Không ngoài dự đoán: Thượng viện Mỹ tuyên ông Trump vô tội!

VietTimes -- Việc Trump được tuyên vô tội trong cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện không nằm ngoài dự đoán nhưng những gì diễn ra suốt quá trình luận tội gần nửa năm qua có thể thách thức những tay viết kịch bản xuất sắc nhất của Hollywood; theo phân tích của Tiến sĩ Terry Buss (Học viện Hành chính Công Mỹ).
Toàn cảnh phiên bỏ phiếu luận tội tại Thượng viện Mỹ
Toàn cảnh phiên bỏ phiếu luận tội tại Thượng viện Mỹ
Rạng sáng 6/2 (giờ VN) cuộc chiến luận tội do Đảng Dân chủ phát động nhằm phế truất Tổng thống Donald Trump đã đi đến hồi kết với kết luận là Tổng thống được tuyên vô tội ở cả hai cáo buộc: Lạm dụng quyền lực (52 phiếu chống – Không có tội và 48 phiếu thuận – Có tội); và Cản trở quốc hội (53 phiếu chống – Không có tội và 47 phiếu thuận – Có tội). Ở cả hai cuộc bỏ phiếu, Đảng Cộng hòa chỉ có duy nhất Thượng nghị sỹ Mitt Romney bỏ phiếu thuận cho điều khoản kết tội tổng thống. Kết cục này không gây ngạc nhiên, nhưng những diễn tiến của cuộc chiến luận tội có lẽ là thách thức đối với năng lực của cả những tay viết kịch bản Hollywood xuất sắc nhất.
Việc thế này đáng lẽ không nên xảy ra ở nước Mỹ, nhưng thực tế lại diễn ra như vậy.
Toàn cảnh phiên bỏ phiếu tại Thượng viện
Toàn cảnh phiên bỏ phiếu tại Thượng viện

Tóm lược bối cảnh

Hồi tháng Tám năm ngoái, một người tố giác đã khiếu nại lên Quốc hội rằng ông Trump đã dùng quyền lực tổng thống để buộc Ukraine phải điều tra ông Joe Biden, cựu phó tổng thống và hiện là ứng viên tranh cử của Đảng Dân chủ, cùng con trai Hunter Biden vì những hoạt động tham nhũng tại Ukraine dưới thời Tổng thống Obama. Nếu Ukraine không điều tra cha con nhà Biden, ông Trump sẽ đình chỉ khoản viện trợ quân sự nhiều triệu đô của Mỹ.
Phe Dân chủ tiến hành luận tội ông Trump mà không có các bằng chứng trực tiếp – không có lời khai của các nhân chứng và cũng không có văn bản chứng minh – rằng ông Trump “đã lạm dụng quyền lực tổng thống” trong vụ việc Ukraine. Phe Cộng hòa phản pháo rằng kể cả nếu ông Trump thực sự hành động như trong cáo buộc thì hành vi đó cũng không phải là những vi phạm đáng để luận tội và cũng không phải là hành vi tội phạm.
Tôi không mạn phép về việc liệu ông Trump có phạm phải những hành vi đáng phải luận tội và bị phế truất hay không. Chỉ có Thượng viện Mỹ mới có quyền đưa ra phán quyết.
Điều khiến tôi lo ngại ở đây là tiến trình luận tội vô nguyên tắc, vi hiến mà phe Dân chủ đã tiến hành chống lại tổng thống, không liên quan gì đến việc ông ta có tội hay không. Những hành động của họ đã tạo tiền lệ không tốt cho nền chính trị Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến các tổng thống tương lai và gây xói mòn nền dân chủ.
Phe Dân chủ bỏ qua nguyên tắc pháp quyền
Phe Dân chủ đã từ bỏ các nguyên tắc cốt lõi định hình nền pháp quyền Mỹ, vốn từ lâu đã được nhiều quốc gia trên khắp thế giới ngưỡng mộ và học tập.
Trong các phiên điều trần tại Hạ viện hồi tháng Tám, phe Dân chủ, đứng đầu là ông Adam Schiff và ông Jerold Nadler đã phá bỏ các nguyên tắc hiến định trong nỗ lực luận tội ông Trump. Những nghị sỹ Dân chủ đang hành xử như thể nếu bạn kiểm soát Hạ viện giống họ, bạn có thể luận tội tổng thống vì bất kỳ hành động nào.
