Khoảng 4,3 triệu người truy cập Internet qua IPv6 tại Việt Nam

VietTimes -- Tính đến cuối tháng 10/2017, chỉ số tỷ lệ người dùng của Việt Nam truy cập Internet qua IPv6 đạt khoảng 10%, với khoảng 4,3 triệu người sử dụng IPv6, theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) vừa công bố dẫn nguồn từ APNIC và phòng Lab Cisco.
Ảnh minh hoạ: VIA
Ảnh minh hoạ: VIA

Thông tin từ Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC cũng cho hay, trong 20 năm qua, tài nguyên địa chỉ IP của Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc, phục vụ đắc lực cho sự tăng trưởng chung về Internet.

Năm 2007, Việt Nam đã đạt 1 triệu địa chỉ IPv4 và chỉ 3 năm sau, vào năm 2010 số lượng địa chỉ IPv4 đã tăng lên, đạt 10 triệu địa chỉ. Theo số liệu của potaroo.net, sau 20 năm Việt Nam hòa mạng Internet toàn cầu, tổng địa chỉ IPv4 của Việt Nam hiện đã đạt hơn 15,9 triệu địa chỉ IPv4, đứng thứ 2 khu vực ASEAN, sau Indonesia; đứng thứ 8 châu Á và thứ 29 toàn cầu.

Hiện nay, trên mạng Internet Việt Nam có tổng số 350 mạng độc lập. Những năm gần đây, gia tăng đáng kể các tổ chức có mạng lưới kết nối đa hướng, đăng ký sử dụng số hiệu mạng ASN và vùng địa chỉ độc lập. Điều này thể hiện sự đa dạng, phát triển trong mạng lưới hạ tầng thông tin với sự trưởng thành trong mạng lưới người sử dụng.

Một điểm nhấn trong công tác quản lý phát triển tài nguyên số chính là quá trình thúc đẩy phát triển ứng dụng địa chỉ Internet phiên bản mới IPv6, thay thế cho nguồn IPv4 đã cạn kiệt để tiếp nối các hoạt động phát triển Internet.

Đón trước xu thế cạn kiệt tài nguyên địa chỉ IPv4, Việt Nam đã triển khai các hoạt động chuyển đổi IPv6 từ năm 2008, bắt đầu từ Chỉ thị 03 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6.

Cụ thể, năm 2009, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã được thành lập để nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển và ứng dụng IPv6; xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam. Tiếp đó, vào năm 2011, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 với 3 giai đoạn: Chuẩn bị (2011 - 2012); Khởi động (2013 - 2015); và Chuyển đổi (2016 - 2019), với mục tiêu đảm bảo Internet Việt Nam hoạt động ổn định, bền vững trên nền tảng công nghệ IPv6.

Từ sau sự kiện Ngày IPv6 Việt Nam năm 2016, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam bắt đầu tăng trưởng tốt. Số liệu thống kê từ hệ thống Trung tâm mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) cho thấy, tính đến ngày 31/10/2017, chỉ số tổng thể triển khai IPv6 của Việt Nam đạt mức 10%, có mặt trong Top 3 khu vực ASEAN và Top 5 châu Á, sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan. Cũng tại thời điểm cuối tháng 10 năm nay, số lượng người dùng IPv6 tại Việt Nam là khoảng 4,3 triệu người, theo nguồn từ phòng Lab Cisco.

VNNIC nhận định, tỉ lệ ứng dụng IPv6 chung của Việt Nam có được là do kết quả triển khai dịch vụ IPv6 tốt của 2 doanh nghiệp tiêu biểu là FPT Telecom, Tập đoàn VNPT và hoạt động ổn định của hệ thống mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia trên nền tảng mạng DNS quốc gia và Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX).