Hơn 260 thành viên địa chỉ IP tại VN bàn cách phát triển IPv6

VietTimes -- Hội nghị Giao ban thành viên địa chỉ năm nay sẽ có sự tham gia của Đại diện của Trung tâm Thông tin mạng khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APNIC), Đại diện Tổ chức quản lý tên miền và địa chỉ Internet quốc tế (ICANN) cùng sự tham gia của hơn 260 thành viên địa chỉ IP tại Việt Nam. 
Hội nghị sẽ tập trung vào việc cập nhật, chia sẻ chính sách, kinh nghiệm trong công tác quản lý địa chỉ IP/ASN; Thúc đẩy triển khai thế hệ địa chỉ IPv6 tại Việt Nam
Hội nghị sẽ tập trung vào việc cập nhật, chia sẻ chính sách, kinh nghiệm trong công tác quản lý địa chỉ IP/ASN; Thúc đẩy triển khai thế hệ địa chỉ IPv6 tại Việt Nam

Hội nghị do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức tại Hà Nội kết hợp hai điểm cầu trực tuyến tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh vào sáng mai (22/7).

Dự kiến, hội nghị sẽ tập trung vào việc cập nhật, chia sẻ chính sách, kinh nghiệm trong công tác quản lý địa chỉ IP/ASN, thúc đẩy triển khai thế hệ địa chỉ IPv6 tại Việt Nam hoạt động quản lý tài nguyên Internet của APNIC và ICANN. Phiên tọa đàm là cầu nối trao đổi thảo luận giữa các thành viên địa chỉ với các Đơn vị quản lý nhà nước và đại diện của các tổ chức quản lý tài nguyên cấp khu vực (APNIC) và toàn cầu (ICANN).

Được biết, ngày 18/8/2015, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT Quy định quản lý tài nguyên Internet. Ngoài các nội dung mới trong công tác quản lý tên miền Internet, công tác quản lý thúc đẩy địa chỉ IP/Số hiệu mạng chặt chẽ và hiệu quả hơn. Một số chính sách mới chính thức được triển khai, hỗ trợ thành viên địa chỉ trong giai đoạn cạn kiệt IPv4 và góp phần thúc đẩy triển khai IPv6.

Theo đó, điểm nhấn là Việt Nam chính thức cho phép nhận địa chỉ IP/ASN từ nước ngoài vào Việt Nam, tạo cơ hội để các tổ chức, thành viên tiếp nhận địa chỉ IPv4 từ các tổ chức quốc tế qua con đường chuyển nhượng IPv4. Đây là nguồn tài nguyên quý giá đối với một số thành viên khi một phần hệ thống chưa hỗ trợ thế hệ địa chỉ IPv6.

Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời, các thành viên cần từng bước đăng ký IPv6, thiết lập lộ trình và chuyển đổi sang hỗ trợ song song IPv4/IPv6 theo đúng lộ trình quốc gia.

Đối với công tác thúc đẩy triển khai IPv6, theo lộ trình thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, năm 2016 có vai trò đặc biệt quan trọng, là năm mở đầu cho Giai đoạn 3 – Giai đoạn chuyển đổi (2016-2019) trong Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.

Để triển khai thúc đẩy chuyển đổi IPv6 hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2016 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia theo Quyết định số 936/QĐ-BTTTT ngày 02/06/2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, các thành viên Ban công tác, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, nội dung, di động và tất cả các thành viên địa chỉ cùng tham gia, chung tay trong công tác thúc đẩy triển khai IPv6 tại Việt Nam.