Hơn 1,8 tỷ USD vốn FDI chảy vào bất động sản, phân khúc nào được quan tâm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2024, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, tăng 60% so với năm 2023. Các nhà đầu tư tới từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc có hoạt động tích cực tại Việt Nam.

Hơn 1,8 tỷ USD vốn FDI chảy vào bất động sản trong năm 2024
Hơn 1,8 tỷ USD vốn FDI chảy vào bất động sản trong năm 2024

Theo báo cáo của của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31/12/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 6,26 tỷ USD, chiếm 31,7% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến, Hàn Quốc 2,89 tỷ USD, chiếm 14,6%; Trung Quốc với 2,84 tỷ USD, chiếm 14,4%. Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) là 2,17 tỷ USD, chiếm 11,0%.

Có 3.375 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 19,73 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 7,6% về số vốn đăng ký. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,72 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh thì vốn FDI đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,09 tỷ USD (tăng 9% so với năm ngoái), chiếm hơn 15% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,22 tỷ USD, giảm 61% so với năm 2023.

Như vậy, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong năm 2024 đạt hơn 6,3 tỷ USD, tăng 35% so với năm ngoái.

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong cả năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, tăng 60% so với năm 2023.

Khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài với bất động sản

Theo bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng bộ phận Môi giới và Đầu tư Savills Hà Nội, các nhà đầu tư tới từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc có hoạt động tích cực tại Việt Nam. Bên cạnh đó Mỹ và châu Âu cũng ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam. Trong đó, có một số phân khúc được các nhà đầu tư chú ý.

Bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng Bộ phận Môi giới và Đầu tư, Savills Hà Nội.png
Bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng bộ phận Môi giới và Đầu tư Savills Hà Nội.

Đơn cử, phân khúc bất động sản nhà ở tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm do việc đô thị hóa cùng nhu cầu về nhà ở tăng cao trong các thành phố lớn tại Việt Nam. Nguồn cung các dự án mới được ghi nhận ở mức thấp do hạn chế về pháp lý đã làm phân khúc này luôn nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Kế đến là bất động sản công nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam đã khiến bất động sản khu công nghiệp trở thành một phân khúc hấp dẫn. Sự gia tăng của phân khúc này được thúc đẩy bởi sự hiện diện của nhiều quỹ đầu tư và chủ đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án nhà kho và xưởng hạng A, đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng cao trên thị trường.

Phân khúc bất động sản thương mại cũng nhận được sự quan tâm lớn, nhờ vào sự phát triển của thị trường bán lẻ và dịch vụ. Điều này phản ánh sự gia tăng nhu cầu tăng trưởng song song với loại hình bất động sản đô thị và được hỗ trợ bởi các yếu tố như sự chuyển đổi thói quen tiêu dùng của người dân, với việc ngày càng nhiều khách hàng ưu tiên trải nghiệm mua sắm tại các trung tâm thương mại và không gian dịch vụ đa chức năng khép kín.

Theo quan sát của vị chuyên gia này, các nhà đầu tư hiện nay có xu hướng ưu tiên các doanh nghiệp tư nhân hơn, nhờ vào tính linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh trong vận hành. Về quy mô và tổng mức đầu tư của các nhà đầu tư rất đa dạng, sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng phân khúc phát triển.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đặc biệt chú trọng đến các dự án có khả năng phát triển bền vững và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường hiện tại để gia tăng chất lượng sản phẩm và trải nghiệm của người tiêu dùng. Ngoài ra, vấn đề pháp lý sẽ được đặt lên ưu tiên do ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện dự án, cấu trúc giao dịch và kế hoạch tài chính của nhà đầu tư.