Không nên hoang mang vì dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người

VietTimes -- " Điều cần quan tâm là chỉ sử dụng thịt lợn có nguồn gốc, không bị bệnh, nhất là đảm bảo an toàn thực phẩm, không ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn chưa nấu chín vv…"
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: VGP/Thúy Hà.

Ngày 19-2, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) chính thức thông báo đã xuất hiện 8 ổ dịch tả lợn châu Phi tại một số hộ chăn nuôi thuộc tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, cho thấy dịch này đã xâm nhập vào nước ta và có nguy cơ lây lan trên các đàn lợn nếu không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Ngày 21-2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra.

Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên lợn, ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Trong năm 2018, nhiều nước thuộc châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn châu Phi ở các đàn lợn.

Do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế người dân nên cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn.

Cục Thú y cũng khuyến cáo, bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay chưa có vaccine và thuốc điều trị, trong khi thời tiết biến đổi bất lợi, là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan. Vì vậy, người dân tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch. Người dân cũng không mua con giống không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín. Không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang mầm bệnh từ nơi khác vào.

Trao đổi với VietTimes, ông Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Dịch dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người, do đó, người dân không nên hoang mang dẫn đến tẩy chay sử dụng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Điều cần quan tâm là chỉ sử dụng thịt lợn có nguồn gốc, không bị bệnh, nhất là đảm bảo an toàn thực phẩm, không ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn chưa nấu chín vv…Người dân cũng không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh./.