Hong Kong tố Anh "tiêu chuẩn kép", can thiệp sâu vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc đại lục

VietTimes – Chính quyền đặc khu Hong Kong vừa lên án quyết định ngừng thỏa thuận dẫn độ của Anh, cáo buộc nước này "tiêu chuẩn kép", can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc đại lục và vi phạm luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố ngừng hiệp ước dẫn độ với Hong Kong (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố ngừng hiệp ước dẫn độ với Hong Kong (Ảnh: Reuters)

Lời chỉ trích được đưa ra sau khi Ngoại trưởng anh Dominic Raab tuyên bố chính thức cắt đứt mối quan hệ với Hong Kong, như đã đánh tín hiệu từ cuối tuần trước, ngoài ra áp đặt các lệnh hạn chế bán vũ khí cho thành phố này và xem xét lại các chương trình trao đổi dành cho thẩm phán và sĩ quan cảnh sát.

Anh đã tham gia cùng các đối tác thuộc Liên minh tình báo Five Eyes là Canada và Australia nêu bật các quan ngại về nhân quyền sau khi Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong vào ngày 30/6, và cho rằng thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong có thể bị sử dụng sai mục đích.

Trong động thái phản ứng đầy mạnh mẽ, một phát ngôn viên của chính quyền Hong Kong ngày 21/7 nói rằng mọi quốc gia "đều có luật pháp và trách nhiệm phải bảo vệ an ninh quốc gia và chủ quyền của họ", đồng thời chỉ ra nhiều đạo luật tương tự của Anh như Đạo luật Trọng tội phản quốc của Anh, Đạo luật Bí mật Chính thức, Đạo luật Đảng chính trị, Bầu cử và Trưng cầu dân ý, và Đạo luật Cơ quan An ninh.

"Việc Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) đơn phương ngừng thỏa thuận dẫn độ những kẻ phạm luật ở nước ngoài với Hong Kong vì mục đích chính trị, lấy việc Trung Quốc thực thi luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong như lời biện minh, là hành động thao túng chính trị tiêu chuẩn kép" - người phát ngôn này nói - "Đây cũng là hành động can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nguyên tắc về mối quan hệ quốc tế".

Phát ngôn viên này nói rằng Anh sẽ phải "chịu trách nhiệm trước sự thượng tôn pháp luật và cộng đồng quốc tế" bởi nước này có thể trở thành một lỗ hổng pháp lý cho những kẻ mà Hong Kong truy nã lợi dụng. Ngoài ra, một phát ngôn viên thuộc Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh cũng thúc giục London "lập tức ngừng can thiệp vào các vấn đề Hong Kong".

"UK sẽ gánh chịu nhiều hậu quả nếu như họ cứ đi theo con đường lầm lạc" - phát ngôn viên cho hay.

Chính quyền Hong Kong tố Anh
Chính quyền Hong Kong tố Anh "tiêu chuẩn kép" và can thiệp sâu vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Ảnh: SCMP)

Trước khi tuyên bố ngừng thỏa thuận dẫn độ được đưa ra, các cố vấn và quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc đã cảnh báo rằng việc chấm dứt thỏa thuận này có thể biến Anh thành "nơi ẩn náu" của những kẻ có liên quan tới các cuộc biểu tình chống chính quyền ở Hong Kong trong năm ngoái.

Trước đó, Anh tuyên bố rằng họ sẽ tạo điều kiện để những người sở hữu hộ chiếu Anh ở nước ngoài (BNO) tại Hong Kong được nhập tích. Chi tiết của kế hoạch này sẽ được công bố trước kỳ nghỉ Hè của Quốc hội Anh; Ngoại trưởng Raab cho hay.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Raab không nhắc tới việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc hay Hong Kong có liên quan tới việc áp dụng luật an ninh quốc gia mới, đồng thời nhấn mạnh về tầm quan trọng trong việc hợp tác với Bắc Kinh trong tương lai.

"Điều quan trọng là các lệnh trừng phạt cần được thực thi đúng, chứ không cần phải nhanh" - ông Raab nói - "Nếu các bạn thực thi quá nhanh, nó sẽ bị thách thức về mặt pháp lý".

Kể từ tháng 7, đã có 2 người biểu tình bị truy nã vì tấn công cảnh sát đã bị chặn tại Sân bay Quốc tế Hong Kong trong lúc đang lên một chuyến bay đến London, Anh. Một trong số này bị cáo buộc trốn trong thời gian bảo lãnh, sau khi tấn công một sĩ quan cảnh sát hồi tháng 9 năm ngoái. Người còn lại bị cáo buộc đâm một sĩ quan cảnh sát vào ngày 1/7 năm nay trong một cuộc biểu tình phản đối luật an ninh mới.

Sau khi tuyên bố rằng lệnh tạm hoãn thỏa thuận dẫn độ sẽ có hiệu lực "ngay lập tức và vô thời hạn", Ngoại trưởng Raab nói rằng: "Chúng tôi sẽ không cân nhắc việc vực lại thỏa thuận này trừ khi, và chỉ cho đến khi, có được những sự đảm bảo chắc chắn rằng thỏa thuận dẫn độ từ UK không bị lợi dụng theo luật an ninh quốc gia mới".

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng ông sẽ ủng hộ cách phản ứng được tính toán cẩn thận đối với Trung Quốc, và sẽ "tỏ ra cứng rắn đối với một số vấn đề".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin, trong khi đó, cáo buộc London can thiệp sâu vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

"Chúng tôi kêu gọi UK không nên tiếp tục đi theo con đường lầm lạc để tránh gây thêm tổn thất cho mối quan hệ Trung-Anh" - ông Wang nói - "Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả tương ứng đối với các động thái can thiệp vào vấn đề nội bộ của mình".

Canada và Australia trước đó cũng tuyên bố ngừng hiệp ước dẫn độ với Hong Kong trong tháng này, chỉ ra quan ngại về bức hại chính trị. Tuần trước, cũng có thông tin cho rằng Mỹ đang chuẩn bị có động thái tương tự, trong khi New Zealand - một thành viên khác của Liên minh Five Eyes - đang đánh giá về cân nhắc kỹ lưỡng về mối quan hệ với Hong Kong.