Tại phòng trưng bày Đền Ngọc Sơn, tiêu bản rùa Hồ Gươm vẫn giữ nguyên đường nét, kích cỡ và hình dáng như khi còn sống. Theo tìm hiểu, nhóm phóng viên được biết cá thể rùa cuối cùng này được chế tác và bảo quản nguyên trạng bằng phương pháp nhựa hóa theo công nghệ Đức. Đây là phương pháp mới và đang được ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu mẫu vật.
Theo PGS. TS Phan Kế Long – Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, để thực hiện việc nhựa hóa, Bảo tàng đã mời 2 chuyên gia người Đức sang Việt Nam. Toàn bộ nguyên vật liệu để thực hiện đều được mua từ nước ngoài. “Các chuyên gia đã truyền dung dịch nhựa (polyme) vào trong các tế bào của rùa, giúp các tế bào này được bảo quản ở trạng thái nguyên vẹn, không bị phân hủy. Ưu điểm của phương pháp nhựa hóa là mẫu vật sẽ giữ nguyên được hình dáng mẫu vật ban đầu, kể cả phần xương, diềm mai và bộ phận sinh dục rùa sẽ không bị co ngót và màu sắc được thể hiện theo nguyên gốc”, ông Long cho biết.
So sánh tiêu bản cụ rùa Hồ Gươm mất năm 2016 và năm 1967
So sánh tiêu bản cụ rùa Hồ Gươm mất năm 2016 và năm 1967
Do xác cụ Rùa quá lớn nên phải mất đến 3 năm để hoàn thành tiêu bản. Cụ thể, rùa Hồ Gươm cuối cùng dài 2,08 mét, rộng 1,08 mét và và nặng gần 170 kg. Hiện tại, phòng trưng bày tại Đền Ngọc Sơn cũng phải đảm bảo đủ điều kiện nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm để tiêu bản được bảo quản lâu dài.
Rất nhiều người dân và du khách tò mò đến phòng trưng bày đền Ngọc Sơn để được tận mắt chiêm ngưỡng mẫu vật độc đáo này. “Nghe nói cụ Rùa Hồ Gươm vừa được bàn giao lại Đền Ngọc Sơn nên tôi đến thăm. Lúc mới vào tôi thấy khá bất ngờ vì mẫu vật giống thật quá. Tôi có cảm giác tiêu bản mới này giống thật hơn tiêu bản cũ bên cạnh”, chị Dương (Ba Vì) nhận xét.
Chia sẻ thêm với phóng viên VietTimes về ý nghĩa của việc bảo quản cá thể rùa Hồ Gươm cuối cùng, chị Dương nói: “Tôi thấy đây là một hành động rất có ý nghĩa, nó gợi nhớ cho mọi người nhớ về cội nguồn và lịch sử hào hùng của dân tộc”.
Rùa Hồ Gươm từ bao đời nay đã trở thành hình tượng mang ý nghĩa tâm linh trong mỗi người dân Việt Nam. Có thể nói, việc bảo quản nguyên vẹn cá thể rùa cuối cùng từng sống tại nơi đây đã góp phần giúp thế hệ trẻ mai sau có cơ hội học hỏi, đồng thời hiểu hơn về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.