Khi trẻ phải được giục mới học

Nguyễn Bích Lan
Nguyễn Bích Lan

Nhà văn - Dịch giả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hơn bao giờ hết, trong thế giới hiện đại ngày nay, sự tiến bộ và thịnh vượng của một quốc gia phụ thuộc vào ý thức chủ động học tập của các cá nhân trong quốc gia đó.

Giáo dục hiện thời là vấn đề trăn trở với tất cả chúng ta. Có thể nhận thấy một điều rất rõ rằng, con trẻ của chúng ta đang học tập một cách thụ động. Đa số học sinh, thậm chí cả sinh viên đại học, phải được giục mới học thay vì chủ động trau dồi tri thức, cũng như văn hóa.

Học chủ động là sự học không hoàn toàn phụ thuộc vào sự sắp đặt từ bên ngoài mà do nhu cầu và ý thức tự thân của người học. Dĩ nhiên các chương trình giảng dạy trong nhà trường được xây dựng dựa trên sự nghiên cứu công phu và khoa học trang bị kiến thức cơ bản cho trẻ là cần thiết.

Nhưng cần thiết không kém, những chương trình ấy phải có sức khơi gợi và kích thích người học tìm hiểu sâu và rộng hơn về những gì mình được dạy ở trường, biết tự tìm kiếm những kiến thức không được nhà trường cung cấp để hình thành tư duy so sánh, đối chiếu, phản biện vì sự tiến bộ.

Vì sao học sinh ở nước ta không có hứng thú với môn lịch sử, một trong những môn học quan trọng được đa số học sinh thuộc các nền giáo dục ở các nước phát triển yêu thích?

Đó là bởi chương trình lịch sử trong sách giáo khoa và cả cách dạy lịch sử trong nhà trường của chúng ta không có sức thu hút: lịch sử được nhìn theo chỉ một chiều thì mới chỉ là lịch sử nửa vời; học lịch sử mà phải học thuộc lòng vô số các sự kiện kèm theo nhiều mốc thời gian, nhiều con số, chứ không phải là suy ngẫm về các sự kiện và các bài học lịch sử thì không khiến người học dễ chán mới lạ!

Trong các môn học  ở trường phổ thông của chúng ta,  ngoài môn mỹ thuật được dạy không phải bởi các tài năng trong lĩnh vực này,  chỉ có môn văn là môn cho phép học sinh cơ hội sáng tạo.

Nhưng cơ hội ấy ở nhiều trường học, trong một thời gian dài, đã bị cách dạy “làm theo văn mẫu” cướp đi: khi làm bài văn tả con mèo, cả một lớp học gồm vài chục học sinh đều bắt đầu bằng câu: “Nhà em có nuôi một chú mèo tam thể”, thậm chí cả những học sinh nhà không nuôi mèo cũng viết (theo văn mẫu) y hệt.

Không chỉ nội dung giáo dục ở trường phổ thông được “hàn lâm hóa” mà mật độ kiến thức trong giáo dục phổ thông ở nhà trường của chúng ta đều khiến trẻ quá tải khi tiếp thu.

Những vòng tay bạn bè và nụ cười tỏa nắng trên sân trường của học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong trong lễ trưởng thành 2019
Những vòng tay bạn bè và nụ cười tỏa nắng trên sân trường của học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong trong Lễ trưởng thành 2019

Lượng bài tập ở lớp và bài tập về nhà không hề ít mà nhiều trường học vẫn duy trì đã khiến trẻ luôn ở trong tình trạng bị thời gian rượt đuổi trong khi đó sự học chủ động (tự học) cần thời lượng nhất định để người học tự do tìm hiểu những điều mình muốn biết, tùy theo khuynh hướng, khả năng và mối quan tâm của bản thân. 

Không khó hiểu khi lối giáo dục ấy tạo ra những công nhân có sức ì rất lớn, luôn đợi người quản lý ra lệnh, sắp xếp việc cho làm mới nhúc nhích, tạo ra những lứa công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.

Cũng chẳng khó hiểu khi nó tạo ra sản phẩm giáo dục là những người ở tuổi trưởng thành không quen tự quyết định những việc quan trọng của đời mình và đến khi buộc phải quyết định thì thường đưa ra những quyết định sai lầm hoặc bất hợp lý.

Việc học thụ động không những khiến con người ta lười tư duy mà còn khiến khả năng sáng tạo không được đánh thức và nuôi dưỡng. Hệ quả là, người Việt nói chung hiện nay so với dân nhiều nước thua kém về khả năng phát minh: Chúng ta sử dụng thành quả phát minh sáng tạo của nước khác nhiều hơn là tự sáng chế ra các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của đại đa số dân mình. Chúng ta có một thị trường gồm hơn 90 triệu dân, nhưng nhập khẩu từ chiếc điện thoại thông minh đến chiếc ô che nắng.

Tuy nhiên, sự giáo dục, nếu hoàn toàn được phó mặc cho nhà trường, thì đó là điều kiện tốt nhất để trẻ trở nên thụ động trong học tập. Bao giờ cũng vậy và ở thời nào cũng thế, giáo dục nên là nhiệm vụ chung của gia đình, nhà trường , xã hội.

Nếu ở trường trẻ được khai mở, được kích thích tự tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ, về nhà trẻ  được sống trong gia đình có những thành viên biết chủ động tự học qua đọc sách, rút kinh nghiệm và không ngừng cải thiện bản thân, ra ngoài xã hội trẻ được tiếp xúc với những cá nhân và tập thể chủ động trong việc tuân thủ luật giao thông, biết tự giác xếp hàng, giữ gìn vệ sinh môi trường, duy trì cách ứng xử văn hóa, văn minh thì trẻ đương nhiên sẽ hình thành ý thức chủ động trong việc tìm kiếm và tiếp thu những điều bổ ích. Đó mới là sự học cần và đủ.

Cô hiệu trưởng Nguyễn Yến Trinh (trường Chuyên Lê Hồng Phong) trao bằng khen cho các em học sinh giỏi cấp thành phố năm 2019
Cô hiệu trưởng Nguyễn Yến Trinh (trường Chuyên Lê Hồng Phong) trao bằng khen cho các em học sinh giỏi đạt Giải I cấp thành phố năm 2019