Khoa Trí tuệ nhân tạo - AI đầu tiên tại Việt Nam sẽ tập trung vào lĩnh vực gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các sinh viên tại Khoa được hướng dẫn bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Stanford, MIT và các công ty công nghệ lớn như NVIDIA, Intel, Microsoft, Amazon, Meta, VinAI, FPT, Samsung, NAVER...

Giảng viên và học viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cùng nghiên cứu.
Giảng viên và học viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cùng nghiên cứu.

Phát biểu tại buổi lễ công bố Nghị quyết hành lập và ra mắt Khoa Trí tuệ nhân tạo (AI) của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ rằng, AI đang tiến hóa nhanh, sẽ còn nhiều thay đổi, bởi vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh chương trình đào tạo cần được cập nhật liên tục. Học viện phải theo sát tình hình quốc tế, các chương trình giảng dạy về AI của các trường đại học (ĐH) trên thế giới. Chương trình giảng dạy AI của Học viện phải sát với chương trình của các ĐH hàng đầu thế giới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, AI là mới với tất cả các nước, Việt Nam không phải là nước theo sau, bởi vậy, không có lý do gì để Học viện theo sau. Học viện phải tích cực hợp tác với các doanh nghiệp (DN) AI trong nước và quốc tế. Đào tạo nhân lực AI thì phải kết hợp đào tạo ĐH, cao học, tiến sỹ và đào tạo lại. Các kỹ sư điện tử, viễn thông, CNTT, có thể "reskill" để trở thành kỹ sư AI, để đáp ứng nhanh nhu cầu về nhân lực AI trong ngắn hạn.

Đối với các bạn sinh viên AI của Học viện, Bộ trưởng cho rằng các sinh viên có thể tự hào, và cần phải tự hào là những sinh viên AI đầu tiên của Việt Nam. Các bạn là thế hệ tiên phong của một lĩnh vực tiên phong.

“Hãy tận dụng mọi cơ hội để học hỏi. Người mở đường thì sẽ không có giới hạn, không bị giới hạn, vì chưa có định nghĩa” - Bộ trưởng nói.

GS. TS. Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết Khoa AI ra đời với sứ mệnh không chỉ là nơi đào tạo những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI, mà còn là trung tâm nghiên cứu và phát triển những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội với nhu cầu nhân lực trong ngành AI liên tục tăng cao.

2-12.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng các lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tại lễ công bố Nghị quyết thành lập Khoa AI của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

PGS TS Phạm Văn Cường, tân Trưởng khoa Trí tuệ Nhân tạo thông tin, chương trình đào tạo của khoa được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, tập trung vào hai lĩnh vực chính: Học máy và Trí tuệ Nhân tạo ứng dụng, với nội dung tham khảo từ các trường đại học danh tiếng như Stanford và Carnegie Mellon. Theo chương trình, sinh viên được trang bị kiến thức sâu rộng và thực tiễn trong lĩnh vực AI, đồng thời có cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Các sinh viên tại Khoa được hướng dẫn bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Stanford, MIT và các công ty công nghệ lớn như NVIDIA, Intel, Microsoft, Amazon, Meta, VinAI, FPT, Samsung, NAVER,...

Sự ra đời của Khoa Trí tuệ Nhân tạo đã hiện thực hóa cam kết của Học viện trong việc phát triển nguồn nhân lực AI, đóng vai trò đầu tàu trong việc đào tạo và hỗ trợ các khoa khác về chuyên ngành này. Khoa sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Tuần trước, ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có công điện về việc tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây.

Thủ tướng yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập nghiên cứu thành lập các đơn vị chuyên môn chuyên biệt để ưu tiên tập trung đào tạo và nghiên cứu về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây.

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học rà soát, đổi mới chương trình đào tạo; xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên các chuyên ngành trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy và học; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, các cơ quan nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước để đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, nhất là các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…