Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê:

Khám, chữa bệnh từ xa kết nối bệnh viện Trung ương và địa phương, trong Nam ngoài Bắc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, gần tới mức gần như không có khoảng cách giữa trong Nam, ngoài Bắc, giữa tuyến trên và tuyến dưới.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế)
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế)

Đó là trao đổi của PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - khi nói về mục tiêu 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa theo đề án đã được xây dựng cho giai đoạn 2020 – 2025.

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chính phủ điện tử, Bộ Y tế đang triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025. Hiện tại 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa đang được thiết lập để đáp ứng mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương.

Tăng cường năng lực chuyên môn của bệnh viện tuyến dưới

PV: Thưa Cục trưởng, xin ông cho biết về sự ra đời và mục tiêu của đề án khám, chữa bệnh từ xa?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Có thể khẳng định đề án khám, chữa bệnh từ xa là một trọng tâm hoạt động trong giai đoạn hiện nay của Bộ Y tế. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trực tiếp chỉ đạo hoạt động này, nhằm mục xây dựng mạng lưới y tế không giới hạn giữa các tuyến.

Việc tư vấn, hỗ trợ cho tuyến dưới là một trong những nhiệm vụ trong đào tạo, chỉ đạo tuyến của các bệnh viện. Đây là hoạt động đã được triển khai tại một số cơ sở khám, chữa bệnh, tuy nhiên trong giai đoạn này, khi dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới nổi có nguy cơ xuất hiện, đòi hỏi ngành y tế phải có những giải pháp quyết liệt để đáp ứng yêu cầu vừa phòng chống dịch, vừa đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đề án khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên chất lượng cao hơn, đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được lan tỏa xa hơn tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.

Đề án đề ra mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

PV: Xin ông có thể cho biết rõ hơn về hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa để người dân dễ hình dung?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã áp dụng giải pháp công nghệ thông tin triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả. Ban Chỉ đạo Quốc gia đã thành lập “Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19”.

Trung tâm thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, mời các giáo sư đầu ngành cả nước cùng hội chẩn các ca bệnh nặng, bàn các phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, gần tới mức gần như không có khoảng cách giữa trong Nam, ngoài Bắc, giữa tuyến trên, tuyến dưới.

Trung tâm quản lý, điều hành được thành lập đã đánh dấu sự phát triển của hệ thống khám, chữa bệnh trong xu hướng hội nhập, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong điều trị bệnh tật, đặc biệt với bệnh dịch nguy hiểm COVID-19.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19.

Hiệu quả rõ rệt của việc ứng dụng CNTT

PV: Sau 2 lần dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, nhiều người dân ở các đô thị lớn đã nhận thấy hiệu quả rõ ràng của việc khám chữa bệnh từ xa, thưa ông?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Đúng vậy, qua dịch COVID-19 càng khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa mà bệnh nhân phi công người Anh là một ví dụ điển hình. Các chuyên gia đầu ngành đã thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, tìm ra các giải pháp tốt nhất điều trị người bệnh.

Nhờ đó, nam phi công đã có những hồi phục kỳ diệu, từ chỗ phổi gần như hoàn toàn đông đặc, chỉ 10% hoạt động được, đến nay bệnh nhân có thể hít thở khí trời, phổi nở ra 85%, hoàn toàn khỏi bệnh và đã trở về nước.

Những nỗ lực của đội ngũ chuyên gia và các cán bộ y tế của các tuyến đã giúp giai đoạn 1 chúng ta không ghi nhận trường hợp nào tử vong. Toàn ngành bước vào giai đoạn 2 đã phát huy những kết quả và kinh nghiệm của giai đoạn I. Đến nay dịch bệnh tại Đà Nẵng, Hải Dương đã cơ bản được kiểm soát.

Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID -19” được xây dựng và phát triển trong những ngày đầu tiên khi dịch COVID-19 bùng phát đã được ghi nhận là 1 trong 7 công trình được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

PV: 1.000 điểm cầu được hoàn thành sẽ có ý nghĩa như nào đối với ngành y tế và người bệnh được hưởng lợi gì thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Trung tâm quản lý và điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 là minh chứng cho thành công tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, và là mô hình đầu tiên để từ đó nhân rộng ra cả nước. Để tiếp tục nhân rộng và duy trì điểm cầu như thế này, cần một loạt hành lang pháp lý và các chính sách để duy trì hoạt động.

Đó là cần quản lý chặt chẽ từ vấn đề bảo mật thông tin, đường truyền; danh mục kỹ thuật để thanh toán BHYT; các quy định để những ý kiến hội chẩn tuyến trên trở  thành căn cứ pháp lý và cần thiết, để tuyến dưới thực hiện mà thầy thuốc, người bệnh yên tâm khi có hành lang pháp lý tốt, đường truyền tốt. Khi đảm bảo các yếu tố đó sẽ phát huy những ưu điểm của KCB từ xa mà thế giới đã thực hiện;

Hiện nay Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục của Bộ Y tế và Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin truyền thông, Tập đoàn Viettel đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo tính pháp lý của một buổi hội chẩn từ xa, cũng như đảm bảo các yếu tố kỹ thuật để tư vấn khám, chữa bệnh từ xa đạt hiệu quả.

PV: Hướng đến mục tiêu 1.000 điểm cầu, việc triển khai kết nối giữa các cơ sở khám, chữa bệnh hiện đã triển khai như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Hiện nay đã có gần 20 BV Trung ương kết nối khám, chữa bệnh từ xa, trong đó BV Bạch Mai đã kết nối được 300 điểm cầu; BV Việt Đức kết nối gần 130 điểm cầu; BV Đại học Y Hà Nội kết nối với gần 200 điểm…

1.000 điểm cầu là con số tượng trưng để đặt ra mục tiêu cho đề án. Mặc khác, hiện cả nước có 40 bệnh viện tuyến Trung ương; 492 bệnh viện tuyến tỉnh; 645 bệnh viện tuyến huyện; 72 bệnh viện ngành; 275 bệnh viện tư nhân; 32.000 phòng khám tư nhân; 11.000 trạm y tế thì con số 1.000 điểm cầu hoàn toàn khả thi. Các bệnh viện tuyến trung ương có đội ngũ giáo sư, chuyên gia nhiều kinh nghiệm cần phải phát huy trong giai đoạn này để hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới. Những kinh nghiệm điều trị rất quan trọng và đáng trân trọng. 

Qua đây tôi xin bầy tỏ lời cám ơn tới các thầy thuốc, các chuyên gia các tuyến trênluôn sẵn sàng tham gia các điểm cầu để hỗ trợ các tuyến dưới làm tốt nhiệm vụ!

- Xin cảm ơn ông!