Huawei là nạn nhân trong “cuộc chạy đua vũ trang” về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc?

VietTimes -- Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nhận định Huawei đang mắc kẹt trong "cuộc chạy đua vũ trang" về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ảnh minh họa: WP
Ảnh minh họa: WP

Động thái mới nhất của Mỹ, khởi kiện Huawei vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran và trộm cắp bí mật thương mại, có thể chia rẽ ngành công nghệ viễn thông toàn cầu thành 2 thái cực đối lập.

Nếu Huawei bị cấm cửa tại Mỹ và các nước đồng minh thì sẽ tạo thành một tiền lệ xấu. Nó sẽ dẫn tới viễn cảnh tương lai, nơi các công ty viễn thông phương Tây và Châu Á chỉ được phép phục vụ cho thị trường của chính họ.

Vì lo ngại về bảo mật và mối liên hệ mật thiết giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc, các quốc gia bao gồm: Anh, Đức, Australia, New Zealand và Canada đã ban hành lệnh cấm hoặc đang cân nhắc việc sử dụng thiết bị Huawei trong cơ sở hạ tầng mạng viễn thông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm trụ sở Huawei tại Thâm Quyến năm 2015. Ảnh: SCMP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm trụ sở Huawei tại Thâm Quyến năm 2015. Ảnh: SCMP

 Giáo sư David De Cremer đến từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS), là tác giả của cuốn sách “Huawei: Lãnh đạo, Văn hóa và Kết nối” cho biết: “Khách hàng luôn bị ảnh hưởng bởi chất lượng và giá cả”. Ông De Cremer nói thêm: “Tuy nhiên, nếu thị trường không mở cửa và họ không được quyền chọn mua sản phẩm dù từ  Huawei hay Cisco thì các nguyên tắc kinh tế sẽ không còn đóng vai trò quan trọng nữa”.

 Rõ ràng, các quốc gia nói trên chưa ban hành lệnh cấm chính thức đối với Huawei bởi quyết định đó sẽ tác động đến chi phí phát triển và chất lượng cơ sở hạ tầng viễn thông.

Sự quan ngại của Mỹ một phần do vị thế hiện nay của Huawei trên thị trường. Được sáng lập bởi ông Nhậm Chính Phi từ năm 1987, Huawei ban đầu chỉ kinh doanh thiết bị chuyển mạch. Và chỉ 20 năm sau, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đã trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Sự thành công của Huawei có thể lý giải bởi những quyết định đúng thời điểm, thị trường kinh tế rộng lớn cho phép mở rộng quy mô, văn hóa doanh nghiệp kỷ luật và trách nhiệm để tái đầu tư doanh thu vào nghiên cứu và phát triển.

Theo báo cáo được tờ New York Times đăng tải vào tuần trước, Tổng thống Donald Trump và chính quyền Mỹ đã gây áp lực lên các nước đồng minh nhằm thực hiện chiến dịch ngăn chặn các công ty Trung Quốc cung cấp thiết bị viễn thông cho mạng 5G toàn cầu.

Báo cáo mô tả chính quyền Trump cho rằng họ đang tham gia một cuộc chạy đua vũ trang mới chống lại Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Đây là một cuộc chiến sống còn mà bên thua sẽ phải rút lui khỏi cuộc chơi.

Huawei giới thiệu chip 5G dành cho cơ sở hạ tầng viễn thông vào ngày 24.1 vừa qua. Ảnh: SCMP
Huawei giới thiệu chip 5G dành cho cơ sở hạ tầng viễn thông vào ngày 24.1 vừa qua. Ảnh: SCMP

Hiện nay, Huawei đang là trụ cột quan trọng trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến tại Trung Quốc. Ông Nhậm Chính Phi, một cựu kỹ thuật viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc  đã thành lập Huawei trong thời kỳ mở cửa. Thời điểm mà Bắc Kinh theo đuổi cải cách kinh tế và muốn thúc đẩy xẩy dựng cơ sở hạ tầng viễn thông .

