Vì vậy, không quân Syria chỉ bay trên không phận miền trung và miền tây Syria, trên chiến trường phía đông hoạt động mỏng hơn và luôn chịu sự đe dọa của không quân Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Trước đây, không quân Syria được tổ chức theo đội hình cấp sư đoàn của theo mô hình của không quân Liên bang Nga những năm 1970 – 1980. Sau đó chịu ảnh hưởng của không quân phương Tây, hình thành các không đoàn (tương đương cấp trung đoàn không quân). Trong các không đoàn có khoảng từ 10 - 20 máy bay ném bom hoặc tiêm kích, không đoàn trực thăng có từ 8 - 14 máy bay.

Sau 6 năm chiến tranh với rất nhiều tổn thất từ phi công đến máy bay, một số phi công đào ngũ chạy sang lực lượng bạo loạn nổi dậy, nhiều phi công hy sinh trong chiến tranh. Hầu hết các không đoàn không còn tồn tại tương tự như một đơn vị tác chiến.

Những tổn thất diễn ra liên tục không phải do hỏa lực vũ khí phòng không hoặc tên lửa vác vai (MANPAD) của đối phương mà do tần suất hoạt động rất lớn, hầu như hàng ngày, điều kiện khai thác sử dụng khắc nghiệt và hệ thống bảo trì bảo dưỡng yếu kém, độ tin cậy thấp. Cho đến thời điểm này, các nhiệm vụ chiến đấu được giao trực tiếp cho các máy bay đơn lẻ hoặc một phi đội, biên đội.

Máy bay MiG 23 không quân Syria không kích lực lượng Hồi giáo cực đoan thánh chiến

Những điều kiện tác chiến khắc nghiệt cùng với trình độ năng lực lãnh đạo, chỉ huy non yếu về trình độ lẫn tư tưởng đã khiến lực lượng không quân Syria suy kiệt trong cuộc chiến tranh. Quân đội Syria buộc phải sử dụng tất cả các máy bay, bao gồm cả những máy bay lỗi thời. Ví dụ như máy bay huấn luyện L-39, được chuyển đổi mục đích sử dụng thành máy bay cường kích hạng nhẹ.

Nhưng phương án này không mang lại kết quả khả quan do trình độ năng lực của kỹ sư hàng không chỉ mới dừng ở mức bảo trì bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ, quá trình cải tiến L-39 không đáp ứng vai trò một máy bay cường kích chiến trường.

Mặc dù vừa yếu vừa thiếu, nhưng do học thuyết quân sự và hệ thống giáo dục tư tưởng chính trị và tinh thần của quân đội Syria không phù hợp, lực lượng không quân Syria vẫn buộc phải đóng vai trò then chốt trên chiến trường, góp phần quan trọng vào việc kéo dài khả năng kháng cự của quân đội Syria mà không gây thảm họa như ở Lybia.

Lực lượng không quân Syria cũng thực hiện được nhiều trận đánh hiệu quả. Ví dụ: 20.03.2014, một máy bay Su-24 không kích chính xác vào đội hình tiến công của lực lượng Hồi giáo cực đoan, ngăn chặn vụ phá hủy pháo đài cổ Hiệp sĩ Cứu tế. Nhờ có vụ không kích này, một nhóm binh sĩ đặc nhiệm Syria có thể đột kích vào pháo đài và tiêu diệt hoàn toàn các tay súng khủng bố trong pháo đài.

Ngày 06.01.2014 và ngày 29.03.2014, không quân Syria đã ngăn chặn sự sụp đổ thủ đô Syria Damascus, không kích hiệu quả tiêu diệt lực lượng chiến binh thánh chiến số lượng lớn, tấn công vào vùng lân cận của thủ đô.

Lực lượng Hồi giáo cực đoan, hiểu rõ vị trí vai trò của lực lượng không quân trong điều kiện lực lượng bộ binh có năng lực tác chiến yếu, liên tục tấn công đánh chiếm sân bay quân sự của không quân Syria hoặc sử dụng pháo binh không kích ác liệt các sân bay quân sự.

