Không làm việc từ xa: Bộ mới của ông Trump khiến nhân viên liên bang nghỉ việc như thế nào?

Cả Elon Musk và Vivek Ramaswamy gần đây đều công khai phàn nàn về số lượng lớn nhân viên làm việc từ xa trong chính phủ Mỹ.
Tỷ phú Elon Musk và ông Vivek Ramaswamy đều phản đối hình thức làm việc từ xa của nhân viên liên bang. Ảnh: CNN.

Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, một tổ chức phi chính phủ do tỷ phú Elon Musk, doanh nhân công nghệ sinh học và cựu ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy chỉ đạo, dự kiến ​​sẽ thúc đẩy việc chấm dứt chế độ làm việc từ xa tại các cơ quan liên bang như một cách để cắt giảm lực lượng lao động liên bang.

Cả Musk và Ramaswamy gần đây đều công khai phàn nàn về số lượng nhân viên làm việc từ xa trong chính phủ Mỹ.

Một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận bên trong DOGE nói với CNN rằng mặc dù cơ quan này chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng các ưu tiên ban đầu của họ bao gồm chấm dứt ngay lập tức hình thức làm việc từ xa giữa tại cơ quan liên bang, yêu cầu một tuần làm việc 5 ngày đối với tất cả các nhân viên liên bang.

“Đó là một bước đi không cần đắn đo và nhiều công ty đã làm điều này. Vậy tại sao các nhân viên liên bang được trả bằng tiền đóng thuế lại không bắt buộc phải có mặt?”, nguồn tin cho biết.

Nguồn tin nói thêm rằng, thông tin về việc chấm dứt làm việc từ xa cùng với việc chuyển nhiều cơ quan ra khỏi Washington, DC, sẽ khiến nhiều công chức liên bang tự nguyện rời đi, giúp chính quyền mới của ông Trump giảm bớt lực lượng lao động liên bang và tiết kiệm tiền cho chính phủ.

Theo nguồn tin, việc chấm dứt làm việc từ xa trong toàn bộ chính phủ Mỹ đang được coi là giải pháp tiềm năng mà DOGE sẽ đề xuất với ông Trump. Nguồn tin cho biết “biện pháp này chắc chắn đang được thảo luận”, mặc dù không rõ nó sẽ đem đến hiệu quả ra sao.

Trong hôm 20/11, sau khi thông tin này xuất hiện, Musk và Ramaswamy đã đăng tải một bài bình luận trên tờ The Wall Street Journal nêu ra kế hoạch cải cách chính phủ của họ và nhắm đến làm việc việc từ xa.

“Việc yêu cầu nhân viên liên bang đến văn phòng 5 ngày một tuần sẽ dẫn đến làn sóng tự nguyện chấm dứt hợp đồng mà chúng tôi hoan nghênh: Nếu nhân viên liên bang không muốn đến văn phòng, người nộp thuế ở Mỹ không nên trả tiền cho họ để có được đặc quyền như thời Covid-19”, họ viết.

Hiện tại, không phải tất cả công chức liên bang đều phải có mặt tại văn phòng 5 ngày một tuần. Mỗi cơ quan tự xác định chính sách làm việc từ xa của mình sao cho vẫn hoàn thành tốt nhất nhiệm. Theo dữ liệu từ Văn phòng Quản lý Nhân sự, có 1,3 triệu công nhân liên bang được phép làm việc từ xa. Dữ liệu của chính phủ cho thấy các nhân viên liên bang làm việc từ xa dành 60% thời gian để thực hiện công việc.

Các nguồn tin cũng nói rằng nhà hoạt động bảo thủ và người sáng lập Turning Point USA Charlie Kirk – người đã trở nên thân thiết với Musk – dự kiến ​​sẽ giữ vai trò cố vấn không chính thức cho DOGE. Ông Kirk cũng nhắm đến làm việc từ xa, gọi đó là “một hoạt động cướp bóc khổng lồ và người nộp thuế ở Mỹ là mặt nạ của họ” trong bài đăng trên nền tảng X hôm đầu tuần này, một dấu hiệu khác cho thấy đây có thể là ưu tiên ban đầu của DOGE.

Nhiều nhân viên liên bang ở Mỹ làm việc từ xa, chấp nhận mức lương bị giảm. Ảnh: CNN.

