Không chỉ “sát thủ tàu sân bay”, Mỹ còn gờm đòn phủ đầu Trung Quốc

VietTimes -- Trong khi các nhà chiến lược quốc phòng Mỹ hết sức chú ý vào tên lửa đạn đạo “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc cũng như các tàu sân bay của nước này thì một báo cáo mới đây lại cho rằng mối đe dọa lớn nhất của Trung Quốc vào Mỹ lại là một nguy cơ khác ít được chú ý hơn, National Interest cảnh báo.
DF-21D, "sát thủ tàu sân bay" của Trung Quốc
DF-21D, "sát thủ tàu sân bay" của Trung Quốc

“Mối đe dọa quân sự lớn nhất đối với các lợi ích quan trọng của Mỹ tại châu Á có thể là một trong những nguy cơ ít được chú ý hơn: đó là khả năng ngày càng tăng của lực lượng tên lửa của Trung Quốc đe doạ các căn cứ của Mỹ trong khu vực,” ông Thomas Shugart và Javier Gonzalez nhận định trong một bản báo cáo được công bố vào tháng trước của Trung tâm an ninh Mỹ.

Hai chuyên gia Gonzalez và Shugart đều là chỉ huy trong Hải quân, và hiện đang là các chuyên gia quân sự tại Trung tâm an ninh Mỹ. Trong báo cáo mới đây, hai chuyên gia đều cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng tên lửa để tiến hành cuộc tấn công phủ đầu bất ngờ nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực để ngăn Mỹ không can thiệp vào cuộc xung đột có thể diễn ra ở Đài Loan hay quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku.

“Một phần nhờ vào lợi thế đi trước một nước, cùng với việc triển khai vũ khí chính xác tầm xa hiện đại, một cuộc tấn công phủ đầu như vậy có vẻ phù hợp với những thông tin hiện nay về học thuyết tên lửa và chiến lược quân sự của Trung Quốc", báo cáo nhận định.

Trung Quốc đã ngay lập tức bắt tay vào xây dựng những khả năng này vì quá kinh ngạc trước chiến thắng áp đảo của Mỹ đối với lực lượng của Saddam Hussein trong Chiến tranh vùng Vịnh. Bắc Kinh đã chuyển lực lượng Nhị pháo (tên lửa) từ chỗ là một lực lượng hạt nhân thành lực lượng kết hợp cả tên lửa hạt nhân và tên lửa chính xác thông thường (gồm cả tên lửa đạn đạo lẫn tên lửa hành trình). Chiến lược này nhằm tận dụng những lợi thế bất cân xứng của Trung Quốc như vị trí địa lý và chi phí sản xuất tên lửa thấp.

Để có thể tấn công phủ đầu các căn cứ quân sự của Mỹ, Trung Quốc đã tạo ra một lực lượng tên lửa khổng lồ và được cho là kho tên lửa trên bộ lớn nhất thế giới. Theo ước tính của Lầu Năm Góc, kho tên lửa của Trung Quốc có khoảng 1.200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn thông thường, 200-300 tên lửa đạn đạo tầm trung thông thường, 200-300 tên lửa hành trình phóng từ mặt đất. Trong số đó rất nhiều tên lửa cực kỳ chính xác, cho phép chúng tiêu diệt mục tiêu dù không mang các đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa hành trình DF-10A (Đông Phong-10A) của Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Theo báo cáo của RAND, “chỉ số sai số trượt mục tiêu của tên lửa Trung Quốc vào những năm 90 là hàng trăm mét, giờ đây đã giảm xuống chỉ còn 5-10m.” Một số tên lửa bao gồm cả tên lửa sát thủ tàu sân bay DF-21D có các phương tiện tái xâm nhập cải thiện độ chính xác và cho phép chúng tránh được các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Shugart và Gonzalez cũng chỉ ra rằng quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận mô phỏng các cuộc tấn công phủ đầu các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực. Trong đó, lực lượng tên lửa của Trung Quốc “dường như đã diễn tập tấn công tàu với kích cỡ tương tự như tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ  ở một bến cảng mô phỏng bến cảng tại căn cứ hải quân của Mỹ ở Yokosuka".

Theo các chuyên gia cách duy nhất để quân đội Trung Quốc có thể hạ gục tàu Mỹ tại cảng là tiến hành cuộc tấn công bất ngờ.

Sau khi xem xét khả năng và học thuyết của Trung Quốc, các tác giả cố gắng mô phỏng một cuộc tấn công phủ đầu để đánh giá hiệu quả. Điều thú vị là, trong khi hai chuyên gia tin rằng Trung Quốc sẽ tấn công các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản và thậm chí là cả lực lượng của Nhật Bản thì họ lại cho rằng Bắc Kinh sẽ tránh động đến Hàn Quốc để không gây ra một mặt trận thứ hai trên bán đảo Triều Tiên khi đang theo đuổi mục tiêu quân sự ở nơi khác.

