Khám phá hệ thống phòng không được mệnh danh "sát thủ tầm thấp" của Trung Quốc

Tại Triển lãm hàng không Chu Hải vừa kết thúc, một xe - hệ thống tên lửa phòng không tự hành với 72 ống phóng đã thu hút sự quan tâm của khách tham quan trong nước và quốc tế.
Xe hỗ trợ hỏa lực HQ-17AE hoàn toàn tự động tác chiến phòng không tầm thấp với cấu hình hỏa lực cực mạnh. Ảnh: QQnews.

Vũ khí phòng không phát triển từ hệ thống Tor-1 của Nga

Tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm nay, sự xuất hiện của xe hỗ trợ hỏa lực HQ-17AE của Trung Quốc đã khiến nhiều người quan tâm. Thiết bị này không chỉ kế thừa những điểm ưu việt của hệ thống tên lửa phòng không HQ-17 mà còn có những đổi mới táo bạo trên nền tảng ban đầu, đặc biệt là tích hợp khái niệm chiến đấu không người lái, giúp nâng cao đáng kể hiệu quả chiến đấu và tính linh hoạt ứng dụng của nó.

Hệ thống phòng không di động Tor-1 của Nga, được Trung Quốc mua năm 1996. Ảnh: Wiki.

HQ-17AE là mẫu cải tiến dựa trên hệ thống tên lửa phòng không HQ-17 (Hongqi-17). Hệ thống HQ-17 vốn được Trung Quốc bắt chước và cải tiến dựa trên công nghệ của hệ thống tên lửa phòng không Tor-M1 mua của Nga. Nó chủ yếu được sử dụng để đánh chặn các mục tiêu máy bay tầm thấp, tên lửa hành trình.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2019, tính linh hoạt và hiệu quả chiến đấu của hệ thống tên lửa phòng không dòng HQ-17 đã được quân đội nhiều nước đánh giá cao. HQ-17AE là phiên bản phát triển mới nhất của hệ thống này. Nó được tích hợp một số công nghệ tiên tiến và trở thành thứ vũ khí mạnh mẽ sử dụng cho tác chiến chống máy bay không người lái.

Một trong những điểm nổi bật lớn nhất của xe hỗ trợ hỏa lực HQ-17AE là cấu hình hỏa lực cực kỳ mạnh mẽ. Mỗi xe mang 72 tên lửa, trong đó có 24 tên lửa phòng không tầm ngắn và 48 tên lửa phòng không tầm siêu ngắn. Cấu hình này mang lại cho nó khả năng phòng thủ bão hòa mạnh mẽ khi đối phó với các mục tiêu bay chậm và nhỏ, đạn thông minh và thậm chí cả các cuộc tấn công kiểu bầy ong của máy bay không người lái.

Hệ thống tên lửa HQ-17 Trung Quốc phát triển trên cơ sở Tor-1. Ảnh: Sohu.

Khi đối mặt với đợt tấn công bầy đàn quy mô lớn, xe hỗ trợ hỏa lực HQ-17AE có thể nhanh chóng tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Radar mảng pha chủ động và radar điều khiển hỏa lực mà nó mang theo cho phép hệ thống thu được thông tin mục tiêu trong thời gian ngắn nhất và nhanh chóng tiến hành đánh chặn nhiều mục tiêu. Kết hợp với hệ thống ngắm bắn quang điện tiên tiến và công nghệ phát hiện radar, HQ-17AE có khả năng nhận biết cực mạnh và khả năng tấn công chính xác.

Cấu hình tên lửa mật độ cao này khiến HQ-17AE giống như một “cơn sấm sét” di động trong tác chiến chống máy bay không người lái. Khi đối mặt với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của đối phương, xe hỗ trợ hỏa lực HQ-17AE có thể nhanh chóng phóng tên lửa để tạo thành đòn tấn công siêu bão hòa, từ đó tiêu diệt hiệu quả mối đe dọa đang đến gần.

Không giống như các hệ thống tên lửa phòng không truyền thống, một trong những cải tiến lớn nhất của xe hỗ trợ hỏa lực HQ-17AE là hoạt động hoàn toàn không có người thao tác. Xe hoạt động thông qua hệ thống điều khiển từ xa, người điều khiển có thể ngồi ở khu vực an toàn, cách xa khu vực nguy hiểm ra lệnh cho xe thực hiện nhiệm vụ. Ngay cả khi phải đối mặt với các cuộc tấn công từ máy bay không người lái của đối phương, xe hỗ trợ hỏa lực HQ-17AE cũng không cần lo lắng về thương vong của người điều khiển.

Xe hỗ trợ hỏa lực HQ-17AE được trưng bày tại Triển lãm Chu Hải. Ảnh: QQnews.

Chiến đấu không người lái không chỉ có thể giảm thiểu rủi ro về con người mà còn nâng cao đáng kể hiệu suất chiến đấu. Do các cuộc tấn công bằng bầy đàn UAV thường có tính cơ động cao và yêu cầu chiến thuật thay đổi nhanh chóng, xe HQ-17AE không người lái có thể phản ứng nhanh và thực hiện các nhiệm vụ đánh chặn đa mục tiêu phức tạp mà không bị hạn chế bởi người vận hành như hệ thống phòng không truyền thống.

Khắc tinh của mục tiêu “bay thấp, nhỏ, chậm”

Công nghệ UAV liên tục phát triển và các hệ thống phòng không truyền thống không còn khả năng đối phó với các mối đe dọa từ các mục tiêu “thấp, chậm và nhỏ”. Đặc biệt trong môi trường chiến đấu kiểu bầy ong, các hệ thống vũ khí phòng không truyền thống thường không thể phản ứng hiệu quả trong thời gian ngắn. Sự xuất hiện của xe hỗ trợ hỏa lực HQ-17AE đã lấp đầy khoảng trống này, đặc biệt trong lĩnh vực phòng không tầm trung và tầm thấp.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, ý nghĩa của xe hỗ trợ hỏa lực HQ-17AE không chỉ tác chiến chống máy bay không người lái. Đồng thời, xe hỗ trợ hỏa lực HQ-17AE còn có thể liên kết với các hệ thống phòng không khác để tạo thành mạng lưới phòng không bao phủ rộng khắp thông qua việc lập mạng lưới tác chiến.

Phiên bản hệ thống HQ-17AE Serbia mua của Trung Quốc khác với mẫu trưng bày tại Triển lãm Chu Hải. Ảnh: QQnews.

Trong một số môi trường chiến thuật cụ thể, xe hỗ trợ hỏa lực HQ-17AE còn có thể khiến đối phương bối rối bằng cách "ngụy trang giấu mình", dụ đối phương huy động máy bay không người lái, sau đó phản kích thông qua các cuộc tấn công liên mạng. Ứng dụng chiến thuật linh hoạt này giúp xe hỗ trợ hỏa lực HQ-17AE có khả năng thích ứng rất cao trong chiến tranh hiện đại phức tạp.

Ngày nay, xe hỗ trợ hỏa lực HQ-17AE đã trở thành vũ khí phòng không có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế với cấu hình hỏa lực mạnh, khả năng chiến đấu không người lái và khả năng thích ứng đa nhiệm linh hoạt.

Với việc mối đe dọa ngày càng tăng của máy bay không người lái, nhu cầu thị trường về HQ-17AE đang tăng lên, một số nước châu Á, Trung Đông đã bày tỏ muốn mua hệ thống “sát thủ tầm thấp” này. Cách đây không lâu, quân đội Serbia đã công khai hệ thống phòng không HQ-17AE họ đã mua từ Trung Quốc.

Theo QQnews, Sohu