Indonesia sẽ mua 10 máy bay Su-35 Nga, Việt Nam sẽ là khách hàng thứ 5?

VietTimes -- Trung Quốc mua sắm máy bay chiến đấu Su-35 Nga đã giúp Nga quảng cáo loại máy bay này, giúp các nước yên tâm và thuận lợi hơn trong đàm phán; thị trường tiêu thụ Su-35 chủ yếu là khu vực xung quanh Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu Su-35 mang theo đầy đủ vũ khí. Ảnh: Sina
Máy bay chiến đấu Su-35 mang theo đầy đủ vũ khí. Ảnh: Sina

Trang tin Sina Trung Quốc ngày 23 tháng 2 cho rằng sau khi bắt đầu bàn giao máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc, tại Triển lãm hàng không Bengaluru, Nga tuyên bố hợp đồng liên quan đến mua sắm máy bay chiến đấu giữa Indonesia và Nga sẽ được ký kết trong vài tháng tới, số lượng mua sắm là 10 chiếc.

Đây là khách hàng nước ngoài thứ hai mua sắm máy bay chiến đấu Su-35 sau Trung Quốc. Theo hãng tin TASS Nga ngày 17 tháng 2, Nga sẽ bàn giao 10 máy bay chiến đấu Su-35 cho Indonesia.

Lượng lớn vũ khí trang bị Nga đã được biên chế cho Quân đội Indonesia. Không quân Indonesia hiện nay trang bị 5 máy bay chiến đấu Su-27 và 11 máy bay chiến đấu Su-30; ngoài ra còn trang bị hơn 40 máy bay chiến đấu F-16 và 9 máy bay chiến đấu F-5 mua của Mỹ.

Trong đó, máy bay chiến đấu F-5 là máy bay cũ được sản xuất từ năm 1980, cần thay thế gấp. Lần này mua sắm máy bay chiến đấu Su-35 sẽ thay thế 9 chiếc F-5 này.

Sau khi Indonesia trang bị máy bay chiến đấu Su-35, sẽ trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai sau Singapore trang bị máy bay chiến đấu thế hệ 4+.

Trên thực tế, thông tin Indonesia muốn mua sắm máy bay chiến đấu Su-35 đã có từ vài năm trước, nhưng mãi chưa có giao dịch nào. Căn cứ vào thông tin trước đó, Không quân Indonesia đã đưa ra hai phương án lựa chọn: một loại là máy bay chiến đấu Su-35 của Công ty Sukhoi Nga, một loại khác là máy bay chiến đấu F-16V Viper do Công ty Lockheed Martin Mỹ sản xuất.

Biên đội máy bay chiến đấu Su-35 lắp đầy tên lửa. Ảnh: Sina
Biên đội máy bay chiến đấu Su-35 lắp đầy tên lửa. Ảnh: Sina

Nhưng, ngoài hai loại máy bay chiến đấu này, Không quân Indonesia cũng từng cân nhắc đến một số loại máy bay khác bao gồm máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen Thuỵ Điển, máy bay chiến đấu Rafale Pháp, máy bay chiến đấu Typhoon châu Âu và máy bay chiến đấu F-16C/D lô số 60 của Mỹ.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc đầy đủ, cuối cùng, Không quân Indonesia nghiêng sang máy bay chiến đấu Su-35. So với máy bay chiến đấu Su-30 hiện có của Không quân Indonesia, Su-35 có tính năng ưu việt  hơn, trang bị thiết bị điện tử hàng không tiên tiến.

Hơn nữa, về tính năng tổng hợp, những máy bay chiến đấu nêu trên đều khó có thể so sánh với Su-35. Huống hồ, Indonesia muốn áp đảo máy bay chiến đấu F-15SG và máy bay chiến đấu F-35 tương lai của Singapore. Điều này chỉ có máy bay chiến đấu Su-35 mới có thể làm được.

Sau khi sơ bộ quyết định mua sắm Su-35, Không quân Indonesia lại xuất hiện nhiều thông tin khác nhau về số lượng mua sắm, lúc thì nói 6 chiếc, lúc 8 chiếc, cũng có lúc từng nói là 12 chiếc. Nhưng cuối cùng, hiện nay xác định là 10 chiếc. Đây cũng là cách làm thường thấy của các nước “thiếu tiền” ở khu vực Đông Nam Á.

