Kẻ đánh cắp và phát tán thông tin của Thủ tướng Angela Merkel có kiến thức tin học rất bình thường, không phải là chuyên gia máy tính

VietTimes – Một sinh viên người Đức sống với cha mẹ và không hề được đào tạo chuyên ngành máy tính là thủ phạm của vụ tấn công và tiết lộ thông tin của hàng trăm nhân vật nổi tiếng ở Đức, trong đó có Thủ tướng Angela Merkel.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh: Getty Images)
Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh: Getty Images)

Một sinh viên người Đức 20 tuổi hiện đang sống cùng cha mẹ đã thừa nhận anh ta là thủ phạm vụ hack dữ liệu làm lộ thông tin cá nhân của Thủ tướng Angela Merkel và hàng trăm người nổi tiếng khác.

Anh này sau đó đã đăng tải những thông tin mà mình hack được, bao gồm ảnh, số điện thoại, email và dữ liệu thẻ tín dụng của gần 1000 chính trị gia và nhà báo trên tài khoản Twitter @0rbit vào tháng trước. Tài khoản này hiện đã bị khóa lại.

Cảnh sát Đức đã không tiết lộ tên người sinh viên này, nhưng nói rằng anh ta đang sống cùng cha mẹ và không phải là một chuyên gia máy tính.

Tài khoản 0rbit trên Twitter là nơi sinh viên Đức tiết lộ thông tin cá nhân của những người nổi tiếng
 Tài khoản 0rbit trên Twitter là nơi sinh viên Đức tiết lộ thông tin cá nhân của những người nổi tiếng 

Trong số các dữ liệu bị anh này tiết lộ trên tài khoản Twitter, có 2 địa chỉ email và một mã số thuế mà Thủ tướng Đức sử dụng trước đây. Chưa rõ đây là những dữ liệu có tính chất cá nhân hay là dữ liệu được Thủ tướng Đức sử dụng công khai.

Những nạn nhân khác của vụ việc bao gồm một số phóng viên truyền hình, nghệ sỹ hài và ca sỹ nhạc rap.

Người sinh viên này nói rằng anh ta đã hành động một mình trong quá trình thu thập dữ liệu khổng lồ, và cũng khai rằng anh ta nhắm vào các nạn nhân vì họ đưa ra những lời bình luận khiến anh ta khó chịu.

Công tố viên cao cấp Georg Ungefuk phát biểu với Reuters: "Bị cáo cho biết động cơ của anh ta là do bị kích thích bởi các tuyên bố của các chính trị gia, nhà báo và nhân vật của công chúng”.

Sinh viên này đã bị bắt vào hôm Chủ nhật (6/1) tại một ngôi nhà ở bang Hylen, miền Trung nước Đức. Anh này sau đó đã được tại ngoại và đang phải hợp tác với cảnh sát để làm rõ vụ việc.

(ảnh minh họa: Getty Images)
(ảnh minh họa: Getty Images) 

Trước đây, hai tờ New York Times và Forbes đã đặt ra nghi vấn rằng đảng cực hữu Alternative for Germany (đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức) là thủ phạm đứng đằng sau vụ tấn công và chia sẻ thông tin cá nhân của các chính trị gia, bởi không một thành viên nào của Đảng này bị lộ dữ liệu.

Trong khi đó, đảng Dân chủ Xã hội Đức – với nhiều thành viên bị tiết lộ dữ liệu – nghi ngờ rằng có thể có sự can thiệp của một quốc gia khác trong vụ tấn công này.

Tuy nhiên, cảnh sát Đức cho biết cuộc điều tra cho đến này chưa tìm thấy manh mối nào về sự tham gia của bên thứ ba.