Hơn nữa, ông Shugart và Gonzalez cũng cho rằng Bắc Kinh cũng sẽ không tấn công căn cứ ở đảo Guam vì đó là lãnh thổ của Mỹ và Trung Quốc muốn ngăn Mỹ không leo thang ném bom đại lục.

Hai chuyên gia Shugart và Gonzalez với những kiến thức chắc chắn về các hệ thống phòng thủ của Mỹ và đồng minh trong khu vực đã chạy hai mô hình khác nhau về cuộc tấn công phủ đầu. Trong cả hai mô hình này, “dường như đủ số tên lửa đạn đạo có thể sẽ gây ra thiệt hại đáng kể tới các căn cứ của Mỹ trong khu vực.”

Dưới đây là một số hậu quả mà cuộc tấn công có thể gây ra:

• Hầu hết các trụ sở và cơ sở hậu cần chính sẽ bị tấn công, trong đó trụ sở quan trọng nhất sẽ bị tấn công chỉ trong vài phút.

• Hầu hết các tàu của Mỹ ở cảng Nhật đều bị tên lửa đạn đạo tấn công.

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã tấn công mục tiêu giả định là các khu trục hạm Mỹ neo đậu tại căn cứ ở Nhật Bản
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã lập thao trường ở miền tây nước này để thực hiện tấn công mục tiêu giả định là các khu trục hạm và tàu sân bay Mỹ neo đậu tại căn cứ ở Nhật Bản

• Mọi đường băng và đường cao tốc tại các căn cứ không quân lớn của Mỹ ở Nhật Bản đều sẽ bị tấn công bởi tên lửa đạn đạo.

• Kết quả của việc đường băng và các trụ sở chính bị phá hủy cùng sự xuống cấp nghiêm trọng của các hệ thống phòng không là hơn 200 máy bay của Mỹ bị tiêu diệt chỉ trong vài giờ xung đột diễn ra

Tuy nhiên Mỹ vẫn có hy vọng, đó là hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh hơn ở Nhật bản, bao gồm cả việc triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao THAAD và các tàu khu trục phòng thủ tên lửa đạn đạo lớp Aegis, có thể làm giảm thiệt hại của cuộc tấn công phủ đầu từ phía Trung Quốc. Dù cho một lượng đáng kể tên lửa vẫn tấn công được vào Okinawa thì thiệt hại cũng đã được giảm đi rất nhiều.

Tên lửa
Tên lửa "sát thủ tàu sân bay" DF-21D của Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo DF-41 của Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo DF-41 của Trung Quốc

Quan trọng hơn, các căn cứ khác của Mỹ ở Nhật Bản cách xa Trung Quốc có thể đánh chặn các tên lửa, tạo thời gian cho máy bay cất cánh và tàu thuyền rời khỏi cảng. Hai chuyên gia cũng cho rằng quân đội Mỹ trong khu vực nên thường xuyên diễn tập di tản nhanh chóng khỏi căn cứ.

Điều này chỉ ra một khả năng quan trọng khác. Mặc dù các tác giả thừa nhận rằng nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc vẫn tranh cãi về khả năng Trung Quốc tấn công phủ đầu, nhưng các tác giả cũng chỉ ra rằng Mỹ đã từng bị tấn công bất ngờ trong trận Trân Châu Cảng. Hai chuyên gia cũng lưu ý rằng cuộc tấn công như vậy cũng phù hợp với học thuyết chủ động phòng thủ của Trung Quốc.

Căng thẳng Mỹ- Nhật đang ngày càng tăng cao và học thuyết chủ động phòng thủ của Trung Quốc cũng được triển khai trong thời điểm căng thẳng tương tự. Nếu Trung Quốc định tấn công phủ đầu để hỗ trợ cho cuộc tấn công Đài Loan hay quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku thì có vẻ như tình hình lúc đó sẽ cực kỳ căng thẳng.

Nếu như vậy, Mỹ có cách đơn giản hơn để tránh cơn ác mộng như Shugart và Gonzalez mô tả, đó là hành động thận trọng khi phân tán quân đội trong thời gian căng thẳng lên cao. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách tận dụng lợi thế của các căn cứ không quân mà Mỹ đang vận hành trở lại ở Thái Bình Dương, cũng như đảm bảo rằng tàu của Mỹ phải cách xa đối phương.

Tóm lại hai chuyên gia Shugart và Gonzalez đã chỉ ra rằng sát thủ tàu sân bay không phải là cơn ác mộng lớn nhất với Mỹ.