Mỹ, Israel và liên minh quân sự cũng coi các sân bay của quân đội Syria là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong các kế hoạch can thiệp vào chiến trường Syria nhằm lật đổ chính quyền tổng thống Al-Assad. Israel cũng nhiều lần không kích vào sân bay Damascus, Homs của quân đội Syria trước vụ tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào sân bay quân sự Syria trên địa phận tỉnh Homs.

Ngày 07.04.2017 lực lượng hải quân Mỹ, dựa trên cáo buộc của lực lượng đối lập, tiến hành phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk đánh vào sân bay Shayrat trên vùng sa mạc tỉnh Homs, phá hủy 3 chiếc MiG-23 và 4 chiếc Su-22. Đây là các máy chiến đấu thuộc không đoàn tiêm kích 675 và không đoàn cường kích ném bom 677, đóng vai trò quan trọng trong các cuộc không kích tiêu diệt IS trên sa mạc Syria.

Máy bay Su-22M của không quân Syria xuất kích, chỉ một ngày sau cuộc tập kích của hải quân Mỹ bằng tên lửa Tomahawk vào sân bay Shayrat 

Cuộc chiến tranh chống khủng bố và tình hình khó khăn về kinh tế khiến các phi công Syria có trình độ bay và không kích rất cao, trên mạng xã hội ghi lại nhiều vụ ném bom, các phi công Syria, chỉ sử dụng kính ngắm ném thông thường từ thời kỳ những năm 1960 – 1970 của thế kỷ trước, có thể không kích chính xác cả mục tiêu nhỏ như xe tăng, thiết giáp và các xe cơ giới.

Mặc dù vậy, nhưng lực lượng không quân Syria không thể chiếm ưu thế chiến trường như lực lượng không quân Nga do sự thiếu hụt cơ sở vật chất kỹ thuật, các kỹ sư, nhân viên kỹ thuật trình độ cao. Ngoài ra, do tính phức tạp những xung đột dân tộc - tôn giáo mà các chiến dịch không kích không bao giờ giữ được bí mật, khiến hiệu quả tác chiến của không quân Syria rất thấp, đôi khi còn bị lực lượng khủng bố, phiến quân phục kích bằng hỏa lực phòng không.

Ngày 27.07.2016, một phi đội máy bay ném bom Su-22 Syria tiến hành một cuộc không kích dữ dội nhằm tiêu diệt một sở chỉ huy của nhóm Jabhat – Al- Nusra (al-Qaeda Syria) theo tọa độ của tình báo không quân tại một ngôi làng phía bắc tỉnh Hama. Cuộc không kích đánh trúng mục tiêu, sở chỉ huy bị san phẳng, nhưng không một thủ lĩnh Al-Qaeda hoặc 1 tay súng thánh chiến nào bị tiêu diệt. Và đây không phải là trường hợp đầu tiên.

Lực lượng IS, Al-Qaeda Syria thường xuyên tiến hành các đợt cơ động công khai, các cuộc hành quân với hàng trăm xe cơ giới, nhưng hầu như không quân Syria rất ít khi kịp thời phát hiện được mục tiêu, đánh trúng hoặc tiêu diệt với số lượng lớn.

Chỉ khi lực lượng không quân Nga chính thức tham chiến, có sự tham gia của trinh sát đường không đa tầm như vệ tinh, máy bay trinh sát, máy bay không người lái, lực lượng đặc nhiệm mặt đất, các mục tiêu quan trọng của lực lượng khủng bố mới liên tiếp bị tiêu diệt. Đã có trường hợp không quân Syria tiêu diệt cả thủ lĩnh cao cấp nhất của tổ chức thánh chiến Harakat Ahrar al-Sham, đông quân thứ hai sau tổ chức Quân đội Syria tự do FSA.