Căn cứ vào quan điểm chưa được xác nhận, Không quân Indonesia sở dĩ lựa chọn mua Su-35, ngoài có ấn tượng tốt với việc đã sử dụng 11 máy bay chiến đấu Su-30MK/MK2, còn do Trung Quốc đã mua sắm loại máy bay chiến đấu này.

Máy bay chiến đấu F-15SG của Không quân Singapore là máy bay chiến đấu mạnh nhất Đông Nam Á hiện nay. Ảnh: Sina
Máy bay chiến đấu F-15SG của Không quân Singapore là máy bay chiến đấu mạnh nhất Đông Nam Á hiện nay. Ảnh: Sina

Do yêu cầu chặt chẽ của Trung Quốc trong mua sắm máy bay chiến đấu, làm cho một số nước có thể giảm bớt khó khăn trong đàm phán, chỉ cần theo sau mua sắm là được, có thể giảm được rất nhiều phiền phức.

Chẳng hạn, máy bay chiến đấu dòng Su-30MK sở dĩ bán chạy ở các nước Đông Nam Á là do máy bay chiến đấu này nghiên cứu phát triển căn cứ vào yêu cầu của Trung Quốc, rất thích hợp với người châu Á, đương nhiên cũng phù hợp với nhu cầu của các nước này về tính năng.

Lần này, Indonesia mua sắm máy bay chiến đấu Su-35 còn có thể xác nhận một quan điểm trước đó – chính là: Trung Quốc mua sắm loại máy bay chiến đấu này hầu như là đã quảng cáo cho nó.

Việc Nga bắt đầu bàn giao Su-35 cho Trung Quốc trong thời gian qua làm cho rất nhiều nước cảm thấy hoàn toàn yên tâm, cho thấy đây là một loại máy bay chiến đấu hoàn thiện.

Dự tính, sau Indonesia, nước thứ ba mua sắm máy bay chiến đấu Su-35 sẽ là Ấn Độ, khách hàng thứ tư có thể là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất ở Trung Đông, khách hàng thứ năm có thể là Việt Nam, trong khi đó khách hàng thứ sáu có khả năng là Malaysia; hơn nữa Brazil ở Nam Mỹ cũng là một khách hàng tiềm năng.

Chỉ về những khách hàng tiềm năng này, ngoài số lượng mua sắm của Ấn Độ có thể tương đối lớn và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất sẽ không dưới 24 chiếc, lượng mua sắm của các nước khác có thể sẽ rất khó trên 10 chiếc. Nhưng, tổng lượng mua sắm có thể lên tới gần 100 chiếc, đây là điều rất khả quan đối với Nga.

Phi đội máy bay chiến đấu Su-30MKK của Không quân Indonesia. Ảnh: Sina
Phi đội máy bay chiến đấu Su-30MKK của Không quân Indonesia. Ảnh: Sina

Tuy nhiên, nếu thực sự không khác gì mấy so với dự tính trên thì rõ ràng Nga sẽ tập trung bán máy bay chiến đấu Su-35 cho các khu vực xung quanh Trung Quốc. Điều này lại khiến cho Trung Quốc đối mặt với phiền phức lớn trong tương lai.

Ngoài Brazil và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, 4 nước khác mua sắm Su-35 hoặc nhiều hoặc ít đều có liên quan đến Trung Quốc.

Trong tình hình Đông Nam Á phức tạp hiện nay, máy bay chiến đấu của những nước này đều có khả năng để đối phó với "mối đe dọa" hiện thực. Vì vậy, Trung Quốc thực sự đã giúp Nga mở ra thị trường thế giới cho Su-35. Do đó giúp Nga có được lợi ích bán vũ khí to lớn.

Tuy nhiên, có lo ngại từ Nga cho rằng Trung Quốc đã có khả năng cải tạo, sao chép rất thành thục đối với máy bay chiến đấu do Nga chế tạo. Chỉ cần Trung Quốc sử dụng công nghệ đã nắm được tiến hành cải tạo đối với nó thì Su-35 của bất cứ nước nào cũng đều khó có thể trở thành đối thủ của Trung Quốc - Sina Trung Quốc tự tin kết luận.