Jack Ma tán thành văn hóa làm việc “Không ngủ, không sex” gây tranh cãi của Trung Quốc

VietTimes – Tỷ phú công nghệ Jack Ma đã bị chỉ trích vì tán thành văn hóa làm việc 12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần gây tranh cãi trong ngành công nghệ Trung Quốc. Ông cho rằng nhân viên lao động nhiều hơn sẽ nhận được “phần thưởng cho sự chăm chỉ”.
Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Alibaba Jack Ma. Ảnh: SCMP
Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Alibaba Jack Ma. Ảnh: SCMP

Nhà sáng lập Alibaba, Jack Ma đã lên tiếng ủng hộ văn hóa làm việc “996” gây tranh cãi trong giới công nghệ Trung Quốc. Con số “996” đại diện cho thời gian làm việc 12 tiếng/ngày (9 giờ sáng đến 9 giờ tối), 6 ngày/tuần. Văn hóa làm việc “996” đang phổ biến tại các công ty công nghệ lớn và công ty khởi nghiệp.

“Nếu chúng ta tìm thấy đam mê thì ‘996’ không phải là vấn đề”, ông Ma tuyên bố trên mạng xã hội Weibo ngày 14/4. “Nếu không thích [công việc] thì mỗi phút là một cực hình”.

Ngay lập tức, bài đăng của tỷ phú công nghệ Jack Ma đã khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng.

“Ông đã bao giờ nghĩ về người già hoặc trẻ con ở nhà cần được chăm sóc chưa”, một tài khoản Weibo chất vấn. “Nếu tất cả doanh nghiệp đều thực hiện theo lịch trình 996 thì không người nào có con” vì họ thiếu thời gian.

Cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc cũng không tán thành với lịch làm việc 996.

“Ủng hộ làm việc chăm chỉ và trách nhiệm không có nghĩa là phải làm thêm giờ”, tờ Nhân dân Nhật báo viết. “Việc ép buộc thực hiện theo văn hóa làm thêm giờ ‘996’ không chỉ phản ánh sự kiêu căng của lãnh đạo các doanh nghiệp, mà còn bất công và thiếu thực tế”.

 “Không chỉ đơn giản là làm thêm giờ”

Nhân viên ngành công nghệ tại Trung Quốc đang phải làm việc theo văn hóa 669. Ảnh: Weibo
Nhân viên ngành công nghệ tại Trung Quốc đang phải làm việc theo văn hóa 669. Ảnh: Weibo

Giải thích cho quan điểm của mình, ông Jack Ma cho biết không hề có ý định bảo vệ văn hóa 996, nhưng ông muốn “tri ân” tất cả nhân viên đã chăm chỉ làm việc.

“996 thực sự không chỉ đơn giản là làm thêm giờ”, ông Jack Ma nói. Nhà sáng lập Alibaba tin rằng mỗi người có quyền lựa chọn cách sống riêng, nhưng những người lao động ít hơn “sẽ không được nếm trải hạnh phúc và phần thưởng cho sự chăm chỉ”.

Jack Ma là một trong những doanh nhân công nghệ nổi tiếng nhất Trung Quốc. Ông Ma sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, ông đã thử sức trong lĩnh vực giáo dục trước khi cùng 17 người bạn thành lập Alibaba vào năm 1999.

Giám đốc điều hành 54 tuổi của Alibaba bắt đầu tham gia vào cuộc tranh luận về thời gian lao động dài của nhân viên ngành công nghệ Trung Quốc vào 11/4, khi bình luận của ông được đăng tải trên trang Weibo của công ty. Ông Ma khẳng định “chưa bao giờ hối hận” vì làm việc 12 giờ/ngày.

“Cá nhân tôi nghĩ rằng 996 là một phước lành to lớn”, ông Ma nói. “Làm thế nào bạn có thể thành công nếu không muốn tốn thêm công sức và thời gian?”

Ngoài ra, ông Ma cũng cho biết bất kỳ nhân viên tương lai nào của công ty công nghệ lớn như Alibaba nên sẵn sàng làm việc 12 giờ/ngày nếu muốn thành công. Ông Ma nói thêm: “Hoặc sao lại gia nhập [công ty]? Chúng tôi không thiếu người làm việc thoải mái trong vòng 8 giờ”.

Văn hóa làm việc trong ngành công nghệ thông tin Trung Quốc bị tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng mô tả là "Không ngủ, không sex, không có gì ngoài công việc". Ảnh: Weibo
Văn hóa làm việc trong ngành công nghệ thông tin Trung Quốc bị tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng mô tả là "Không ngủ, không sex, không có gì ngoài công việc". Ảnh: Weibo

Bên cạnh đó, các vị lãnh đạo cấp cao khác trong ngành công nghệ Trung Quốc cũng lên tiếng bảo vệ văn hóa làm việc 996. Nhà sáng lập JD.com, Richard Liu thậm chí còn chỉ trích các nhân viên không chăm chỉ tại JD là “những kẻ lười biếng”.

Ngày nay, nhân sự trong ngành công nghệ thông tin toàn cầu đang phải lao động với thời gian dài hơn mỗi ngày. Nhà sáng lập Tesla Elon Musk tiết lộ rằng trước đây, ông đã phải làm việc tới 120 giờ/tuần khi quá trình sản xuất các mẫu xe điện gặp vấn đề.

Đăng tải trên Twitter cá nhân hồi tháng 11-2018, ông Musk viết: “Có những nơi dễ dàng hơn để làm việc, nhưng không ai có thể thay đổi thế giới với chỉ 40 giờ/tuần”.

Theo CNN