Trong vụ việc của ông Trump, 100% thành viên đảng Dân chủ đại diện cho phe đa số ở Hạ viện bỏ phiếu luận tội tổng thống trong khi 100% nghị sĩ cộng hòa bỏ phiếu chống. Thông thường, việc luận tội sẽ không được tiến hành nếu không đạt được sự đồng thuận của cả hai đảng. Bởi nếu không, tiến trình luận tội sẽ không mang tính chính đáng.
Những gì mà phe Dân chủ đang làm chính là mối lo ngại lớn nhất mà các nhà lập quốc Mỹ đã tính đến từ cách đây hơn 200 năm. Những nỗ lực luận tội trước đây đối với tổng thống Richard Nixon và Bill Clinton đều được tiến hành với sự ủng hộ lưỡng đảng đồng thời đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc về công bằng và công lý mà các nhà lập quốc đã xác lập trong Hiến pháp.
Ông Trump đã bị Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát tiến hành khởi tố mà không có sự hiện diện của các luật sư của mình, không được chất vấn những người buộc tội mình, và cũng không được triệu tập nhân chứng ngoại phạm. Các nhân chứng chống lại ông Trump thì được chất vấn trong các phiên điều trần kín. Sau đó, khi các nhân chứng này ra điều trần công khai, họ lại bị ngăn cản không được phép nói bất kì điều gì có thể có lợi cho ông Trump.
Điều tệ hại nhất là không một ai trong số 17 nhân chứng có bằng chứng trực tiếp rằng ông Trump có hành vi phạm tội. Họ chỉ kể lại những nghi ngờ của họ, hoặc những bình luận mà họ nghe từ người khác rằng ông Trump không thực hiện chính sách đối với Ukraine như khuyến nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan an ninh quốc gia. Chỉ duy nhất một nhân chứng từng thực sự gặp ông Trump. Chúng ta cần nhớ một điều rằng chính tổng thống mới là người quyết định chính sách đối ngoại, chứ không phải bộ phận hành chính công vụ.
Phản pháo lại phe Dân chủ, ông Trump không cho các cố vấn Nhà Trắng ra điều trần với lý do sử dụng “đặc quyền hành pháp”- được luật pháp và thông lệ cho phép. Nếu không có đặc quyền này, các cố vấn của tổng thống sẽ rất do dự khi đưa ra các lời khuyên hay đề xuất có khả năng bị công khai sau này. Để ngăn ngừa việc lạm quyền, cả Quốc hội và Tổng thống đều có thể đưa vụ việc ra tòa án liên bang để các thẩm phán sẽ quyết định ai sẽ điều trần hoặc không.
Nhưng phe Dân chủ đã không đưa ông Trump ra tòa. Họ tuyên bố rằng làm vậy sẽ khiến trì hoãn các nỗ lực luận tội, rằng ông Trump là một mối đe dọa an ninh quốc gia, một kẻ phản quốc, một tổng thống được bầu bất hợp pháp, là người có thể gian lận trong kỳ bầu cử 2020…Ông ta cần phải bị phế truất ngay lập tức.
Phe Dân chủ sau đó buộc tội ông Trump “cản trở quốc hội” khi từ chối cung cấp nhân chứng. Cản trở quốc hội không phải là tội, và gần như mọi tổng thống đều từng ngăn cản quốc hội trong việc này việc kia.
Sau khi lập luận rằng ông Trump phải bị luận tội càng sớm càng tốt, Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi, đã đổi hướng và trì hoãn các điều khoản luận tội suốt một tháng nhằm thúc ép Thượng viện phải triệu tập các nhân chứng mà Hạ viện đã từ chối không gọi trong các phiên điều trần của họ. Nói cách khác, giờ đây các thành viên phe Dân chủ ở Thượng viện sẽ phải giải quyết vấn đề tại phiên xử của Thượng viện. Phe Dân chủ dường như đã quên là trước đó chính họ đã tuyên bố rằng ông Trump là mối đe dọa an ninh quốc gia khẩn cấp.
