Hơn 12 năm tranh cãi về quyền tác giả 4 nhân vật trong “Thần đồng Đất Việt”

VietTimes - Phiên tòa phúc thẩm xử vụ kiện bản quyền 4 hình tượng nhân vật trong truyện tranh “Thần Đồng đất Việt” đã kéo dài hơn 12 năm nay, phiên xử nào cũng nóng bỏng với rất nhiều tranh luận. 
Họa sĩ Lê Linh trình bày trước Hội đồng xét xử tại phiên tòa sáng nay 20/8
Họa sĩ Lê Linh trình bày trước Hội đồng xét xử tại phiên tòa sáng nay 20/8

Tác giả chỉ được đề nghị công nhận mình chính là tác giả?

Trong khán phòng ngột ngạt của phiên tòa, lưng áo ông Lê Phong Linh (họa sĩ Lê Linh) đẫm mồ hôi. Nhưng trong lòng người họa sĩ còn “như lửa đốt” hơn nhiều lần.  

Ông Lê Phong Linh là nguyên đơn khởi kiện trong vụ tranh chấp bản quyền tác giả 4 hình tượng nhân vật “Trạng Tý”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo” (thuộc bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt”); bị đơn là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật và phát triển tin học Phan Thị (Công ty Phan Thị), đại diện pháp luật đồng thời là Giám đốc - bà Phan Thị Mỹ Hạnh. 

Tại phiên tòa phúc thẩm sáng 20/8, có mặt đại diện cho Công ty Phan Thị - ông Nguyễn Vân Nam và bà Phan Thị Mỹ Hạnh.

Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu công nhận mình chính là người sáng tạo ra bốn hình tượng nhân vật “Trạng Tý”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo”, bởi theo nguyên đơn, Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam và Công ước Berne mà Việt Nam tham gia, đều bảo hộ cho người sáng tạo ra tác phẩm bằng phương tiện thể hiện vật chất cụ thể, được ấn bản từ tập 1 đến hết tập 78 trong bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt”.

Họa sĩ Lê Linh yêu cầu Công ty Phan Thị dừng việc tiếp tục sản xuất các biến thể (sau 12 năm tranh chấp, hiện Công ty Phan Thị đã xuất bản tới hơn 200 tập tiếp theo).

Đại diện Công ty Phan Thị - ông Nguyễn Vân Nam cho rằng, Luật SHTT Việt Nam không có phạm vi điều chỉnh cho khái niệm biến thể.

“Ông Lê Linh chỉ có thể đề nghị được công nhận là tác giả của 4 hình thức thể hiện nhân vật “Trạng Tý”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo” chứ không phải là tác giả của cả bộ truyện “Thần đồng Đất Việt”. Ngoài ra, nguyên đơn không chỉ ra được chúng tôi đã có các hành vi sửa chữa, cắt xén và xuyên tạc như thế nào, làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của tác phẩm”.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh có ý kiến tại phiên xử sáng 20/8
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh có ý kiến tại phiên xử sáng 20/8

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh cho rằng: “Cục Bản quyền Tác giả cần có mặt trong phiên tòa, bởi vì đơn đề nghị cấp chứng nhận bản quyền tác giả chúng tôi điền theo mẫu của Cục và chứng nhận được cấp ra đã ghi rõ tôi là nhóm tác giả”.

Ngược lại, luật sư Trương Thị Thu Hồng (đoàn Luật sư TP.HCM) phản biện: “Cục Bản quyền Tác giả không cần có mặt tại phiên tòa. Bởi mỗi cá nhân, tập thể khi đi đăng ký tác quyền phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về quyền tác giả. Cục đã cấp chứng nhận, nhưng nếu chứng nhận đó sai với thực tế, thì Cục hoàn toàn có quyền thu hồi lại chứng nhận đã cấp và cá nhân – tập thể vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền tác phẩm”.

