Hướng đi nào cho văn hóa Việt trong CMCN 4.0?

VietTimes -- Trong thời đại CMCN 4.0, Việt Nam cần lựa chọn ứng dụng công nghệ như thế nào để kế thừa, học hỏi kinh nghiệm đi trước của các nước,tìm được phương án tối ưu nhất để giúp quảng bá văn hóa, lịch sử đất nước, giáo dục truyền thống lịch sử cho mọi tầng lớp nhân dân?
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Ánh Dương
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Ánh Dương

Những vấn đề trên được nêu lên tại tọa đàm “Doanh nhân thời kỳ công nghiệp 4.0 với văn hóa, lịch sử dân tộc” do Trung tâm nghiên cứu văn hóa, giáo dục và công nghiệp 4.0 phối hợp Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 63 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2017), Kỷ niệm 13 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2017) và chào mừng Hội nghị cấp cao APEC 2017.

Chương trình đã khái quát bức tranh Tổng quan về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động đến các vấn đề giáo dục, văn hóa, lịch sử của nước ta.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đều cho rằng, trước những biến đổi mạnh mẽ của kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 - kỷ nguyên công nghiệp thông minh và công nghệ hiện đại, đã đặt ra những yêu cầu về việc ứng dụng công nghệ vào xây dựng hệ thống tham quan thông minh.
Việc xây dựng ứng dụng hệ thống tham quan thông minh này sẽ giúp thu hút khách tham quan, đưa các khu di tích lịch sử, văn hóa bảo tàng đến gần hơn với người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần lựa chọn ứng dụng công nghệ như thế nào để kế thừa, học hỏi kinh nghiệm đi trước của các nước trên thế giới và tìm được phương án tối ưu nhất để giúp quảng bá văn hóa, lịch sử đất nước, giao dục truyền thống lịch sử cho mọi tầng lớp nhân dân.

Kết thúc tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân... đã tổ chức lễ tri ân dâng hương các bậc tiền nhân tại điện Kính Thiên (Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội).