Khát vọng của Đảng ủy Petrovietnam: Không để lỡ "chuyến tàu" chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đang tiên phong và quyết đoán trong chuyển đổi. Yếu tố quan trọng nhất giúp Petrovietnam dẫn đầu trong thời đại số là vai trò lãnh đạo toàn diện, nhất quán của Đảng ủy Tập đoàn.

Khát vọng hiện đại hóa vì dân tộc

Chuyển đổi số (CĐS) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) không đơn thuần là giải pháp kỹ thuật mà đó là biểu hiện của một tư duy phát triển mang tính chiến lược. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy Petrovietnam đã xác định công tác CĐS và ĐMST là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trong lãnh đạo trước các biến động nhanh chóng của công nghệ và xu hướng chuyển dịch mô hình kinh doanh toàn cầu, đồng thời là nền tảng cho phát triển bền vững.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy Tập đoàn đã xác định không thể bỏ lỡ "chuyến tàu" CĐS và ĐMST bằng việc ban hành Nghị quyết số 184-NQ/ĐU ngày 15/2/2022 về thực hiện CĐS tới năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Tập đoàn đã được ban hành liên tiếp, đảm bảo sự liên thông và hiệu lực trong chỉ đạo.

Anh1 CĐS.png
Lãnh đạo Petrovietnam báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính về nghiên cứu thu hồi và lưu trữ CO2 của VPI.

Tiếp đó, quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; cùng các nghị quyết, chỉ đạo, định hướng của các cấp về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), ĐMST, CĐS, cũng như những định hướng phát triển ngành năng lượng, ngành dầu khí và Petrovietnam trong giai đoạn tới; Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn thống nhất ban hành "Nghị quyết 951-NQ/ĐU về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo động lực mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh để Tập đoàn bứt phá, tăng trưởng với tốc độ 2 con số" để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đồng thuận cao từ Công ty mẹ đến các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn; huy động cả hệ thống chính trị Tập đoàn, từ cán bộ, đảng viên đến người lao động trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Hiện nay, Petrovietnam không chỉ là Tập đoàn "mạnh về tiềm lực, cao về quản trị", mà còn là hình mẫu của mô hình doanh nghiệp nhà nước do Đảng lãnh đạo toàn diện, đổi mới mạnh mẽ, tiên phong vì quốc gia, không chỉ dừng ở định hướng chính trị mà đã được Đảng ủy Tập đoàn cụ thể hóa trong mọi quyết sách. Trong quá trình chuyển dịch chiến lược thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam, bên cạnh các ngành năng lượng truyền thống, Petrovietnam định hướng tiên phong trong chuyển dịch năng lượng, từ phát triển năng lượng tái tạo, điện khí LNG, hydrogen xanh đến thúc đẩy nội lực KHCN, ĐMST, CĐS để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Petrovietnam đặt mục tiêu xây dựng và hiện đại hóa hạ tầng công nghiệp năng lượng, bao gồm hệ thống kho cảng, đường ống truyền tải, các cơ sở lưu trữ năng lượng quy mô lớn và phát triển lưới điện thông minh tích hợp nền tảng số hóa trong quản lý năng lượng.

Dưới sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng ủy, Petrovietnam đã triển khai công cuộc CĐS một cách bài bản, thống nhất trên toàn hệ thống, xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Với vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế quốc gia, Petrovietnam đã xây dựng tầm nhìn số với định hướng: Chuyển đổi số hỗ trợ và thúc đẩy quá trình dịch chuyển mô hình kinh doanh, tối ưu phương thức hoạt động và nâng cao năng lực quản trị vận hành trên toàn Tập đoàn.

Dưới sự chỉ đạo thống nhất của Đảng ủy, Petrovietnam đã triển khai chiến lược CĐS bài bản với 6 nhóm giải pháp chủ lực: xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), tự động hóa vận hành - khai thác. Một trong những trọng tâm là việc tạo lập và khai thác tài nguyên số, đặc biệt là xây dựng "Nền tảng số tập trung (DCP)" thông qua việc thu thập và chuẩn hóa dữ liệu theo thời gian thực, tập trung và ứng dụng khoa học dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác.

