Theo trang mạng của chuyên san Mỹ về hàng hải The Maritime Executive, ông Mahfud Siddiq, chủ tịch Ủy Ban Quốc phòng và Ngoại giao Hạ viện Indonesia đã cho rằng: «Việc tăng cường một căn cứ quân sự trên đảo Natuna là một yếu tố quan trọng đối với hệ thống phòng thủ khu vực miền Trung Indonesia, nơi có đường biên giới với nhiều quốc gia ở Biển Đông».
Ông Siddiq yêu cầu chính quyền Jakarta nhanh chóng thực hiện kế hoạch xây thêm căn cứ quân sự có từ năm 2015.
Lời kêu gọi tăng cường sự hiện diện quân sự của Indonesia tại vùng Natuna được đưa ra vài hôm sau sự cố ngày 19/3, khi môt tàu tuần tra của Indonesia đã cố bắt giữ một tàu đánh cá Trung Quốc bị cho là đã hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna, nhưng đã bị tàu tuần duyên Trung Quốc đâm vào cản trở, và đánh tháo cho tàu cá Trung Quốc.
Dù không tranh chấp chủ quyền quần đảo Natuna với Indonesia, nhưng Trung Quốc đã mặc nhiên gặm nhắm một phần vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna với đường lưỡi bò mà Bắc Kinh dùng để khẳng định chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong sự cố mới đây, Bắc Kinh còn ngang nhiên viện dẫn một lập luận mới rằng tàu cá Trung Quốc đã hoạt động hợp lệ tại «ngư trường truyền thống», một khái niệm không hề được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển công nhận.
Ngay từ năm 2015, tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng Natuna khi ông cho triển khai máy bay chiến đấu và máy bay tuần thám trên biển P3-C Orion trong khu vực. Lực lượng đồn trú tại chỗ cũng được tăng cường về mặt quân số cũng như vũ khí, với loại trực thăng tấn công Apache do Mỹ cung cấp được bố trí tại chỗ.
Trong khi theo Reuters, trong một thông báo trên trang web của mình, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay hạm đội trên đã rời cảng Thanh Đảo và sẽ tham gia các nội dung huấn luyện, diễn tập cứu trợ thiên tai cùng 16 nước, trong đó có Indonesia, Mỹ và Nga. Cuộc diễn tập do hải quân Indonesia tổ chức, sẽ diễn ra ở Padang và các đảo lân cận từ ngày 12/4.