Thượng viện hoạt động với chức năng giống như bồi thẩm đoàn, chứ không phải là công tố viên, vì vậy, các nghị sỹ cộng hòa ở Thượng viện đã bác bỏ việc triệu tập nhân chứng chỉ để làm hài lòng các chính khách Dân chủ ở Hạ viện. Chúng ta cần nhớ rằng phe Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện. Các thượng nghị sĩ Cộng hòa dự định sẽ triệu tập nhân chứng, nếu cần, ở thời điểm muộn hơn.
Steny Hoyer, một lãnh đạo kì cựu trong nhóm nghị sĩ dân chủ ở Hạ viện đã tóm gọn triết lý luận tội của họ một cách hoàn hảo như sau: “Chúng ta cho Trump mọi cơ hội để chứng minh ông ta vô tội.” Nhưng ông ta không làm như đã nói. Đây là điều ngớ ngẩn nhất từng được nói ra ở Quốc hội bởi: Luật pháp Mỹ tuyên bố một bị cáo là “vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội trong một phiên tòa theo luật pháp”. Ông Trump đã không có cơ hội này.
Ông Adam Schiff sợ rằng phe Cộng hòa ở Thượng viện sẽ không kết án ông Trump vì những động cơ chính trị của họ. Do vậy, ông này cảnh báo Thượng viện về nghĩa vụ phải tiến hành một phiên tòa công bằng. Hai ông Shiff và Nadler còn đưa ra lời đe dọa trong trường hợp Thượng viện không làm như đã được cảnh báo. Ông Schiff dường như quên mất rằng chính ông ta đã ngang nhiên vi phạm mọi tiêu chí xét xử công bằng trong quá trình luận tội siêu đảng phái của mình ở Hạ viện.
Lần thứ ba trong lịch sử hiện đại, Thượng viện Mỹ phải bỏ phiếu luận tội tổng thống

Lần thứ ba trong lịch sử hiện đại, Thượng viện Mỹ phải bỏ phiếu luận tội tổng thống

Quan trọng hơn là, chế độ pháp quyền bảo vệ các bị cáo bằng việc đảm bảo các quyền lợi của họ chứ không bảo vệ quyền của bên truy tố - trong trường hợp này là của những thành viên đảng Dân chủ ở Hạ viện – vì họ không có quyền nào cả!

“Bom tin” gây chấn động
Ngày 27/1, nhóm luật sư bào chữa của ông Trump phát biểu mở màn tại Thượng viện, nêu rõ lý do vì sao ông Trump vô tội trong cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Lập luận biện hộ này có ý nghĩa quan trọng do phiên xét xử được truyền hình trực tiếp đến hàng triệu người dân Mỹ và có thể dẫn tới khả năng ông Trump được tuyên trắng án nhanh chóng.
Trong phần bào chữa, các luật sư của phe Cộng hòa vạch trần tất cả những chiêu trò của phe dân chủ liên quan đến việc luận tội và mang nặng tính đảng phái mà họ đã bày ra để truy sát ông Trump trong suốt 3 năm qua. Cuộc điều tra tai tiếng cáo buộc ông Trump cấu kết với Nga trong cuộc bầu cử 2016 được tiến hành dựa trên một văn bản vô căn cứ chống lại ông Trump, do chính bà Hillary Clinton tài trợ và được FBI sử dụng để chống lại tổng thống. Cuộc điều tra này, với tên gọi Cuộc điều tra Mueller đã kết thúc với kết quả là ông Trump đã được tuyên trắng án.
Cũng trong chiến lược chống lại ông Trump mà phe Dân chủ triển khai ngay khi ông vừa nhậm chức tháng 1/2017, những thế lực có cảm tình với phe Dân chủ đã thành công trong việc đẩy lùi nỗ lực của phe Cộng hòa: tin nóng là New York Times đã đăng tải một bài báo về cuốn sách sắp ra mắt của ông John Bolton, trong đó ông này tuyên bố Tổng thống Trump đã nói dối về vụ việc Ukraine, và thực chất là Tổng thống có tội như các cáo buộc đã nêu ra. Ông Bolton là cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống cho đến khi bị chính ông Trump sa thải. Đây là một trong số rất ít người thực sự biết được những gì ông Trump đã làm ở Ukraine. Ông Trump phủ nhận hoàn toàn cáo buộc của ông Bolton.
