|
Một bức ảnh vệ tinh chụp cảnh các đoàn tàu qua lại biên giới Nga-Triều Tiên. Ảnh: QQnews. |
Đạn pháo và tên lửa Triều Tiên chuyển tới Nga
Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 23/12 cho biết khoảng 60% đạn pháo của quân đội Nga sử dụng trên chiến trường Ukraine và khoảng 1/3 số tên lửa đạn đạo Nga phóng vào Ukraine trong năm ngoái đến từ Triều Tiên. Trong khi đó, quân đội Nga ngày càng sử dụng nhiều hơn tên lửa do Triều Tiên sản xuất nhằm tấn công các mục tiêu ở hậu phương Ukraine.
Triều Tiên đã chuyển giao khoảng 20.000 container đạn dược cho Nga, gồm hơn 5 triệu quả đạn pháo và hơn 100 tên lửa đạn đạo Hwasong-11. Triều Tiên có khoảng 200 nhà máy vũ khí và đạn dược đang hoạt động hết công suất và Nga cung cấp nhiên liệu để duy trì hoạt động cho chúng.
Trung tâm nguồn mở có trụ sở tại London đánh giá rằng, đổi lại, Nga đã cung cấp cho Triều Tiên hơn 1 triệu thùng dầu kể từ tháng 3/2024, gấp đôi giới hạn hàng năm theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, Olena Gusenova, nhà nghiên cứu tại Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc ở Seoul, đánh giá rằng Nga có thể đã trả cho Triều Tiên tới 5,5 tỷ USD tiền giao dịch vũ khí kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ và 572 triệu USD mỗi năm để Triều Tiên đưa quân tới Nga.
Ngoài lợi ích tài chính, người Triều Tiên còn thu được kinh nghiệm chiến đấu. Một quan chức tình báo Ukraine cho biết, khi binh sĩ Triều Tiên lần đầu triển khai tới tỉnh Kursk vào mùa thu, họ chủ yếu quan sát quân đội Nga và học cách sử dụng hệ thống tác chiến điện tử cũng như triển khai máy bay không người lái để dẫn đường cho pháo và súng cối tấn công các vị trí của đối phương.
Các quan chức phương Tây lo ngại nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, Triều Tiên cũng có thể yêu cầu Nga cung cấp công nghệ hạt nhân nhạy cảm và hỗ trợ vật tư.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các cơ sở sản xuất tên lửa của Triều Tiên đang mở rộng nhanh chóng, trong đó có cơ sở sản xuất tên lửa đạn đạo "Hwasong-11". Còn có thông tin cho rằng Triều Tiên đang sản xuất và cung cấp máy bay không người lái tự sát cho Nga.
Damian Spreits, giám đốc tổ chức nghiên cứu Conflict Armament Research (Nghiên cứu vũ khí xung đột) của Anh, cho biết các nhà máy của Triều Tiên có thể sản xuất tên lửa "Hwasong" mới chỉ trong vài tháng. Ông nói: "Tên lửa của Triều Tiên đang được sản xuất theo nhu cầu".
Tình báo quân sự Hàn Quốc cho thấy ngoài việc tăng cường hỗ trợ vũ khí, Triều Tiên còn bị nghi điều động thêm quân sang Nga tham chiến.
Lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc bị phá vỡ?
Truyền thông phương Tây cho biết, kể từ cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga và Triều Tiên vào tháng 9 năm ngoái, số lượng các chuyến tàu qua lại giữa Nga và Triều Tiên đã tăng gấp ba lần. Năm 2024, khối lượng vận tải đường sắt tại ga Domanjiang-Hasan ở biên giới Nga-Triều đạt mức cao kỷ lục.
Ngoài các đoàn xe lửa nghi chở bồn dầu được phát hiện ở biên giới Nga-Triều Tiên, thế giới bên ngoài cũng nhiều lần phát hiện qua vệ tinh các tàu chở dầu nghi ngờ của Nga cập cảng Triều Tiên. Tình báo phương Tây suy đoán rằng kể từ tháng 3 năm nay, Triều Tiên có thể đã mua được 1 triệu thùng dầu đã lọc từ Nga.