Vào thời điểm đó, một trong những chiến lược của Trung Quốc là nhập khẩu thiết bị viễn thông từ nước ngoài. Các công ty như Cisco đã thâm nhập và chiếm tới 60% thị phần giải pháp mạng tại quốc gia tỷ dân.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã thay đổi chiến lược phát triển vào năm 1996, khi chính phủ chuyển sang hậu thuẫn các công ty viễn thông nội địa như Huawei, để tránh sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài.

Theo nghiên cứu trường hợp của Huawei của Trung tâm Chiến lược & Nghiên cứu quốc tế, Huawei đã lợi dụng thiên thời địa lợi để thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển trên khắp Trung Quốc, tập trung vào thiết bị thông tin di động. Công ty nhanh chóng thiết lập vị thế trong thị trường viễn thông ở các khu vực nông thôn, nơi mà các công ty nước ngoài bỏ qua.

Giáo sư De Cremer cho biết: “Huawei đã tiến xa hơn nhờ xây dựng mạng lưới viễn thông ở [khu vực nông thôn] trên núi hoặc các thị trường có tình hình chính trị bất ổn”. Ông De Cremer nói thêm: “Bạn có thể thấy chiến lược cạnh tranh hoàn toàn khác biệt… Huawei sẽ phục vụ khách hàng của mình bằng mọi giá”.

Thực tế, Huawei đã xoay sở để sản xuất thiết bị mạng với chi phí thấp hơn đối thủ Cisco tới 70%. Điều này đã mang lại lợi thế cạnh tranh cho người khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Các nhân viên làm việc trong dây chuyền sản xuất thiết bị di động của Huawei ở Quảng Đông. Ảnh: SCMP
Các nhân viên làm việc trong dây chuyền sản xuất thiết bị di động của Huawei ở Quảng Đông. Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, Huawei sẽ chẳng thể thành công nếu chỉ dựa vào thời điểm và thị trường phân phối rộng lớn, công ty thực sự đã chú trọng nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Gần đây, Huawei cam kết chi ít nhất 15 tỷ USD vào mảng R&D. Công ty cũng hợp tác và tài trợ cho nghiên cứu cho các trường đại học trên khắp thế giới.

Giáo sư Lim Teng Joon tại Khoa Kỹ thuật điện và máy tính của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết: “Thời điểm hiện tại, Huawei đã thu hút được rất nhiều nhân lực tại Trung Quốc”. Giáo sư Joon nói thêm: “Trên hết, họ cũng cung cấp đầy đủ [hệ thống đầu cuối] và chiến lược marketing. Công ty đem đến các dịch vụ với chi phí cạnh tranh hơn so với các đối thủ và đó là lý do tại sao họ khó bị đánh bại”.

Giáo sư Lim cho rằng các quốc gia phương Tây ngăn chặn việc sử dụng thiết bị Huawei trên thị trường đồng nghĩa với việc các nhà mạng sẽ phải gánh chịu chi phí cao hơn cho thiết bị cùng loại do đối thủ của Huawei sản xuất, trong khi có thể chỉ nhận được bộ dịch vụ hoặc công nghệ kém toàn diện hơn.

Giáo sư Lim tiếp tục: “Một công ty rất khó có thể cung cấp các thiết bị công nghệ cao như vậy cho tất cả bộ phận của doanh nghiệp, bởi vì phát triển rất tốn kém và quy trình triển khai vô cùng tinh vi”. Ông nói thêm: “Nhập khẩu cũng là một rào cản lớn”.

Nhân viên của Huawei trong quá trình thi công mạng 5G thử nghiệm tại Bắc Kinh. Ảnh: SCMP
Nhân viên của Huawei trong quá trình thi công mạng 5G thử nghiệm tại Bắc Kinh. Ảnh: SCMP

Huawei nỗ lực không ngừng để bắt kịp các đối thủ trên thị trường quốc tế, một phần nhờ văn hóa doanh nghiệp được biết tới với tên gọi “Văn hóa Chó sói”. Công ty khuyến khích sự đổi mới của nhân viên, nắm bắt cơ hội, luôn thúc đẩy sự hợp tác và phát triển.

