Không gian làm việc trong tương lai sẽ ra sao?

Theo ông Werner Vogels, Giám đốc công nghệ (CTO) của Amazon.com, khi nói về công việc trong tương lai, những thảo luận về cấu trúc nghề nghiệp hiện tại sẽ không mang ý nghĩa gì cả. Trước xu thế công nghiệp 4.0, cần định nghĩa lại mối quan hệ giữa con người và máy móc…

Chúng ta đều đã biết công nghiệp 4.0 cũng như số hóa, và trên hết là những công nghệ mới như học máy (ML), phân tích dữ liệu lớn hay Internet vạn vật (IoT), sẽ làm thay đổi các mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp như thế nào - và hiện nay, quá trình này đang diễn ra trên diện rộng.

Một điều hiển nhiên đối với mọi người - thậm chí là giới trẻ thời kỹ thuật số - sẽ cảm thấy một vài bất ổn đang gia tăng. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), vào năm 2025, sẽ có khoảng 42.8 triệu lao động tại Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp của quá trình Công nghiệp 4.0, trong đó 31 triệu lao động cần phải được đào tạo lại hoặc thay đổi nghề nghiệp của họ.

Vậy sẽ còn bao nhiêu công việc hiện nay sẽ trụ lại được trong tương lai? Những hoạt động nào của con người có thể bị thay thế bởi máy móc và sẽ có bao nhiêu loại công việc mới trong tương lai mà chúng ta không thể hình dung được hôm nay? Giờ là lúc xem xét kỹ hơn các khía cạnh của môi trường làm việc sẽ như thế nào, và con người sẽ đóng vai trò gì.

Tương lai của công việc hay công việc trong tương lai?

Khi nói về công việc trong tương lai, những thảo luận về cấu trúc nghề nghiệp hiện tại sẽ không mang ý nghĩa gì cả. Sau khi tủ lạnh được phát minh vào những năm 1930, nhiều người làm trong các doanh nghiệp bán đá lạnh lo sợ bị mất việc. Thực tế, tủ lạnh khiến cho phần lớn công việc kinh doanh đá trở nên dư thừa không cần thiết, nhưng cũng chính vì thế, nhiều công việc mới lại được tạo ra. Ví dụ, các công ty sản xuất tủ lạnh cần người để chế tạo chúng, và do thực phẩm được bảo quản tốt hơn nên nhiều doanh nghiệp hoàn toàn mới được thành lập để phục vụ thị trường thực phẩm đó. Chúng ta không nên để bản thân suy nghĩ theo hướng khái niệm việc làm mà chúng ta đã biết ngày nay. Thay vào đó, chúng ta nên tư duy về môi trường làm việc sẽ như thế nào trong tương lai. Để làm được điều đó, chúng ta cần tự hỏi mình một câu hỏi hoàn toàn khác biệt: Điều gì đang thay đổi trong môi trường làm việc, từ cả quan điểm định tính lẫn quan điểm doanh nghiệp?

Xét về quy trình làm việc, nhiều công việc trong ngành sản xuất do con người đảm nhiệm vẫn được duy trì theo thời gian, chỉ một số phần của quy trình đó được thay thế bởi máy móc, hoặc ít nhất được hỗ trợ bởi máy móc. Nhưng trong thời đại số hóa, con người sẽ làm được nhiều việc hơn là đơn thuần thu hẹp khoảng cách giữa các máy móc. Công việc thực hiện bởi con người và máy móc được xây dựng xung quanh việc giải quyết những vấn đề của khách hàng.

Con người xác định các vấn đề và sắp xếp chúng theo cấu trúc trước, tiếp theo máy móc hoặc thuật toán sẽ phát triển các giải pháp mà con người đánh giá ở bước cuối cùng. Ví dụ, bác sỹ X quang hiện nay được hỗ trợ bởi các công cụ tích hợp công nghệ học máy (ML), và họ thấy rằng rằng những lời khuyên dựa trên công nghệ học máy đã cải thiện đáng kể khả năng đọc phim X quang của họ.

Định nghĩa lại mối quan hệ giữa con người và máy móc

Quá trình tương tác giữa con người và máy móc đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Trong tương lai, công nghệ có thể trở thành một phần tự nhiên hơn nhiều trong môi trường làm việc của chúng ta, được kích hoạt bởi một số phương thức nhập liệu như giọng nói, nhìn hoặc chạm. Ví dụ, tại cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), Amazon Alexa quản lý việc đặt lịch các phòng họp hội nghị - bất cứ ai cần một phòng họp đều có thể hỏi Alexa và việc đặt lịch phòng họp diễn ra tự động. Việc ứng dụng công nghệ hiệu quả có thể tạo ra sự phối hợp và tương tác tốt hơn giữa các nhân viên, đồng thời nâng cao năng suất làm việc.

Tất nhiên, những tiến triển này sẽ khiến cho trách nhiệm và mô hình doanh nghiệp phải thay đổi theo. Nguồn lực công ty dành cho các công việc quản trị có thể được chuyển đổi với vai trò mang lại lợi ích trực tiếp cho khách hàng. Chúng ta có thể sẽ cần nhiều "nhà phát triển ứng dụng", "nhà sáng tạo", "chuyên gia phụ trách quan hệ khách hàng", nhưng ít "quản trị viên" hơn. Nhờ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của con người về sáng tạo và phát triển, công việc sẽ trở nên có ý nghĩa và thú vị hơn.

Mở rộng thế giới số

Nhận thức mới về mối quan hệ giữa con người và máy móc sẽ mang tới một hiệu ứng quan trọng khác: Nó sẽ làm gia tăng đáng kể số người tham gia vào chuỗi tạo ra giá trị số, gồm những người không tiếp xúc với công nghệ, lạc hậu về kỹ thuật số, người già, và cả những người không biết tới smartphone hay máy tính.

Một ví dụ điển hình là hãng Grab, một nền tảng vận chuyển hành khách đang hoạt động tại sáu quốc gia gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Nhờ ứng dụng các dịch vụ AWS, Grab có thể sử dụng luồng dữ liệu cũng như phân tích chúng theo thời gian thực để hỗ trợ 1,5 triệu lượt đặt xe trong khu vực Đông Nam Á.

Cho đến bây giờ, chúng ta mới chỉ hiểu chút ít về công việc trong tương lai. Tuy nhiên có thể nhận thấy, chất lượng công việc sẽ ngày càng tăng lên, và công nghệ sẽ cho phép chúng ta thực hiện nhiều hoạt động mà ngày nay chúng ta chưa thể hình dung được.

Theo VnMedia

 http://vnmedia.vn/cong-nghe/201907/khong-gian-lam-viec-trong-tuong-lai-se-ra-sao-637396/