Iraq tung quân tấn công người Kurd, "thùng thuốc súng" Trung Đông chực nổ

VietTimes -- Những ngày qua, chính sách ly khai, còn được gọi là động thái tự sát chính trị của Masoud Barzani (lãnh đạo người Kurd ở Iraq) nhanh chóng trở thành một trong những vấn đề quan tâm lớn đối với nhiều quốc gia ở Trung Đông trong một thời điểm mà nhiều nước gọi là “thời điểm không thích hợp”.
Xe tăng quân đội Iraq trong thành phố Kirkuk - ảnh Iraq Today
Xe tăng quân đội Iraq trong thành phố Kirkuk - ảnh Iraq Today

Ngày 25.09, người Kurd ở Iraq tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý độc lập, kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy, gần 93% người dân muốn thành lập một quốc gia Kurdistan độc lập.

Chính phủ Iraq lập tức tuyến bố: cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý này là bất hợp pháp. Các nước  Iran và Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq đồng loạt gây sức ép nặng nề lên chính quyền người Kurd trong khu tự trị, cộng đồng quốc tế - ngoại trừ Israel – đồng loạt bác bỏ kết quả cuộc trưng cầu dân ý này.

Baghdad đã nhiều lần cảnh báo rằng thời điểm trưng cầu dân ý là không phù hợp, khi các lực lượng Iraq đang giành thắng lợi trong cuộc chiến chống IS và đã sẵn sàng giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ. Cuộc trưng cầu dân ý của lực lượng người Kurd diễn ra trong thời điểm không thể tệ hơn vì kết quả của nó khiến các bên tham chiến lạc hướng khỏi cuộc chiến chống IS và quay súng đối đầu lẫn nhau.

Người Kurd ở Iraq có dân số khá lớn, chiếm khoảng 6,7 triệu trong tổng dân số gần 80 triệu người.  Cuộc trưng cầu dân ý này đã khiến chính phủ Iraq phải tiến hành các biện pháp chế tài cứng rắn lên người Kurd và thậm chí ra chỉ lệnh cấm buôn bán nhiên liệu với người Kurd ở Iraq.

Trong thời điểm rất nhạy cảm này, đã diễn ra những cuộc gặp bất thường giữa Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Iran, ông Mohammad Bagheri (tư lệnh trưởng lực lượng quân đội, chịu trách nhiệm chính đè bẹp cuộc nổi dậy của người Kurd ở Iran năm 1979), cùng các đối tác đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq - Hulusi Akar và Othman Al-Ghanimi. Cuộc gặp gỡ bất thường này cho thấy, các quốc gia liên quan đang bắt đầu một số nỗ lực phối hợp quân sự nhằm chống lại mối đe dọa ly khai từ người Kurd.

Chính quyền Iraq lập tức điều chuyển một lực lượng vũ trang lớn đến các khu vực tây bắc, nơi có đại đa số người Kurd sinh sống. Những đơn vị vũ trang này tham gia vào một số cuộc tập trận chung với quân đội Iraq tại địa bàn. Điều đó cho thấy một quyết tâm lớn của Baghda sử dụng lực lượng vũ trang để ngăn chặn một cuộc đấu tranh ly khai.

Ngày 15.10.2017, phát ngôn viên chính phủ Iraq cáo buộc chính quyền khu vực Kurdistan (KRG) đã cho phép lực lượng vũ trang của đảng Lao động Kurdistan (PKK) thâm nhập vào thành phố Kirkuk.

PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, các nước thành viên EU và NATO xác định là tổ chức khủng bố. Nhóm này đang hoạt động tích cực tại Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và có mối liên kết chặt chẽ với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn, đang tiến hành cuộc chiến chống IS trên miền bắc Syria và hoàn toàn công khai ý đồ thành lập nhà nước Kurdistan Rojava ly khai khỏi Syria.

Cáo buộc này được đưa ra sau một cuộc họp giữa các quan chức hàng đầu chính phủ Iraq và chính quyền tự trị của người Kurd (KRG) ngày 15.10.2017. Cuộc họp đề cập đến vấn đề phục hồi lại quyền kiểm soát của chính quyền Liên bang Iraq đối với các khu vực tranh chấp, sân bay và lĩnh vực xuất nhập khẩu dầu mỏ. Nhưng cuộc họp này không mang lại bất cứ kết quả nào do KRG bác bỏ mọi yêu cầu của chính phủ liên bang Iraq.

Chính phủ Iraq tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp, bao gồm cả những biện pháp cứng rắn phục hồi lại luật pháp Liên bang, giành lại quyền kiểm soát Kirkuk và nhưng khu vực tranh chấp khác. Từ phía mình, chính quyền tự trị người Kurd KRG phủ nhận liên quan đến những chiến binh thuộc PKK trong cuộc xung đột với các lực lượng vũ trang của chính phủ Iraq.

Chính quyền tự trị người Kurd và các phương tiện truyền thông người Kurd đăng tải nhiều thông tin đến cái gọi là “nguy cơ” quân sự chống lại chính quyền "dân chủ" KRG. Cuộc chiến truyền thông tiếp tục diễn ra căng thẳng trong và trên vùng nông thôn ngoại ô thành phố Kirkuk.

Ngày 16.10.2017, South Front dẫn các nguồn tin người Kurd và Iraq cho biết, quân đội Iraq, phối hợp với lực lượng cảnh sát Liên bang Iraq tiến hành chiến dịch tấn chiếm thành phố Kirkuk và các khu vực khác xung quanh thành phố từ lực lượng Kurdish Peshmerga.