Anh2 CĐS.png
Petro vietnam đẩy nhanh và mạnh việc ứng dụng KHCN, CĐS, ĐMST trong quản lý, quản trị điều hành hoạt động một cách đồng bộ.

Việc ứng dụng các nền tảng số đã thấm sâu từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên, từ giếng khoan xa bờ đến hệ thống nhà máy lọc hóa dầu, khí, điện và dịch vụ kỹ thuật. CĐS giúp Petrovietnam tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, cải thiện an toàn - môi trường, dự báo tốt hơn các xu hướng thị trường và ra quyết định nhanh nhạy hơn. Đặc biệt, trong các lĩnh vực như tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, quản trị kỹ thuật giàn khoan, Petrovietnam đã tiệm cận trình độ khu vực, thậm chí sánh ngang một số tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới.

Không chỉ là vấn đề công nghệ, CĐS tại Petrovietnam còn gắn liền với cải cách thể chế, xây dựng mô hình quản trị hiện đại, minh bạch và linh hoạt. Đảng ủy Tập đoàn xác định thể chế, tổ chức, con người là trụ cột để CĐS thành công và bền vững. Petrovietnam đã và đang đẩy mạnh việc tích hợp các giải pháp công nghệ hiện đại vào mọi mặt hoạt động, từ quản lý điều hành đến sản xuất kinh doanh. Quá trình này diễn ra mạnh mẽ và đồng bộ ở cả Công ty mẹ và các đơn vị thành viên.

Việc ứng dụng CĐS sâu rộng thay đổi mô hình kinh doanh đã giúp Petrovietnam 3 năm liên tiếp phá kỷ lục về doanh thu, vượt mốc 1 triệu tỷ đồng tính đến cuối năm 2024, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19 (năm 2019) và tương đương với khoảng 9% tổng GDP của cả nước. Tập đoàn đã nộp ngân sách nhà nước 165.000 tỷ đồng, tăng trưởng 52% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Kết quả này góp phần giúp Petrovietnam hoàn thành sớm được kế hoạch sản xuất - kinh doanh 5 năm (2021-2025), vượt từ 6-32%. Không chỉ đứng đầu về doanh thu, lợi nhuận trong khối doanh nghiệp nhà nước, Petrovietnam cũng tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm và đóng góp lớn cho an sinh xã hội đất nước.

Sức bật nội sinh cho phát triển bền vững

Gắn liền với CĐS là ĐMST - mảnh ghép không thể thiếu để tạo nên sức bật đột phá. Đảng ủy Tập đoàn giữ vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo, định hướng, tạo cơ chế và lan tỏa văn hóa sáng tạo trong toàn hệ thống.

Petrovietnam đã xây dựng hệ sinh thái ĐMST với sự tham gia tích cực của đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, đặc biệt là lực lượng trẻ. Các chương trình thi đua sáng kiến, sáng chế được tổ chức rộng khắp, góp phần tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Petrovietnam cũng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, định hướng đào tạo chuyên sâu cho ngành năng lượng tương lai.

Anh3 CĐS.png
Petro vietnam đẩy nhanh và mạnh việc ứng dụng KHCN, CĐS, ĐMST trong quản lý, quản trị điều hành hoạt động một cách đồng bộ

Một số đơn vị thành viên tiêu biểu như Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo, mở ra không gian chuyên biệt để hiện thực hóa các ý tưởng KHCN vào sản xuất. Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) - với vai trò là đơn vị nghiên cứu khoa học đầu ngành của Petrovietnam - đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới. VPI đã giới thiệu thành công chế phẩm giúp nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR), nhiên liệu sạch, phần mềm VPI EOR Screening... Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) đã tiên phong áp dụng AI vào hệ thống bảo trì tiên đoán (PdM) cho các thiết bị quan trọng. Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) cũng ứng dụng các công nghệ tiên tiến như mạng nơ-ron tích chập (CNN-HampsonRussell) cho phân tích địa chấn định lượng và AI trong nghiên cứu đặc điểm đá chứa tại các lô mỏ...

