Khi công nghệ bảo tàng ảo lên ngôi

VietTimes -- Theo truyền thống, công chúng muốn đến xem bảo tàng vẫn phải đến tận nơi để mục sở thị. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số thì nhiều bảo tàng trên thế giới đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thay vì phải đến tận nơi, khách tham quan hoàn toàn có thể vào mạng Internet ngay cả trên điện thoại di động để chiêm ngưỡng các hiện vật của bảo tàng theo không gian 3 chiều.
Du khách trải nghiệm ứng dụng thuyết minh tự động tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: báo Đại biểu Nhân dân
Du khách trải nghiệm ứng dụng thuyết minh tự động tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: báo Đại biểu Nhân dân

Theo một chuyên gia Úc, bảo tàng và di tích đang bị cuốn vào cuộc cạnh tranh với văn hóa đại chúng, với các khu mua sắm, sự phát triển công nghệ. Dù muốn hay không, các bảo tàng vẫn phải cố gắng đổi mới cách sắp xếp, bài trí để “đánh thức” các giác quan của người xem. Các bảo tàng tại Việt Nam cũng đang nỗ lực theo đuổi công nghệ để thu hút công chúng, nhất là giới trẻ. Thời gian qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã ứng dụng thành công minh họa video tại không gian trưng bày nhằm mở rộng thông tin thuyết minh. Hay Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đưa vào hoạt động thử nghiệm miễn phí hệ thống thuyết minh tự động với 3 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan quốc tế. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiên phong xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3D để tăng tính trải nghiệm, tương tác cho bảo tàng thực...

Nắm bắt xu hướng công nghệ thế giới để có một bảo tàng sống động hơn là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Dương - Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, chất lượng hiện vật và phục vụ mới là yếu tố then chốt để duy trì sự phát triển của bảo tàng. “Có một thời gian, các bảo tàng cũng tham vọng và triển khai ứng dụng công nghệ hình ảnh 3D, nhưng thực tế không hiệu quả, vì công chúng vẫn muốn đến bảo tàng. Mắt thấy, tai nghe, tay sờ mới thực sự mang đến trải nghiệm ấn tượng”. Do đó, theo PGS.TS. Phạm Văn Dương, các bảo tàng nên chắt lọc, dựng clip 3D một số nội dung và giới thiệu như trailer quảng bá. Cách làm này đặc biệt thích hợp với những không gian trưng bày, hiện vật mới.

Dẫu thế, bằng những nghiên cứu về di sản văn hóa, bảo tàng, cộng đồng và du lịch tại nhiều nước, đã có chuyên gia dự báo là trong tương lai gần sẽ là công nghệ tương tác thực tế ảo và xa hơn sẽ xuất hiện các giao diện không ranh giới giữa khách tham quan, di sản và công nghệ. Chính vì thế, việc các bảo tàng ở Việt Nam phải tiếp cận và ứng dụng công nghệ thực tế ảo để giới thiệu về các hiện vật được trưng bày của mình với đông đảo công chúng. Đó cũng chính là một cách làm cần thiết để quảng bá từ xa và thu hút, lôi kéo khách tham quan trực tiếp đến các bảo tàng.