Nhờ bài báo của New York Times, phe Dân chủ gia tăng áp lực để đòi triệu tập ông Bolton ra làm chứng. Một vài thượng nghị sĩ Cộng hòa, vốn đang đối mặt với áp lực bầu cử sống còn tháng 11 tới có thể sẽ đứng về phe Dân chủ. Những người có khả năng quay lưng lại với đảng của mình này vốn cũng không ưa gì ông Trump.
John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia tổng thống, tiết lộ trong cuốn sách sắp xuất bản những thông tin bất lợi cho Trump
John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia tổng thống, tiết lộ trong cuốn sách sắp xuất bản những thông tin bất lợi cho Trump

Những người ủng hộ ông Trump bên phía Cộng hòa được trông đợi sẽ trả đũa bằng cách triệu tập các nhân chứng khiến cho phe Dân chủ bẽ mặt. Những nhân chứng này có thể bao gồm ông Joe Biden và con trai Hunter, cả hai đều dính líu vào những sự vụ đáng ngờ ở Ukraine. Một số thậm chí còn đề xuất triệu tập ông Obama ra điều trần. Nếu áp dụng chiến lược tương tự mà phe Dân chủ đã dùng để chống lại ông Trump thì ông Biden và Obama cũng có thể bị luận tội vì vấn đề Ukraine.

Phe Cộng hòa cũng có thể triệu tập chính ông Schiff làm nhân chứng. Ông này bị buộc tội cố tình rò rỉ thông tin sai lệch một cách bất hợp pháp, cấu kết với các nhân chứng, tung tin giả…Nếu ông Schiff bị triệu tập, đây sẽ là sự kiện chính trị quan trọng nhất thế kỉ.
Việc triệu tập nhân chứng sẽ khiến phiên xét xử bị kéo dài – mục tiêu của phe Dân chủ chính là như vậy. Họ muốn trói chân ông Trump trong một cuộc chiến pháp lý dai dẳng kéo dài đến cuộc bầu cử tháng 11. Tuy vậy, nỗ lực này của phe Dân chủ đã thất bại khi Thượng viện bỏ phiếu bác bỏ đề xuất triệu tập nhân chứng của phe Dân chủ, với kết quả sít sao 49 phiếu thuận, 51 phiếu chống hôm 31/1.
Câu hỏi đặt ra là: làm cách nào mà New York Times có được thông tin độc quyền về cuốn sách của Bolton? Những thông tin bất lợi này chỉ có thể hoặc do ông Bolton tiết lộ, hoặc do nhà xuất bản, hoặc Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Trump làm lộ ra. Ông Bolton có thể có động cơ để tiết lộ tin: để trả thù cho việc bị ông Trump sa thải một cách rất mất mặt trên Twitter! Nhưng mặt khác, ông ta cũng hi vọng bán được sách. Cùng lúc, Amazon.com đã chấp nhận các đơn đặt hàng mua sách từ trước khi được xuất bản!
Nhưng thực tế có thể tồi tệ hơn như vậy. Ông Bolton, theo yêu cầu, đã chuyển cuốn sách lên Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) để rà soát xem cuốn sách có tiết lộ bí mật an ninh quốc gia nào hay không. Thành viên ủy ban chịu trách nhiệm này, theo một số nghị sĩ, không ai khác chính là anh trai của nhân chứng chủ chốt trong phiên luận tội tổng thống tại Hạ viện - Alexander Vindman, người đã cố gắng hủy hoại ông Trump. Cả hai anh em người này đều sinh ra ở Ukraine, đều là các chuyên gia của Ủy ban An ninh quốc gia, đảm trách các vấn đề Ukraine, và cả hai đều ghét ông Trump.
Tay chân thân tín của ông Obama vẫn kiểm soát chính quyền
Hàng loạt những người ủng hộ ông Trump, bao gồm cả những người trong nhóm hỗ trợ chuyển giao, giúp ông tiếp nhận vai trò tổng thống từ người tiền nhiệm Obama đều khuyến cáo rằng ông cần phải loại bỏ những người ủng hộ ông Obama vẫn còn tại nhiệm ra khỏi bộ máy. Họ sợ rằng bộ máy quan liêu từ thời ông Obama sẽ cản trở ông Trump bằng mọi cách có thể. Hãy nhớ rằng thông điệp tranh cử của ông Trump là cam kết sẽ đảo ngược mọi chính sách của ông Obama; và ông Trump đã thành công nhờ cương lĩnh tranh cử này. Ông chủ Nhà Trắng đã bỏ ngoài tai lời khuyên trên và giờ vẫn đang phải trả giá.