Thay đổi tên tác giả là vi phạm nghiêm trọng quyền nhân thân  

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn (Đoàn Luật sư Hà Nội) tại phiên tòa sáng 20/8 khẳng định: “Họa sĩ Lê Linh chỉ yêu cầu được công nhận là tác giả của 4 hình tượng nhân vật “Trạng Tý”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo”, mà bà Phan Thị Mỹ Hạnh cũng đã công nhận ông Linh là tác giả của các hình tượng nhân vật này. Vì vậy, khi Công ty Phan Thị làm biến thể các hình tượng này và không hề hỏi ý kiến, không được sự đồng ý của ông Linh là đã vi phạm quyền nhân thân của tác giả”.

Luật sư Trương Thị Thu Hồng (Đoàn Luật sư TPHCM) cũng khẳng định giữa quan hệ tranh chấp này thì đơn yêu cầu của ông Lê Phong Linh là có cơ sở, căn cứ theo Khoản 4 điều 19 Luật Sở hữu Trí tuệ.

“Luật quy định rằng tác giả phải là người trực tiếp thực hiện tác phẩm. Họa sĩ Lê Linh là tác giả của 4 hình tượng nhân vật trong bộ truyện “Thần đồng Đất Việt. Công ty Phan Thị đã làm biến thể các nhân vật mà không có sự đồng ý của họa sĩ Lê Linh, là vi phạm quyền nhân thân, xét theo Khoản 4 điều 19 của Luật SHTT” - Luật sư Trương Thị Thu Hồng nói. 

Hồ sơ các hình tượng nhân vật kèm theo Chứng nhận quyền tác giả được đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả ngày 7/5/2002
Hồ sơ các hình tượng nhân vật kèm theo Chứng nhận quyền tác giả được đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả ngày 7/5/2002  

“Từ tập 79 trở đi, bất cứ trang nào có xuất hiện 4 hình tượng nhân vật này đều là xâm phạm đến việc bảo vệ sự toàn vẹn của nhân vật” – Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn nêu quan điểm. Trong phiên xử trước đó, hôm 16/7, luật sư Toàn đã gọi những biến thể này là “quái thai” chứ không phải sáng tạo. 

Đại diện Công ty Phan Thị, ông Nguyễn Vân Nam và cả bà Phan Thị Mỹ Hạnh đều thừa nhận bà Hạnh không phải người trực tiếp vẽ, mà chỉ có họa sĩ Lê Linh là người trực tiếp vẽ ra tác phẩm.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh cho biết, bà là người có ý tưởng và đặt tên cho bộ truyện, còn người trực tiếp vẽ là họa sĩ Lê Linh. Bà Hạnh công nhận họa sĩ Lê Linh là người vẽ phác thảo tác phẩm bằng tay, đúng như những bản phác thảo mà họa sĩ đã trình bày trước tòa, rồi sau đó mới chuyển lên làm đồ họa trên máy vi tính. Trước tòa, đại diện Công ty Phan Thị xác nhận: “Từ tập 1 đến tập 79 công chúng ghi nhận truyện và tranh là họa sĩ Lê Linh”.

Tuy nhiên, mặc dù thừa nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả của 4 hình tượng nhân vật này và đã được ghi nhận trong các ấn bản từ tập 1 đến tập 78, nhưng phía Công ty Phan Thị lại cho rằng: “Từ tập 79 trở đi, Công ty Phan Thị tiếp tục xuất bản ấn phẩm phái sinh, không chỉnh sửa gì các hình tượng nhân vật này, nhưng không đề tên ông Linh nữa vì họa sĩ khác vẽ, nên chúng tôi đề tên họa sĩ khác” – Ông Nam và bà Hạnh cung cấp.

Luật sư
Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn: “Công ty Phan Thị làm biến thể các hình tượng này và không hề hỏi ý kiến, không được sự đồng ý của họa sĩ Lê Linh là vi phạm quyền nhân thân"

Sau nhiều giờ tranh luận gay gắt, đại diện Viện Kiểm sát yêu cầu dừng phiên tòa vì Hội đồng xét xử cần thêm thời gian đánh giá lại hồ sơ vụ việc.

Phiên tòa sẽ được tiếp tục vào 8h30 ngày 27/8 tới.