Huawei tiếp tục cuộc đua 5G bất chấp lệnh cấm?

VietTimes – Chủ tịch kiêm tân Giám đốc Tài chính Huawei Lương Hoa tiết lộ trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng công ty vẫn hoạt động bình thường sau những sóng gió trong thời gian qua, bao gồm vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu. Ông Hoa cho biết: “Chúng tôi tin khách hàng sẽ tự đưa ra quyết định của mình”, đồng thời kêu gọi chính phủ Canada sớm trả tự do cho bà Chu.
Ảnh minh họa: Nikkei Asia.
Ảnh minh họa: Nikkei Asia.

Huawei kiên quyết không từ bỏ trong cuộc đua 5G

Ngày 7.12, ông Lương Hoa - chủ tịch Huawei, được tập đoàn viễn thông này bổ nhiệm kiêm thêm chức vụ quyền Giám đốc Tài chính (CFO), thay thế bà Mạnh Vãn Chu hiện đang bị bắt giữ tại Canada.

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời ông Lương Hoa cho biết Huawei sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển 5G bất chất lệnh cấm ở nhiều quốc gia.

Chủ tịch Huawei Lương Hoa vừa được bổ nhiệm hay bà Mạnh Vãn Chu. Ảnh: Sina

Chủ tịch Huawei Lương Hoa vừa được bổ nhiệm hay bà Mạnh Vãn Chu. Ảnh: Sina

Ông Hoa khẳng định: “Trước cuộc khủng hoảng niềm tin từ phương Tây, trước tiên chúng tôi vẫn phải hoàn thành tốt công việc của mình và tiếp tục củng cố khả năng cạnh tranh của Huawei trong lĩnh vực 5G”. Ông Hoa nói thêm: “Chúng tôi tin khách hàng sẽ tự đưa ra quyết định”.

Tân Giám đốc Tài chính Huawei tiết lộ Huawei đang là đối tác chiến lược trong 26 hợp đồng triển khai dịch vụ 5G thương mại.

Ông Lương Hoa cũng không quên cảm ơn những người đã ủng hộ bà Mạnh Vãn Chu và Huawei trên khắp thế giới. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết ông Hoa đã mời họ một tách cà phê do nhân viên công ty tự pha chế, với dòng chữ: “Ngọn hải đăng đang chờ sự trở lại của chiếc thuyền trong đêm”. Chiếc thuyền trong tiếng Hán là “wanzhou”, ám chỉ bà Mạnh Vãn Chu.

Hậu quả vụ bắt giữ Giám đốc Tài Chính Huawei Mạnh Vãn Chu

CFO Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ theo lệnh của Mỹ. Ảnh: SCMP.
 CFO Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ theo lệnh của Mỹ. Ảnh: SCMP.

Vụ bắt giữ con gái cả của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi tại thành phố Vancouver, Canada, đã làm đổ vỡ hàng loạt hiệp ước ngoại giao giữa Bắc Kinh và Ottawwa. Hậu quả là căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và nhiều nước phương Tây, đặc biệt khi Washington đang chĩa mũi nhọn về phía Huawei, một công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, để gây sức ép trong cuộc chiến tranh thương mại.

Để trả đũa việc giam cầm bà Mạnh Vãn Chu, phía Trung Quốc đã bắt giữ 3 công dân Canada. Hai trong số đó là cựu quan chức ngoại giao Michael Kovrig và Michael Spavor, với tội danh gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia (người còn lại là Robert Schellengberg bị buộc tội buôn lậu ma túy).

Đầu tuần qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết các nước phương Tây đã đồng loạt kêu gọi thả ông Kovrig và Spavor, trong khi phớt lờ vụ bắt giữ bà Chu. Bà Oánh lên tiếng chỉ trích Mỹ và Canada nhắm vào nữ CFO của Huawei.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: AP.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: AP.

Bà Oánh chất vấn: “Tôi tự hỏi họ [Mỹ, Anh và một số nước EU] liên quan gì trong vụ việc này? Tiếng nói của họ ở đâu khi quản lý cấp cao của công ty Trung Quốc bị phía Canada bắt giữ bất hợp pháp, theo lệnh của Mỹ?”. Bà Oánh nhấn mạnh: “Bản chất xấu xí và tác động từ vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu đã rõ ràng”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ Canada trả tự do ngay lập tức cho bà Chu.

Bà Hoa Xuân Oánh phủ nhận quan điểm cho rằng vụ bắt giữ ông Spavor và Kovrig là hành động trả đũa của Bắc Kinh: “Các nhà chức trách có thẩm quyền của Trung Quốc đã thực hiện biện pháp bắt buộc, theo đúng luật pháp, với các công dân Canada là: Micheal Kovrig và Micheal Spavor. Bởi vì họ đã tham gia vào các hoạt động phá hoại an ninh quốc gia của Trung Quốc”. Bà Oánh nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi các nước có liên quan tôn trọng chủ quyền tư pháp của Trung Quốc”.

Tháng 12 "đen tối" của Huawei

CFO Huawei Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh tại ngoại với số tiền 7,5 triệu USD. Ảnh: AP.
CFO Huawei Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh tại ngoại với số tiền 7,5 triệu USD. Ảnh: AP.

Kể từ sau khi bà Chu bị bắt giữ vào ngày 1/12, chính phủ và công ty của nhiều nước trên thế giới đã áp đặt lệnh cấm và chính sách mới đối với các sản phẩm của Huawei, làm tăng áp lực tài chính lên công ty.

Ngay trong tuần trước, thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babiš đã đích thân yêu cầu thành viên nội các ngừng sử dụng điện thoại Huawei.

Bên cạnh đó, các công ty viễn thông Châu Âu đã được cảnh báo về lỗ hổng “back-door” trên thiết bị Huawei và nghi ngờ công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đang liên kết với quân đội Trung Quốc.

Cụ thể, Giám đốc điều hành nhà mạng Pháp Orange cho biết sẽ loại bỏ thiết bị Huawei khỏi các bộ phận nhạy cảm của hạ tầng mạng. Nhà mạng Deutsche Telekom của Đức cũng đang cân nhắc việc sử dụng thiết bị của Huawei. Trong khi đối tác lâu năm tại Anh, British Telecom tuyên bố đã thay thế toàn bộ thiết bị do Trung Quốc sản xuất trong thành phần cốt lõi.

Đối tác lâu năm British Telecom đã quay lưng lại với Huawei. Ảnh: FT.
Đối tác lâu năm British Telecom đã quay lưng lại với Huawei. Ảnh: FT.

Theo báo cáo của BBC, British Telecom cũng sẽ loại trừ thiết bị Huawei khỏi hệ thống liên lạc phát triển cho lực lượng cảnh sát Anh quốc và các dịch vụ khẩn cấp khác. Quyết định này khiến nhà mạng Anh sẽ phải tiêu tốn thêm cho dự án khoảng 2,9 tỷ USD.

Và gần đây nhất, nguồn tin của Reuters tiết lộ chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc thi hành sắc lệnh mới và tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để ngăn các công ty Mỹ sử dụng thiết bị của Huawei.

Theo South China Morning Post