Những người trung thành với ông Obama tập trung đông nhất ở Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao, cũng như trong 17 cơ quan an ninh quốc gia. Trong khi vận động tranh cử tổng thống, ông Trump đã chỉ mặt gọi tên những cơ quan này là năng lực yếu kém, không ủng hộ các chính sách của ông và trung thành với ông Obama. Có lẽ, đây là chiến lược tệ nhất để đối phó với những người không phải chịu trách nhiệm giải trình, làm việc trong bí mật, và kiểm soát bộ máy an ninh quốc gia của nước Mỹ.
Nhóm thân tín này đã trả đũa và bí mật hoạt động suốt ba năm qua để giúp luận tội ông Trump. Vụ Vindman chỉ là ví dụ mới nhất, ngoài ra còn rất nhiều ví dụ sinh động khác…Hãy nhớ rằng, “người tố giác” thuộc Ủy ban an ninh quốc gia, từng làm việc cho ông Biden, có liên kết với đảng Dân chủ và thông đồng với ông Schiff - cũng chính là con át chủ bài dẫn đến tiến trình luận tội ông Trump. Người tố giác này được ông Schiff và Ủy ban An ninh quốc gia bảo vệ triệt để, đảm bảo không bị triệu tập với tư cách nhân chứng tại phiên tòa ở Thượng viện.
Sau khi bị sa thải, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, những người đứng đầu các cơ quan NSC, CIA, FBI dưới thời Obama đã trở thành những gương mặt quen thuộc trên các diễn đàn thảo luận của chuyên gia ở các kênh truyền hình cáp, kêu gọi luận tội ông Trump, cho dù chính họ đang là đối tượng bị điều tra.
Hậu thuẫn cho ông Trump là những kẻ mang bản chất lừa lọc
Ông Trump, trong quá khứ với tư cách là một doanh nhân, và giờ là một tổng thống, đã thu hút quanh mình một đội quân những kẻ tồi tệ chỉ có mục tiêu gian lận, lừa đảo, tống tiền, và tìm cách mọi cách nhảy vào các vị trí trong hệ thống chính trị Mỹ nhằm gây ảnh hưởng đến chính sách để trục lợi cá nhân. Họ là những chủ thể chính trị bất hợp pháp, những kẻ thay thế cho những công chức hợp pháp, được bổ nhiệm hợp lệ. Mọi chính đảng đều có những kẻ như vậy trong hệ thống nhưng có vẻ như dưới thời của ông Trump số này nhiều hơn bình thường.
Những kẻ tồi tệ này thường gây quỹ hoặc chi tiền một cách bất hợp pháp để ủng hộ ông Trump. Những người này hành động nhân danh ông Trump – có hoặc không có sự cho phép hay biết trước của ông Trump – nhằm gây ảnh hưởng lên chính sách hoặc nhân sự, sẵn sàng tuyên bố rằng họ là bạn của tổng thống hoặc đang thay mặt cho tổng thống. Những người này thường bí mật ghi âm các cuộc hội thoại, thu thập các thông tin mật, thậm chí cả thông tin về ông Trump để có thể sử dụng cho mục đích tống tiền hoặc bảo vệ bản thân khi các hành vi bất hợp pháp bị phanh phui. Họ không có nguyên tắc đạo đức gì hết và sẵn sàng làm bất kể việc gì.
Hàng loạt những kẻ tồi tệ có liên quan đến ông Trump đã lộ diện và là những mắt xích quan trọng trong những nỗ lực hạ bệ ông Trump của phe Dân chủ. Trong cuộc điều tra của Mueller, rất nhiều trong số đó đã bị kết tội có những hành vi bất hợp pháp liên quan đến hoạt động tổ chức tranh cử của ông Trump. Mặc dù vậy, ông Trump không có liên quan gì đến những hành động của họ!
Phe Dân chủ đã không nề hà gì khi sử dụng chính những kẻ lừa đảo này làm nhân chứng - đây là những kẻ mà nếu theo lệ thường sẽ không thể xuất hiện làm chứng tại tòa án do thiếu tính tin cậy và thường khai man trước tòa.