Petrovietnam cũng tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề cấp Tập đoàn về định hướng công nghệ chiến lược và giải pháp thúc đẩy KHCN - ĐMST, xác định các công nghệ chiến lược ưu tiên như: công nghệ năng lượng mới (hydro, pin hạt nhân...), vật liệu siêu carbon, AI, dữ liệu lớn, công nghệ biển sâu, ứng dụng công trình số (Digital Factory)...

Dưới sự dẫn dắt của Đảng ủy Tập đoàn, Petrovietnam đã hình thành các cơ chế đột phá để thúc đẩy chương trình KHCN thông qua đãi ngộ công bằng và cạnh tranh; chia sẻ rủi ro cho các nghiên cứu không thành công; khuyến khích tư duy tiến bộ, tạo động lực mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu, ĐMST, KHCN.

Nhờ điểm tựa này, Petrovietnam đã có nhiều công trình tuổi trẻ được trao Giải thưởng Đổi mới sáng tạo phát triển doanh nghiệp: năm 2022 có 8 đề tài, năm 2024 có 3 đề tài. Petrovietnam cũng không ngừng nâng cao tiềm lực nghiên cứu và ứng dụng KHCN, chủ động tiếp thu kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phát huy sáng tạo, tối ưu hiệu quả công nghệ hiện có để đạt trình độ ngang bằng với các công ty dầu khí trong khu vực và trên thế giới. Hàng trăm giải thưởng đã được trao tặng cho các thành tựu về KHCN của ngành dầu khí, trong đó có nhiều công trình, cụm công trình vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN, Giải thưởng VIFOTEC...

Không dừng lại ở đầu tư công nghệ, Petrovietnam còn chú trọng xây dựng văn hóa hiệu quả, gắn ĐMST, CĐS với phát triển con người - đây là triết lý xuyên suốt trong các chương trình hành động của Đảng ủy Tập đoàn. Tập đoàn đã triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông nội bộ về CĐS, tổ chức các khóa đào tạo kiến thức số cho cán bộ, đảng viên và người lao động. Cùng với đó là các giải pháp số hóa quản trị thông qua triển khai hệ thống Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), số hóa bộ quy chế Quản trị nội bộ, số hóa các dữ liệu của Petrovietnam trong toàn Tập đoàn, xây dựng nền tảng dữ liệu dùng chung, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp.

Petrovietnam còn chú trọng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng tương lai, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp - viện nghiên cứu - startup đổi mới sáng tạo.

Đảng ủy Petrovietnam luôn xác định CĐS và ĐMST không phải là đích đến, mà là hành trình liên tục. Trong hành trình đó, Petrovietnam - với sự dẫn đường của Đảng ủy Tập đoàn - đang từng bước khẳng định vai trò dẫn dắt trong kỷ nguyên công nghiệp năng lượng mới, đặt nền móng cho sự thịnh vượng quốc gia bền vững trên nền tảng tri thức, công nghệ và khát vọng dân tộc.

Đây là cơ sở để Tập đoàn tăng trưởng bền vững với tốc độ "2 con số", vươn tầm trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia có tiềm lực mạnh, quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế, nằm trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Fortune Global 500).

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: "Toàn thể đơn vị trong Petrovietnam cần tận dụng sức mạnh thời đại, ứng dụng KHCN tạo sự đồng bộ, hình thành cơ sở dữ liệu chung; tập trung đẩy nhanh và mạnh việc ứng dụng KHCN, CĐS, ĐMST trong quản lý, quản trị điều hành hoạt động một cách đồng bộ từ Công ty mẹ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên; ứng dụng 100% mô hình "văn phòng điện tử" trong toàn Tập đoàn.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng công nghệ lõi phục vụ mục tiêu chiến lược ngành dầu khí, ứng dụng công nghệ và ĐMST để phát triển ngành; xác định nghiên cứu khoa học là giải pháp mấu chốt, trọng yếu trong việc triển khai nhiệm vụ các năm tới để tăng năng suất, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn nhằm đảm bảo doanh thu, lợi nhuận và mục tiêu chiến lược trong bước chuyển mình của Tập đoàn".