Không khí ô nhiễm làm suy giảm khả năng sinh sản của phụ nữ?

VietTimes – Theo kết quả nghiên cứu mới được công bố, ô nhiễm không khí dường như ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số AMH, thước đo quan trọng về khả năng sinh sản của phụ nữ.
Ảnh minh họa: New Scientist
Ảnh minh họa: New Scientist

Phát hiện này dựa trên kết quả đo hormon của 1.318 nữ tình nguyện viên ở tỉnh Modena (Italia). Nghiên cứu tập trung vào xét nghiệm AMH, hay Anti-Mullerian Hormone, là một hormon được sản xuất bởi các tế bào hạt của nang noãn tiền hốc và nang noãn có hốc ở buồng trứng bắt đầu từ lúc thai 36 tuần tuổi.

Ngoài ra, AMH phản ánh cả số nang noãn non đang phát triển và quần thể nang thủy nguyên hiện có trong buồng trứng của người phụ nữ. Do đó, AMH còn được xem là chỉ số đánh giá dự trữ buồng trứng, đồng thời có thể dự đoán được khả năng sinh sản của người phụ nữ trong hiện tại và tương lai.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã so sánh lượng hormon sinh sản của các tình nguyện viên môi trường không khí mà họ phải tiếp xúc mỗi ngày. Ví dụ, so sánh hàm lượng chất độc phổ biến trong khí thải, hình thành từ quá trình đốt cháy nhiên liệu như các hạt vật chất hay khí Oxit Nitơ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ số AMH của phụ nữ cao nhất ở tuổi 25 và giảm dần theo thời gian. Đồng thời, chỉ số AMH cũng tỷ lệ nghịch với mức độ ô nhiễm không khí.

“Theo nghiên cứu của chúng tôi, những người phụ nữ sống trong môi trường ô nhiễm không khí cao có thể làm tăng nguy cơ giảm chỉ số dự trữ buồng trứng khoảng 2 đến 3 lần”, Giáo sư Antonio La Marca (Đại học Modena và Reggio Emilia) cho biết.

Được biết, Giáo sư Antonio La Marca đã trình bày nghiên cứu trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội Sinh sản và Phôi học Châu Âu tại Vienna. Tuy nhiên, kết quả hiện chưa được các chuyên gia và hội đồng khoa học thẩm định.

Giáo sư Richard Anderson (Đại học Edinburg) nhận định rằng nghiên cứu trên chưa đo lường được mức độ phụ nữ phơi nhiễm các chất độc trong không khí.

“Mặc dù kết quả không chứng minh tác động ngắn hạn đối ở phụ nữ, nhưng đã xác định được rằng phụ nữ tiếp xúc với môi trường có mức độ ô nhiễm cao có ít khả năng mang thai hơn, và thậm chí là mãn kinh sớm hơn”, Giáo sư Richard Anderson nói. “Tuy nhiên, nghiên cứu này không thể chỉ ra rõ ràng chất lượng không khí là nguyên nhân chính. Nó có thể do một yếu tố khác liên quan tới lối sống hay môi trường sinh hoạt của người phụ nữ”.

Theo New Scientist