Ví dụ gần nhất là Lev Parnas. Parnas sinh ra tại Ukraine – riêng một thông tin này thôi đã đủ khiến anh ta trở thành một nhân chứng có vấn đề. Bằng cách nào đó anh ta trở thành công dân Mỹ. Anh ta đã bị kết tội vi phạm các quy định liên bang về tài chính tranh cử, bao gồm hoạt động rửa tiền và mưu toan hối lộ các nghị sĩ. Anh ta bị bắt khi đang chạy trốn khỏi Mỹ để thoát truy tố. Rồi chính Parnas lại hợp tác với luật sư riêng của tổng thống là ông Rudy Giuliani trong vụ việc Ukraine.
Parnas đã thu thập một kho tàng tài liệu có thể khiến ông Trump bất lợi trong vụ Ukraine. Mới đây anh ta vừa công bố các đoạn ghi âm kỹ thuật số cho thấy Trump có những hành xử không phù hợp. Anh ta cũng liên tục xuất hiện trong các chương trình truyền hình cáp thân Dân chủ để công kích ông Trump. Cho đến giờ, Parnas dường như đã thất bại trong các nỗ lực bôi xấu ông Trump, tuy nhiên phe Dân chủ vẫn chưa từ bỏ nỗ lực này.
Parnas đã tiết lộ một cách có chọn lọc những thông tin bất lợi cho ông Trump với hi vọng rằng phe Dân chủ sẽ cho anh ta quyền miễn trừ tư pháp đối với hàng loạt tội danh phạm phải để đổi lấy việc ra điều trần chống lại ông Trump.
Tuy nhiên, phe Dân chủ thừa thông minh để thấy rằng nếu để Parnas ra làm chứng, họ sẽ trở thành trò cười vì sử dụng một nhân chứng như vậy. Vì thế, phe Dân chủ “nhử mồi” Parnas về khả năng được miễn truy tố để đổi lấy việc anh ta tiết lộ ngày càng nhiều những thông tin bất lợi cho ông Trump.
Tại sao ông Trump lại để mình bị bao quanh bởi những nhân vật bất tín đến thế? Hãy nhớ lại rằng ông Trump ra tranh cử trong tư thế một kẻ ngoại đạo, không hề có kinh nghiệm chính trị nào. Bởi vậy, ông ta cũng không hề có tổ chức chính trị nào đứng sau để giúp tổ chức chính quyền, bao gồm việc lựa chọn những người chuyên nghiệp đủ phẩm chất để đảm trách các vị trí chủ chốt. Có vẻ như, ông Trump chỉ còn biết trông cậy vào những người quen để giúp ông ta điều hành chính quyền, mà rất nhiều trong số đó chỉ là những kẻ cơ hội với rất ít sự trung thành. Các nhân vật bất tín khác thì tìm được cách len lỏi được vào hệ thống chính quyền mà không phải qua khâu kiểm tra nghiêm ngặt.
Liệu có ai hoàn toàn công tâm?
100 thượng nghị sĩ tham gia phiên tòa luận tội đều đã tuyên thệ “Lời thề Công tâm” khi phán xét ông Trump có tội hay vô tội. Thế nhưng có vẻ như không một thượng nghị sĩ nào thực sự công tâm cả. Đây là lý do vì sao việc luận tội chẳng có liên quan gì đến công lý, mà chỉ đơn thuần là một tiến trình chính trị.
Ông Mitch McConnell, Lãnh đạo phe cộng hòa đa số tại Thượng viện, tuyên bố ông ta cho rằng việc luận tội là một nỗi hổ thẹn, và ông ta sẽ phối hợp chặt chẽ với tổng thống để chấm dứt vụ việc càng sớm càng tốt. Ít nhất có bốn thượng nghị sĩ Cộng hòa luôn có xu hướng bỏ phiếu theo phe Dân chủ - chính 4 người này khiến các đồng nghiệp trở thành con tin khi họ về phe với các nghị sỹ Dân chủ trong các vấn đề luận tội. Đây là một vấn đề gây đau đầu vì ưu thế đa số của phe Cộng hòa ở Thượng viện rất mong manh với tỷ lệ phiếu là: 53 Cộng hòa, 47 Dân chủ.