Tác động đến cuộc sống của nhiều người

Một số nhân viên liên bang được phép làm việc hoàn toàn từ xa nói rằng việc buộc họ quay lại văn phòng sẽ làm đảo lộn cuộc sống của họ – và chưa chắc đã tiết kiệm cho chính phủ nhiều tiền như người ta mong đợi.

“Tôi không thể từ bỏ công việc này”, một nhân viên Thư viện Quốc hội sống ở vùng Trung Tây nói với CNN. “Tôi sẽ buộc phải quay trở lại Washington, DC, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc gia đình tôi phải chia cắt”.

Nhân viên này, yêu cầu giấu tên để bảo vệ công việc của mình, đã làm việc tại văn phòng ở Washington, DC, 5 ngày một tuần trong nhiều năm. Nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến, nhân viên này được phép làm việc từ xa và chuyển đến vùng Trung Tây để gần gia đình hơn và tiết kiệm tiền – mặc dù điều đó đồng nghĩa với việc bị cắt giảm 12.000 USD tiền lương.

Một số đồng nghiệp của nhân viên nọ, đặc biệt là những người có con nhỏ, cho biết họ sẽ không thể quay trở lại văn phòng.

Một nhân viên liên bang khác làm việc từ xa nói rằng họ sẽ phải di chuyển từ 2-3 giờ để đến văn phòng gần nhất. Đó sẽ là một trở ngại lớn đối với một nhân viên đã làm việc cho chính phủ liên bang suốt hơn 10 năm.

“Sự căng thẳng sẽ tăng cao đến mức không thể tin được”, nhân yêu cầu giấu tên để bảo vệ công việc của mình cho biết. “Tôi đang ở thời điểm mà nếu phải đi làm, tôi sẽ bỏ việc. Tôi coi đây là dấu hiệu để bước tiếp và bắt đầu một chương mới trong cuộc đời mình”.

Người nhân viên đang làm việc cho Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp nói rằng việc buộc họ phải đến văn phòng sẽ khiến họ làm việc kém hiệu quả hơn. Hiện tại, họ làm việc nhiều giờ hơn - kể cả khi bị ốm hoặc có lịch nghỉ - mặc dù không được trả lương làm thêm giờ.

Làm việc từ xa đã trở thành hình thức làm việc phổ biến ở Mỹ kể từ đại dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg.

Các mục tiêu mở rộng của DOGE

Làm việc từ xa không phải là biện pháp cắt giảm chi phí duy nhất có thể được thực thi.

Nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận ban đầu về DOGE cho biết chính quyền mới sẽ sớm đưa ra một sắc lệnh mang dấu ấn để cắt giảm chi phí.

Nhưng nguồn tin cho biết, các khuyến nghị của DOGE có thể không chỉ ở dạng sắc lệnh, vốn có thể dễ dàng bị hủy bỏ dưới các chính quyền trong tương lai. Nguồn tin cho biết thêm: “Cũng sẽ có một kế hoạch dài hạn hơn để cắt giảm nhiều hơn và sâu hơn thông qua quá trình xây dựng quy định”.

Ông Ramaswamy gần đây đã lên mạng xã hội để nói về kế hoạch cắt giảm kinh phí cho các chương trình mà Quốc hội không còn ủy quyền nhưng vẫn nhận được tiền phân bổ.

“Chúng ta không nên để chính phủ chi tiền cho các chương trình đã hết hạn. Tuy nhiên, đó chính xác là những gì đang xảy ra ngày nay: nửa nghìn tỷ USD từ quỹ của người nộp thuế ($516 tỷ) mỗi năm được chuyển đến các chương trình mà Quốc hội đã để hết hạn. Có hơn 1.200 chương trình không còn được cấp phép nhưng vẫn nhận được tiền phân bổ. Điều này hoàn toàn điên rồ”, ông viết trên X.

Nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận ban đầu nói với CNN rằng Musk và Ramaswamy không muốn lãng phí công sức vào việc xác định cách cắt giảm chi phí ở một cơ quan hay lĩnh vực cụ thể.

“Họ sẽ dựa trên các báo cáo sẵn có từ Quốc hội và cơ quan hành pháp cũng như các ủy ban bên ngoài chính phủ trước đây tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ”, nguồn tin cho hay.

Theo nguồn tin, Musk và Ramaswamy hiện đang xác định tất cả các cơ quan của chính phủ liên bang rộng lớn đều có thể là mục tiêu cắt giảm.