Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017

VietTimes - Chiều 30/8, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017 đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng
Cùng tham dự buổi họp báo có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và đại diện lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nội vụ, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ...

“Giấy phép con, giấy phép cháu” vẫn còn nhiều

Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết ,trong tháng 8, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có diễn biến tích cực hơn.

Nổi bật là lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 133,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định.

“Chúng ta có thể nói rằng không khí làm ăn, không khí mua bán, không khí du lịch rất sôi động. Lượng khách quốc tế trong tháng 8 là hơn 1,3 triệu lượt người, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, là tháng đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay” – Ông Dũng nói

Tuy nhiên, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPPC nhấn mạnh còn một số tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục như công nghiệp đang trên đà phục hồi nhưng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) vẫn thấp hơn so với cùng các năm trước. Rồi vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, tiêu thụ sản phẩm, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn... Đặc biệt là yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh.

Mặc dù thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên “giấy phép con, giấy phép cháu” vẫn còn nhiều. Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn.

VAT không ảnh hưởng đến người nghèo

Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai có khoảng 15ph nói về những thay đổi trong chính sách thuế, đặc biệt là tăng thuế VAT.

Nói về tác động của việc tăng thuế VAT, Thứ trưởng Mai cho rằng, việc này tác động lên người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp khi thay đổi thuế suất VAT không nhiều. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội với những người dân trong diện này. 

Đại diện Bộ Tài chính thông tin, thuế VAT có 25 nhóm hàng hoá dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế, 15 nhóm chịu thuế suất 5%. Với nhóm thu nhập thấp nhất dành 59,5% thu nhập chi mua lương thực, thực phẩm, giáo dục... thì những mặt hàng thiết yếu này không chịu thuế; chỉ mặt hàng lương thực, thực phẩm ở khâu thương mại bán ra chịu thuế suất thấp 5% và dự kiến tăng lên 6%.

Vì vậy, theo Thứ trưởng Mai, hiện nay, thuế suất phổ thông đang ở mức 10%, đề xuất tăng lên 12% chỉ áp dụng cho nhóm còn lại ngoài lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục. Do đó Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định tăng thuế VAT tác động đến người nghèo không nhiều.

H-Capita 500 mg không phải thuốc giả

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Việt Tiến tại họp báo. Ông Tiến cho biết, các cơ quan chức năng đã có kết luận theo thẩm quyền về việc này. Xét về góc độ chuyên ngành, Bộ Y tế khẳng định thuốc H-Capita không phải là thuốc giả.

Vụ việc xảy ra năm 2014, khi Luật Dược 2005 đang có hiệu lực (Luật Dược 2016 có hiệu lực từ 1/1/2017). Theo quy định tại Khoản 24 Điều 2 Luật Dược 2005 thì thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây: Không có dược chất (Thuốc H-Capita có dược chất Capecitabine); có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký (hàm lượng dược chất theo kết quả giám định là 97,5% trong khi tiêu chuẩn chất lượng cho phép không thấp hơn 93% và không lớn hơn 105%); có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn (Thuốc H-Capita có chứa dược chất Capecitabine như ghi trên nhãn); mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác (Thuốc H-Capita không mạo tên hay kiểu dáng công nghiệp của thuốc nào đã đăng ký sở hữu công nghiệp của cơ sở khác).

Khoản 23 Điều này quy định “Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền”. Kết luận giám định cho thấy thuốc H-Capita là thuốc kém chất lượng vì có kết quả kiểm nghiệm tạp không định danh lớn nhất là 0,17% trong khi phải thấp hơn 0,1%; màu sắc viên thực tế là màu hồng, không giống với màu viên trong tiêu chuẩn là màu đỏ, do đó không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký.

“Căn cứ Khoản 23 Luật Dược 2005, kết luận giám định lô thuốc là kém chất lượng là hoàn toàn phù hợp với quy định” – Ông Tiến nhấn mạnh.

Bộ trưởng không nói chứ không phải nói không có

Một phóng viên đặt câu hỏi với đại diện của Bộ Y tế liên quan đến thông tin ông Nguyễn Minh Hùng ở VN Pharma nói rằng em chồng của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm lãnh đạo ở VN Pharma, tuy nhiên Bộ trưởng lại trả lời trên báo chí rằng người thân không có liên quan gì đến công ty này, xin hỏi là Bộ Y tế có biết việc này hay không?

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến nhấn mạnh, Bộ trưởng không nói chứ không phải Bộ trưởng nói không có, hai việc này khác nhau. Theo quy định, làm ở vị trí này thì không được là vợ, chồng, con, hoặc bố mẹ còn không nói đến là anh/em chồng.

Ông Tiến cho biết cũng chưa từng trực tiếp hỏi Bộ trưởng và “Bộ trưởng cũng không báo cáo việc này tại các cuộc họp” – ông Tiến thông tin.

Trao đổi thêm về vấn đề tại VN Pharma, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, chiều nay Thủ tướng đã kết luận là giao Thanh tra Chính phủ thanh tra việc cấp phép nhập khẩu và đăng ký thuốc của Bộ Y tế, chứ không riêng lô thuốc ung thư của VN Pharma.

"Đây là việc mà người dân rất quan tâm và cũng đang mất lòng tin rất lớn. Quan điểm của Thủ tướng là rất cương quyết kiểm tra sự thật, không loại trừ bất cứ trường hợp nào như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là không có vùng cấm" – ông Dũng nhấn mạnh.

Tòa án quốc tế đang xem xét vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình

Trả lời phóng viên về quan điểm của Chính phủ trước vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình – một người Hà Lan gốc Việt kiện đòi bồi thường 1,2 tỉ đô và một toà án quốc tế đang phán xét, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là tạo môi trường kinh doanh rất bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào trong nước. Hiện nay toà án quốc tế đang xem xét, với việc tranh chấp, vi phạm điều luật.

Như các báo đều biết, vì vấn đề bảo hộ đầu tư nên một địa phương, một cơ quan nào vi phạm hoặc không thực hiện đúng cam kết, không thực hiện đúng điều luật thì nhà đầu tư nước ngoài đều kiện Chính phủ. Vậy cho nên hiện nay vấn đề này toà án đang xem xét, chúng ta phải đợi.

“Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là chúng ta sẽ rất minh bạch, tạo môi trường, tạo niềm tin” – Ông Dũng nói.

Kết quả thanh tra tài sản Giám đốc Sở Yên Bái

Phóng viên Báo Giao thông đặt câu hỏi về việc thanh tra tài sản và khu biệt phủ của Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái Phạm Sỹ Quý, Thanh tra Chính phủ dự kiến hoàn tất và công bố vào cuối tháng 7. Tuy nhiên đến nay đã là cuối tháng 8 rồi, và nhiều lần Thanh tra Chính phủ đã trì hoãn. Xin đại diện Thanh tra Chính phủ thông tin thêm về việc này?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thời hạn kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã quá hạn, hiện nay đang quá trình hoàn thiện, để kết luận, công bố.

Người đứng đầu VPCP nhấn mạnh, tất cả vấn đề liên quan đến khối tài sản của Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái Phạm Sỹ Quý sẽ được công bố sớm.