Huawei và Xiaomi đạt được thỏa thuận cấp phép chéo bằng sáng chế toàn cầu

VietTimes – Thỏa thuận cấp phép chéo bằng sáng chế toàn cầu của Huawei và Xiaomi bao gồm nhiều công nghệ truyền thông, điều này thúc đẩy cả hai công ty đẩy mạnh phân khúc điện thoại cao cấp.
Ảnh: SCMP

Huawei và Xiaomi, hai trong số những nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc, đã gác lại tranh chấp về sở hữu trí tuệ (IP) để đạt được thỏa thuận cấp phép chéo bằng sáng chế toàn cầu bao gồm nhiều công nghệ truyền thông, có thể giúp thúc đẩy việc phát triển sản phẩm của cả hai công ty.

Ông Alan Fan, người đứng đầu bộ phận sở hữu trí tuệ của Huawei, cho biết: “Thỏa thuận cấp phép này một lần nữa phản ánh sự ghi nhận của ngành đối với những đóng góp của Huawei đối với các tiêu chuẩn truyền thông và sẽ giúp chúng tôi tăng cường đầu tư vào nghiên cứu các công nghệ truyền thông di động trong tương lai”.

Trước khi đạt được thỏa thuận đó, Huawei là công ty nắm giữ nhiều bằng sáng chế 5G nhất trên toàn thế giới tính đến tháng 4 năm 2022, theo dữ liệu từ công ty IPlytics (Đức). Huawei đã bị vướng vào một vụ kiện vi phạm bằng sáng chế với Xiaomi liên quan đến quá trình phát triển lâu dài của 4G, tiêu chuẩn chụp ảnh trên điện thoại thông minh và phương pháp khóa màn hình.

Xiaomi, có trụ sở chính tại Bắc Kinh, đã cố gắng vô hiệu hóa bằng sáng chế khóa màn hình vào tháng 4, nhưng hành động đó đã bị Cục Quản lý Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc bác bỏ vào đầu tháng 9.

Xu Ran, tổng giám đốc phát triển kinh doanh doanh nghiệp và chiến lược tại Xiaomi, cho biết trong tuyên bố chung: Thỏa thuận cấp phép chéo bằng sáng chế mới giữa Huawei và Xiaomi “cho thấy cả hai bên đều công nhận và tôn trọng tài sản trí tuệ của nhau”.

Thỏa thuận này nhấn mạnh sự tập trung cao độ của cả Huawei và Xiaomi nhằm cạnh tranh với Apple trong phân khúc cao cấp của thị trường điện thoại thông minh, nơi iPhone của gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang dẫn đầu ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.

Các thiết bị cầm tay Mate 60 Pro và Mate 60 Pro+ 5G mới đã truyền cảm hứng cho người tiêu dùng Đại lục nhờ bộ vi xử lý tiên tiến “đột phá” sản xuất tại Trung Quốc – Kiri 9000s – được sử dụng trên các thiết bị này. Điều đó cũng khiến dòng điện thoại thông minh 5G mới nhất của Huawei trở thành biểu tượng cho thấy đất nước này vẫn có thể phát triển chip tiên tiến bất chấp các lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ.

Tại Xiaomi, người sáng lập công ty, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Lei Jun tháng trước đã khẳng định lại mục tiêu của công ty là một ngày nào đó sẽ đánh bại Apple, đồng thời cam kết sẽ cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các nhà cung cấp điện thoại thông minh Trung Quốc tại quê nhà.

Ông Lei cho biết tại sự kiện ra mắt sản phẩm của Xiaomi vào tháng trước: “Việc nhắm tới thị trường điện thoại thông minh cao cấp buộc chúng tôi phải tìm kiếm những đột phá trong công nghệ, đồng thời đảm bảo sự phát triển và tồn tại trong tương lai của chúng tôi”.

Ông cũng cam kết đầu tư vào nhiều lĩnh vực, bao gồm phần cứng, phần mềm, cơ sở hạ tầng công nghệ và trí tuệ nhân tạo như một phần của chương trình “nâng cấp công nghệ chiến lược” của Xiaomi, bao gồm 100 tỉ nhân dân tệ (13,7 tỉ USD) cho các dự án nghiên cứu và đổi mới trong thời gian 5 năm tới.

Trang web tuyển dụng của Xiaomi cho biết công ty hiện đang tuyển dụng một loạt công việc kỹ thuật hệ thống trên chip (SoC). Một bài đăng mô tả vai trò này là “phụ trách xác nhận chức năng và hiệu suất mô-đun của bộ xử lý trung tâm Arm”, đề cập đến các công nghệ của công ty thiết kế bán dẫn Arm của Anh.

Giới phân tích suy đoán rằng Xiaomi đang thúc đẩy việc phát triển SoC cho điện thoại thông minh của riêng mình.

Trong khi đó Huawei, công ty bị Mỹ đưa vào danh sách đen đã rót hơn 977,3 tỉ nhân dân tệ vào các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ khác nhau trong 10 năm qua, với hơn 55% nhân viên của hãng tham gia vai trò nghiên cứu.

Theo thông tin trên trang web, công ty nắm giữ hơn 120.000 bằng sáng chế được cấp phép hợp lệ tính đến năm 2022, hơn 90% trong số đó là dành cho các phát minh, khiến họ trở thành công ty nắm giữ bằng sáng chế lớn nhất ở Trung Quốc. Điều này đã tạo ra doanh thu bản quyền trị giá 560 triệu USD vào năm ngoái từ các bằng sáng chế khác nhau của Huawei.

Thỏa thuận với Xiaomi tuân theo thỏa thuận cấp phép chéo bằng sáng chế toàn cầu mới của Huawei với Ericsson của Thụy Điển vào tháng trước, bao gồm các công nghệ di động 3G, 4G và 5G.

Những thỏa thuận như vậy giúp thúc đẩy sự đổi mới trong ngành cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Theo Amber Liu, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Canalys: “các nhà cung cấp được hưởng lợi từ việc nâng cấp sản phẩm tiêu dùng có động lực đầu tư vào nhiều đổi mới sản phẩm hơn để đón đầu xu hướng công nghệ”.

Theo SCMP