Nền tảng “Văn hóa Chó sói” được nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đề ra như một sứ mệnh, bắt chước theo phong cách của các doanh nghiệp phương Tây.

Theo Giáo sư De Cremer, năm 1996 đánh dấu bước ngoặt mới trong quá trình phát triển của Huawei, khi công ty bắt đầu cân nhắc mở rộng ra các thị trường ngoài biên giới Trung Quốc. Công ty đã bắt tay với IBM để tổ chức lại cơ cấu quản lý theo một cách “chưa từng có”.

Giáo sư De Cremer nhận định: “Nhậm Chính Phi luôn là một người được truyền cảm hứng bởi phương Tây… Họ cũng được định hướng để luôn học hỏi, sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho khách hàng”. Giáo sư De Cremer nói thêm: “[Đối với ông Nhậm Chính Phi], khách hàng còn quan trọng hơn người lãnh đạo, đó là một suy nghĩ rất khác với các công ty Trung Quốc trong thập niên 80-90”.

Giáo sư De Cremer tiếp tục: “Họ rất nghiêm khắc trong việc đào tạo nhân viên và tập trung vào các quy định pháp lý trên thế giới mà [Huawei] phải tuân thủ trong tiến trình mở rộng thị trường. Huawei đã cố gắng đáp ứng nhanh hơn nhiều so với các công ty Trung Quốc khác”.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính, lực lượng lao động của Huawei trên toàn cầu cũng được mở rộng đáng kể. Công ty có thể thu hút được đội ngũ nhân tài hùng hậu tại nước ngoài, khi các công ty công nghệ cao và viễn thông khác đang cắt giảm nhân lực. Điều đó giúp Huawei đa dạng hóa lực lượng lao động, đa dạng văn hóa và nhanh chóng thích nghi với xu hướng toàn cầu hóa.

Bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính Hưaei (ảnh: Bloomberg)
Bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính Hưaei (ảnh: Bloomberg)

Sau vụ bắt giữ chấn động giới công nghệ hồi tháng 12, Huawei vẫn tiếp tục phải vật lộn với yêu cầu dẫn độ cựu Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu, con gái của Chủ tịch Nhậm Chính Phi, của Bộ Tư pháp Mỹ. Với hàng loạt cáo trạng chống lại Huawei, bà Mạnh dự kiến sẽ được đưa về Mỹ trước ngày 30.1.

Đại sứ Canada tại Trung Quốc John McCallum, người mới bị Thủ tướng Canada Justin Trudeau cách chức tuần qua, đã nhận xét rằng yêu cầu dẫn độ của Mỹ có nhiều sai sót, và nếu Mỹ chịu từ bỏ thì “đó sẽ là điều tuyệt với cho Canada”.

Vài năm qua, các công ty công nghệ, từ nhà sản xuất phần cứng đến nhà phát triển phần mềm, đã phải đối mặt với nghi vấn bảo mật khi sản phẩm của họ trở nên quen thuộc hơn trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ, mạng xã hội khổng lồ Facebook đã bị cáo buộc vì không thể giám sát sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và cho phép bên thứ 3 truy cập dữ liệu của người dùng.

Giám đốc dự án Nghiên cứu Viễn thông tại Đại học Hồng Kông John Ure, tác giả cuốn “Sự phát triển Viễn thông ở Châu Á” bình luận: “Hiện giờ, chúng ta đang sống trong một thế giới mất an ninh mạng. Mọi nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu, cũng như các công ty công nghệ thông tin và mạng xã hội đều là mục tiêu tiềm năng của các cơ quan an ninh quốc gia trên toàn thế giới”.

“Đây là một xu hướng chung và rất khó để tạo ra một ‘điểm đến thực sự an toàn’", ông John Ure nói thêm. “Trong nhiều thập kỷ qua, tất cả các công ty hàng đầu tại quốc gia đã mở rộng ra toàn cầu. Và bây giờ, vấn đề an ninh quốc gia đã quay lại ám ảnh họ”.

Theo SCMP