IOGT International: Việt Nam là chú bò sữa khổng lồ của Heineken (*)

VietTimes – Theo Tổ chức Quốc tế Nếp sống lành mạnh (IOGT International), Việt Nam là thị trường mang lại lợi nhuận lớn thứ hai cho Heineken, sau Mexico. Các nhà phân tích ước tính thu nhập kinh doanh từ thị trường Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số 3,87 tỷ euro (4,3 tỷ USD) mà tập đoàn này kiếm được năm ngoái.

Theo IOGT International, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia lớn thứ ba ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Theo IOGT International, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia lớn thứ ba ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Tổ chức này vừa có bài nhận định về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia ngay khi Quốc hội đang thảo luận về dự Luật này và chuẩn bị bấm nút thông qua vào ngày 14/6 tới. Điều này là minh chứng cho thấy dự Luật không chỉ nhận được sự quan tâm trong nước, mà còn của cả cộng đồng quốc tế.

VietTimes xin giới thiệu với bạn đọc bài viết, với bản dịch của Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN):

Việt Nam: Cuộc chiến về thị phần bia diễn ra khi đất nước đang thảo luận về Luật phòng chống tác hại của rượu bia

Cuộc chiến về thị phần bia giữa gã khổng lồ Heineken và doanh nghiệp địa phương, Sabeco, đang diễn ra tại Việt Nam trong bối cảnh chính sách kiểm soát rượu bia đang là tâm điểm của các cuộc thảo luận.

Trong khi khối lượng bia tiêu thụ trên toàn cầu chỉ tăng ở mức 0.2% thì mức tăng trưởng này ở Việt Nam trong sáu năm qua lên đến 6.6%. Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia lớn thứ ba ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Việt Nam là chú bò sữa khổng lồ của Heineken

Doanh số bán hàng của Heineken từ thị trường Việt Nam đã tăng vọt với tỷ lệ phần trăm lên đến hai chữ số trong bốn năm qua. Việt Nam là thị trường mang lại lợi nhuận lớn thứ hai cho Heineken, sau Mexico. Các nhà phân tích ước tính thu nhập kinh doanh từ thị trường Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số 3,87 tỷ euro (4,3 tỷ USD) mà tập đoàn này kiếm được năm ngoái

Với con số này, không có gì ngạc nhiên khi Heineken đã không ngừng nghỉ nỗ lực quảng bá sản phẩm của mình. Tập đoàn này đang nhắm đến việc mở rộng địa bàn hiện đang thuộc thị phần của Sabeco - nhà sản xuất bia lớn nhất ở Việt Nam. Sabeco trước đây thuộc sở hữu của nhà nước và hiện thuộc kiểm soát của Thai Beverage Pcl .

“Mục tiêu mà chúng tôi nhắm đến là vị trí số 1 không chỉ về lợi nhuận, mà còn về quy mô thị trường, ông Leo Evers - Giám đốc điều hành của Heineken Vietnam nói” (theo Yahoo).

Tập đoàn bia đa quốc gia của Hà Lan này gần đây đã tung ra thị trường một phiên bản mới của Heineken và đang mở rộng thị trường ra các vùng ngoại ô và nông thôn với nhãn hiệu Tiger phân khúc hạng trung và các loại bia Larue và Bivina giá thấp.

Sức khỏe cộng đồng dường như chỉ là tài sản thế chấp cho các tập đoàn này tiến hành cuộc chiến về thị phần bia, mà người gánh chịu hậu quả chính là người dân Việt Nam. 

Trận chiến nhằm thông quan chính sách toàn diện về kiểm soát đồ uống có cồn

Trong khi cuộc chiến bia đang diễn ra, một "cuộc chiến" khác cũng đang diễn ra tại Quốc hội Việt Nam về việc thông qua dự thảo luật về Phòng chống tác hại của rượu bia. Dự thảo luật do Bộ Y tế soạn thảo, được thảo luận từ đầu năm 2018 .

Dự thảo luật sẽ được bỏ phiếu vào cuối kỳ họp Quốc hội, vào ngày 14/6 tới. Nếu nhận được sự chấp thuận của hơn một nửa số đại biểu Quốc hội thì các điều khoản liên quan sẽ được thông qua.

Các tập đoàn rượu bia vận động hành lang nhằm ngăn cản các biện pháp mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị

Trong khi cuộc chiến dành thị trường bia đang diễn ra, ngành công nghiệp đồ uống có cồn dường như đã thành công trong việc ngăn cản ban hành các biện pháp giảm mạnh mẽ dựa trên bằng chứng khoa học của dự thảo luật hiện đang được Quốc hội thảo luận.

Các ĐBQH sẽ bấm nút biểu quyết thông qua Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia vào ngày 14/6
Các ĐBQH sẽ bấm nút biểu quyết thông qua Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia vào ngày 14/6

Một số biện pháp cốt lõi chính đã bị tấn công và dường như đang bị gỡ bỏ. Trải qua các vòng thảo luận và xin ý kiến đại biểu Quốc hội, dường như các biện pháp đã được chứng minh sẽ bảo vệ sức khỏe cộng đồng của Dự thảo Luật, đã bị suy yếu đáng kể:

- Khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, và trước, trong và ngay sau các chương trình dành cho trẻ em: Chấp thuận

- Bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22h đến 8h sáng hôm sau: Không đồng thuận

- Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn: Không đồng thuận

- Cấm bán rượu, bia trên internet: Biện pháp này đã bị đưa ra khỏi Dự thảo luật. 

Đây là một sự suy yếu đáng kể của Dự thảo luật so với bản Dự thảo ban đầu vốn gồm các giải pháp chính sách dựa trên bằng chứng, có tác động cao nhằm hạn chế tính sẵn có, hạn chế khả năng chi trả và thúc đẩy sức khỏe và hạnh phúc của người dân.

Tuy nhiên, với mức tiêu thụ rượu bia gia tăng nhanh, Việt Nam cần có các chính sách kiểm soát rượu bia mạnh mẽ, thì mới có thể ngăn chặn được tình trạng tác hại của rượu bia ngày càng gia tăng.

Ngành công nghiệp đồ uống có cồn, đặc biệt là Heineken và các tập đoàn rượu bia đa quốc gia khác đang ráo riết vận động, nhằm chống lại Dự thảo luật với nhiều giải pháp hiệu quả, nhằm giảm sử dụng rượu bia mà Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến nghị này.

Cuộc chiến bia đã chỉ rõ những gì đang đe dọa các tập đoàn rượu bia, và tại sao Luật phòng chống tác hại của rượu bia lại là một mối đe dọa lớn như vậy đối với họ.

(*) Bài viết không thể hiện quan điểm của Tòa soạn.