Hình ảnh mang tính biểu tượng về cuộc chiến đảng phái tại Mỹ: Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xé bản photo bài phát biểu Thông điệp Liên bang của tổng thống hôm 2/2
Hình ảnh mang tính biểu tượng về cuộc chiến đảng phái tại Mỹ: Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xé bản photo bài phát biểu Thông điệp Liên bang của tổng thống hôm 2/2 

Điều không may cho ông Trump là, có sáu ứng viên Dân chủ đang tranh cử để giành ghế tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Cả sáu ứng viên từ lâu đã tuyên bố ông Trump có tội và việc đánh bại ông là ưu tiên hàng đầu của họ. Ứng viên theo chủ nghĩa xã hội Elizabeth Warren đã tuyên bố rằng nếu bà trở thành tổng thống, bà sẽ lập ra một đội đặc nhiệm đảm trách việc truy tố ông Trump ngay cả sau khi ông này đã rời nhiệm sở.

Tại sao phe Dân chủ luận tội ông Trump?
Phe Dân chủ lập luận rằng họ luận tội ông Trump để đảm bảo công bằng và công lý, và họ sẵn sàng dùng mọi cách có thể (kể cả nếu cách đó mang tính trái đạo lý và bất công) để đạt được mục đích. Phe Dân chủ đã kêu gọi luận tội ông Trump thậm chí từ trước khi ông ta nhậm chức vào tháng 1/2017. Như vậy là theo lý thuyết của phe Dân chủ thì một tổng thống có thể bị luận tội về bất kể việc gì mà ông ta có thể sẽ làm, trước cả khi ông ta thực sự hành động.
Phe Dân chủ còn có những động cơ khác.
Các thành viên Đảng Dân chủ luôn có một niềm tin sai lầm rằng ông Trump đã đánh cắp cuộc bầu cử 2016 từ tay bà Hillary Clinton bằng cách lừa dối và kêu gọi sự giúp đỡ của ông Vladimir Putin. Phe Dân chủ vẫn đang cố gắng vô hiệu hóa cuộc bầu cử đó. Một cuộc điều tra kéo dài ba năm của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, các cuộc điều tra khác của Văn phòng Tổng thanh tra Bộ Tư pháp, và một cuộc điều tra của Thượng viện đều đi đến kết luận Tổng thống vô can. Vậy mà niềm tin đó vẫn tồn tại dai dẳng nơi phe Dân chủ.
Quay lại câu hỏi: Vì sao phe Dân chủ luận tội tổng thống? Bởi họ muốn chắc chắn rằng họ sẽ thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 bằng cách làm mất uy tín và bôi nhọ ông Trump, hoặc phế truất ông ta. Phe Dân chủ thực sự sợ ông Trump.
Khi đặt cược vào ván bài này, phe Dân chủ muốn khiến ông Trump phải tê liệt nếu ông ta vẫn thắng trong kỳ bầu cử năm nay. Họ muốn ngăn cản việc Tổng thống chỉ định các thẩm phán liên bang, những người “tuân thủ nghiêm ngặt diễn giải Hiến pháp Hoa Kỳ” – đây là điều không có lợi hoặc cản trở tiến trình hoạch định chính sách của phe Dân chủ. Họ cũng muốn ngăn cản việc ông Trump bổ nhiệm thẩm phán kế tiếp của Tòa án Tối cao.
Một mục tiêu khác của phe Dân chủ là giành lại quyền kiểm soát Thượng viện vào tháng 11 tới. Đây là lý do vì sao họ đang gây áp lực tối đa lên bốn thượng nghị sĩ Cộng hòa là những người thường có xu hướng về phe với họ trong các lần bỏ phiếu. Nếu phe Dân chủ giành được Thượng viện và tiếp tục kiểm soát Hạ viện, họ sẽ cản trở được tất cả các chính sách của ông Trump.
Nếu phe Dân chủ cũng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống tới đây, họ sẽ kiểm soát toàn diện bộ máy chính quyền. Đây là một viễn cảnh đáng ngại (đối với đảng Cộng hòa) khi tất cả các ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ đều muốn đưa nước Mỹ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa.
Nhiều người dân Mỹ đang tự hỏi vì sao không chờ đến tháng 11 để những vấn đề liên quan đến ông Trump sẽ được quyết định thông qua cuộc bầu cử, thay vì kéo đất nước vào đống hỗn loạn không hồi kết như hiện nay.