Theo các nước phương Tây, việc vận chuyển dầu ở quy mô này đã vi phạm lệnh cấm vận chuyển năng lượng của Liên Hợp Quốc tới Triều Tiên. Theo nghị quyết năm 2017 của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên chỉ được nhập khẩu 4 triệu thùng dầu thô và 500.000 thùng dầu tinh chế từ thị trường quốc tế mỗi năm.
Đầu năm 2024, Nga đã sử dụng quyền phủ quyết của mình, dẫn đến việc giải tán nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc về lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Cuộc đối đầu giữa các bên về lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên đã thực sự bước vào một giai đoạn mới. Các nước đã áp đặt các hạn chế đối với Triều Tiên hiện rất khó để những biện pháp này thực sự ảnh hưởng đến sự hợp tác có tính chất “hàng đổi hàng” giữa Nga và Triều Tiên.
Ngoài năng lượng, Triều Tiên cũng đã nhận được một số viện trợ tài chính và hỗ trợ về quân sự và công nghệ từ Nga. Nga sẽ cung cấp cho Triều Tiên máy bay chiến đấu và vũ khí phòng không, tăng cường khả năng của Quân đội nhân dân Triều Tiên, đồng thời cung cấp hỗ trợ công nghệ về vệ tinh, tên lửa và các lĩnh vực khác.
Trong tình thế đôi bên cùng có lợi, Nga và Triều Tiên chắc chắn sẽ duy trì mức độ hợp tác hiện tại.
Tác động tới kế hoạch kết thúc chiến tranh của ông Trump
Một số cơ quan truyền thông phương Tây bắt đầu có thái độ tương đối bi quan đối với cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine.
Sự hợp tác giữa Nga và Triều Tiên không chỉ đảm bảo Nga duy trì ưu thế chiến đấu trước Ukraine mà còn giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin tự tin hơn trong việc ứng phó với những thay đổi có thể xảy ra của tình hình đối ngoại sau khi ông Trump lên nắm quyền.
Đối với xung đột Nga-Ukraine, biến số địa chính trị lớn nhất gần đây là việc ông Trump thắng cử và sẽ trở lại Nhà Trắng vào đầu năm tới. Ông Trump và nhóm của ông đã thể hiện rõ ràng rằng họ không muốn tiếp tục chính sách viện trợ Ukraine của chính quyền Biden. Thay vào đó, họ muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine để Mỹ rút khỏi cuộc xung đột này.
Điều kiện tiên quyết để thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa hai bên là cả Nga và Ukraine đều không thể chiến đấu được nữa và không muốn tiếp tục chiến tranh. Tuy nhiên, một khi viện trợ của Mỹ bị cắt, một số nước châu Âu cũng sẽ ngừng viện trợ cho Ukraine, và Kiev về cơ bản sẽ mất niềm tin để tiếp tục chiến tranh. Ngược lại, Nga vốn đã có lợi thế về sức mạnh quốc gia lại vẫn có thể tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ đồng minh phương Đông.
Trong bối cảnh này, những người ra quyết sách của Nga có thể sẽ cố gắng chống chọi với áp lực từ bên ngoài và tiếp tục tấn công ở Kursk và miền Đông Ukraine, gặt hái thêm kết quả và sau đó ngồi lại đàm phán sau khi nắm giữ nhiều quân bài thương lượng hơn trên bàn đàm phán, chấm dứt cuộc chiến này với tư cách là “người chiến thắng”.
Ukraine nhận được 1 tỷ USD từ tài sản bị đóng băng của Nga
FSB: Nghi phạm Nga thú nhận bán bí mật quân sự cho Ukraine
Tổng thống Zelensky giải thích lý do đề nghị đưa tiền cho Thủ tướng Slovakia
Theo QQnews