Khai trương 6 toa xe chuyên dùng vận chuyển hàng bưu điện

VietTimes -- Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã đầu tư mới 06 toa xe tầu hỏa đạt chuẩn tốc độ 100 km/giờ. Khối lượng chuyên chở mỗi toa xe đạt từ 15 - 17 tấn, thể tích toa xe đạt trên 110m3. Đặc điểm dễ nhận biết nhất là toàn bộ toa xe được sơn màu vàng và có logo thương hiệu Bưu điện Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng và Lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cắt băng khai trương toa xe tầu hỏa
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng và Lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cắt băng khai trương toa xe tầu hỏa

Để đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực vận chuyển, lưu thoát hàng hóa và chất lượng dịch vụ bưu chính chuyển phát, sáng ngày 11/8, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Lễ khai trương Toa xe đường sắt chuyên dùng vận chuyển hàng bưu điện. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 71 năm Ngày Truyền thống ngành Bưu điện (15/8/1945 - 15/8/2016). Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã tới dự và cắt băng khai trương.

Theo đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã đầu tư mới 06 toa xe tầu hỏa đạt chuẩn tốc độ 100 km/giờ. Các toa xe này vừa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành đường sắt, vừa phù hợp với yêu cầu về tải trọng, công năng, phương thức khai thác, vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa, bưu gửi trong lĩnh vực bưu chính. Điều này có ý nghĩa rất lớn về công tác đảm bảo an toàn và rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, báo chí; đồng thời việc khai thác bưu gửi cũng thuận lợi, nhanh chóng hơn. Khối lượng chuyên chở mỗi toa xe đạt từ 15 - 17 tấn, thể tích toa xe đạt trên 110m3. Đặc điểm dễ nhận biết nhất là toàn bộ toa xe được sơn màu vàng và có logo thương hiệu Bưu điện Việt Nam.

Công nhân Bưu điện Việt Nam bốc xếp hàng trên toa xe tàu hỏa

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất mỗi ngày sẽ dành 2 toa xe bưu chính xuất phát từ 2 đầu Ga Hà Nội, Sài Gòn để vận chuyển, giao nhận hàng bưu chính, báo chí trên dọc tuyến đường sắt Thống nhất Bắc - Nam. Cụ thể 01 chuyến theo hành trình của đoàn tàu Thống nhất TN1 đối với chiều Hà Nội - Sài Gòn và 01 chuyến theo đoàn tàu Thống nhất TN2 đối với chiều Sài Gòn - Hà Nội. Tổng thời gian hành trình từ Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh là 37 giờ; tổng thời gian hành trình từ TP.Hồ Chí Minh đến Hà Nội là 38 giờ. Theo lược đồ hành trình, tuyến vận chuyển đường sắt Thống nhất Hà Nội - Sài Gòn (và ngược lại) sẽ thực hiện giao nhận các sản phẩm bưu chính, báo chí trao đổi liên vùng giữa các tỉnh, thành phố khu vực Miền Bắc (giao nhận tại Ga Hà Nội) với các tỉnh, thành phố khu vực Miền Nam (giao nhận tại Ga Sài Gòn); các sản phẩm trao đổi giữa 21 tỉnh, thành phố trên dọc tuyến đường sắt Bắc Nam và 03 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc (giao nhận tại Ga Đà Nẵng và Diêu Trì).

Việc mở tuyến vận chuyển hàng Bưu chính bằng riêng toa xe tàu hỏa là bước đi quan trọng trong chiến lược cải tiến, đổi mới, sắp xếp lại mạng lưới vận chuyển bưu chính. Qua đó giúp Bưu điện Việt Nam nâng cao năng lực, chủ động trong công tác tiếp nhận, khai thác, khớp nối, chuyển tiếp bưu gửi, báo chí cũng như bảo đảm chất lượng và thời gian chuyển phát toàn trình trên trục Bắc - Nam và ngược lại.

 Toa xe tàu hỏa mang thương hiệu Bưu điện Việt Nam

Phát biểu tại buổi Lễ khai trương, ông Đỗ Ngọc Bình, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết việc đưa vào khai thác toa xe đường sắt chuyên dùng vận chuyển hàng bưu điện có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp cho Bưu điện Việt Nam nâng cao năng lực vận chuyển, đáp ứng tối đa yêu cầu về tải trọng, công năng, phương thức khai thác, vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa, bưu gửi trong lĩnh vực bưu chính. Đồng thời, Bưu điện Việt Nam cũng có cơ hội quảng bá hình ảnh, thương hiệu trên toa xe qua khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Việc mở tuyến vận chuyển hàng bưu chính bằng riêng toa xe tàu hỏa là bước đi quan trọng trong chiến lược cải tiến, đổi mới, sắp xếp lại mạng lưới vận chuyển bưu chính. Qua đó giúp Bưu điện Việt Nam nâng cao năng lực, chủ động trong công tác tiếp nhận, khai thác, khớp nối, chuyển tiếp bưu gửi, báo chí cũng như bảo đảm chất lượng và thời gian chuyển phát toàn trình trên trục Bắc - Nam và ngược lại, ông Đỗ Ngọc Bình nhấn mạnh.