Từ góc nhìn tổng quan, lực lượng không quân Syria không thể thay đổi tiến trình chiến tranh, phần lớn phụ thuộc vào tư tưởng chính trị tinh thần của chính lực lượng phi công, các cấp chỉ huy và đội ngũ kỹ thuật, trong đó bộ máy lãnh đạo chỉ huy và tư tưởng tinh thần của cán bộ quân nhân là nguyên nhân chủ yếu, có nguồn gốc sâu xa tư quan điểm về tinh thần bảo vệ tổ quốc. Chỉ đến khi lực lượng không quân Nga tham chiến cùng với hệ thống trinh sát, chỉ huy điều hành, kiểm soát và truyền thông hoàn hảo, tình hình mới thực sự thay đổi cơ bản.

Tương lai của lực lượng không quân Syria vẫn là một câu hỏi lớn. Syria mong muốn có được một lực lượng không quân đủ mạnh. Trước chiến tranh, đã có một hợp đồng cung cấp cho Syria 36 chiếc Yak-130, 24 chiếc MiG 29 và một phi đội MiG-31. Nhưng do hiện nay Damascus không có điều kiện tài chính, năng lực hậu cần kỹ thuật và cả nhân sự để có thể tiếp nhận máy bay mới. Có thông tin cho rằng, Nga đã viện trợ không hoàn lại cho Syria 10 chiến đấu cơ Su-24 sau vụ tấn công bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ, nhưng tin này không được khẳng định từ bất cứ nguồn chính thức nào.

Nhưng rõ ràng Moscow có quan điểm khác về lực lượng không quân Syria, với số lượng máy bay còn lại, công với sự hỗ trợ về hậu cần kỹ thuật, phụ tùng thay thế, vũ khí trang bi, số lượng phi cơ chiến đấu của Syria thừa đủ để làm thay đổi tình huống chiến trường, do lực lượng khủng bố không có không quân và số lượng tên lưa phòng không có thể nói là rất ít. Vấn đề tồn tại cần khắc phục là đội ngũ cán bộ chỉ huy, điều hành tác chiến, lực lượng phi công và lực lượng kỹ thuật trên sân bay.

Người Nga buộc phải đào tạo lại trong chiến tranh, từ chỉ huy điều hành tác chiến, dẫn đường, trinh sát đến tiến hành các hoạt động không kích bằng các máy ngắm mới. Vấn đề tồn đọng then chốt là tư tưởng con người trong quân chủng. Đó là vấn đề không thể giải quyết bằng mệnh lệnh, đòi hỏi sự thay thế của cả một thế hệ và điều đó không đơn giản trong một đất nước mà đại đa số người dân theo đạo Hồi. Trong tình huống ngược lại, tương tự như đối với trường hợp xe tăng T-90A bị phiến quân chiếm được trên chiến trường Aleppo, sẽ dễ dàng hoặc bị phá hủy, hoặc bị bắn hạ hay không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Điều đó có nghĩa là, không quân Syria sẽ buộc phải chiến đấu với trang thiết bị hiện có cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố. Chiến thắng sẽ làm thay đổi cơ bản ý thức hệ của đại đa số người dân Syria, đặc biệt là thế hệ trẻ, lúc đó mới có thể đề cập đến việc phát triển lực lượng.

Một điều khá thú vị là: Các phi công Syria rất yêu thích chiếc máy bay MiG-21, nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam và được coi là “Kalashnikov bay”. Chiếc máy bay có độ tin cậy cao, hậu cần kỹ thuật đơn giản này được phi công Syria rất tin cậy, họ thường tiếc rằng có quá ít những máy bay này trong biên chế.

Các phóng viên đã từng ghi lại một trường hợp trên sân bay Deir Ezzor trong tình huống bị bao vây, trong lúc IS đang bắn phá ác liệt sân bay, một chiếc MiG-21 xuất kích và trên cao độ thấp tấn công nhóm chiến binh khủng bố chỉ cách sân bay vài trăm mét. Kỹ thuật bay và năng lực tác chiến của phi công rất cao, nếu giành chiến thắng trong cuộc chiến này, lực lượng không quân Syria sẽ thực sự là lực lượng mạnh trong khu vực. 
TTB