Truyền thông Iraq cho biết, quân đội và các lực lượng vũ trang Iraq khác tiến chiếm một số khu vực bên trong thành phố Kirkuk và một số mỏ dầu xung quanh thành phố. Quân đội Iraq tấn chiếm căn cứ không quân K1, công ty Dầu mỏ phía bắc và doạnh trại quân sự Khaled. Nhưng những thông tin này chưa có sự xác nhận của chính quyền Liên bang Iraq.

Iraq tung quân tấn công người Kurd, "thùng thuốc súng" Trung Đông chực nổ ảnh 1
Iraq tung quân tấn công người Kurd, "thùng thuốc súng" Trung Đông chực nổ ảnh 2
Iraq tung quân tấn công người Kurd, "thùng thuốc súng" Trung Đông chực nổ ảnh 3
Iraq tung quân tấn công người Kurd, "thùng thuốc súng" Trung Đông chực nổ ảnh 4Lực lượng quân sự Iraq tiến vào thành phố Kirkuk - ảnh Iraq Today
Iraq tung quân tấn công người Kurd, "thùng thuốc súng" Trung Đông chực nổ ảnh 5Truyền thông mạng xã hội Iraq cho biết, căn cứ sân bay K1 nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng an ninh Iraq

Theo những tin tức ban đầu nhận được, lực lượng dân quân người Kurd Peshmerga rút khỏi tất cả nhưng khu vực nói trên mà không tiến hành bất cứ sự kháng cự nào. Thống đốc thành phố Kirkuk kêu gọi người dân địa phương đứng lên cầm vũ khí ngăn chặn quân đội Iraq xâm nhập vào thành phố.

Một đoàn xe của lực lượng dân quân người Kurd Peshmerga rút khỏi thành phố Kirkuk - video truyền thông mạng xã hội Iraq

Theo thông tin từ truyền thông Iraq, Lực lượng Động viên rộng rãi Iraq (PMU) không tham gia vào chiến dịch quân sự, đang triển khai trong thành phố Kirkuk. Việc PMU không tham gia vào chiến dịch nhạy cảm như vậy là một quyết định khôn ngoan của Chính phủ Liên bang Iraq.

Chiến dịch quân sự của quân đội Iraq có thể tiếp tục cho đến khi chính phủ Liên bang Iraq khôi phục lại quyền kiểm soát tất cả các khu vực thuộc tỉnh Nineveh, bị lực lượng Peshmerga chiếm giữ sau khi giành lại được từ lực lượng khủng bố IS, chính quyền liên bang Iraq đã mất quyền kiểm soát các khu vực này từ năm 2014, khi IS tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn trên lãnh thổ quốc gia này. Nếu lực lượng Peshmerga đánh trả chiến dịch quân sự của quân đội Iraq, nội chiến chính thức bùng nổ và Iraq sẽ không thể tiến hành cuộc chiến tranh tiêu diệt lực lượng khủng bố IS.

Truyền thông ủng hộ người Kurd bác bỏ thông tin ban đầu, cho rằng Peshmerga rút khỏi căn cứ không quân K1, Sân bay Kirkuk và khu dân cư Maktab Khalad. Ông Kosrat Rasul, phó Tổng thống khu tự trị Kurdistan đang đến Kirkuk với một lữ đoàn Peshmerga, trang bị vũ khí hạng nặng.

Cũng theo truyền thông mạng xã hội ủng hộ người Kurd, Hội đồng An ninh khu vực Kurdistan (KRSC) đưa ra tuyên bố, khẳng định rằng các đơn vị thuộc Lực lượng Động viên rộng rãi Iraq (PMU) cũng tham gia vào chiến dịch này. Tuyên bố khẳng định rằng, các lực lượng chính phủ Liên bang Iraq sử dụng xe tăng, xe thiết giáp và nhiều vũ khí trang bị hạng nặng do Mỹ sản xuất tiến hành cuộc tấn công. KRSC cho biết, lực lượng Peshmerga sử dụng tên lửa chống tăng phá hủy 5 xe Humvees của lực lượng PMU.

Những thông tin này không đi kèm với hình ảnh hoặc video, chứng minh được thực tế. Hoàn toàn có thể lực lượng Peshmerga sẽ rút khỏi Kirkuk để tránh một cuộc xung đột trực tiếp với quân đội chính quyền Iraq trước khi tiêu diệt hoàn toàn IS hoặc có những tình huống xấu hơn. 
Truyền thông người Kurd tuyên bố, quân đội Iraq sử dụng xe tăng Abrám và các xe chiến đấu khác do Mỹ sản xuất tấn công vào lực lượng dân quân người Kurd Peshmerga

Xung đột quân sự trong khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq diễn ra trong một tình huống không thể xấu hơn với chính quyền Liên bang Iraq. Nhà nước Iraq không thể chấp nhận cuộc đấu tranh ly khai của người Kurd, nhưng nếu cuộc nội chiến kéo dài, IS có thể có nguy cơ phục hồi lại binh lực và phản công.

Nguy hiểm hơn là các lực lượng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria cũng đồng thời nổi dậy chống lại chính quyền sở tại. Israel đã thành công trong việc thổi bùng tiếp tục ngọn lửa chiến tranh ở Trung Đông, đồng thời có khả năng đảm bảo IS không bị tiêu diệt hoàn toàn.

TTB