Hội Xuất bản kiến nghị Bộ GD&ĐT quy định giờ đọc sách trong nhà trường

VietTimes – Quy định giờ đọc sách chính thức trong nhà trường có phải là giải pháp xây dựng văn hóa đọc, vun bồi nhân cách người Việt? 
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam

Mới đây, Hội Xuất bản Việt Nam cho biết đang soạn thảo bản kiến nghị đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét quy định giờ đọc sách trong nhà trường, từ cấp tiểu học lên đến THPT.

Ông Lê Hoàng -  Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, tại cuộc gặp gỡ sáng nay 14/6, cho biết: “Trong bản kiến nghị chúng tôi có đề xuất hai phần chính, một là hình thành các tiết đọc độc lập cho các em. Như Trường Đinh Thiện Lý và một số trường quốc tế hiện nay, các cô đã sắp xếp cho học trò đọc sách 15 phút mỗi ngày. Thứ hai là tiết đọc tương tác thông qua giờ dạy văn, để các giáo viên văn có thể hướng các em tới những tác phẩm có tính nhân văn cao, các cuốn sách hữu ích. Hội cùng với các NXB sẽ tập hợp danh mục sách do các NXB đề cử chuyển tới các trường tùy theo từng cấp, phù hợp với nhu cầu giáo dục toàn diện”.

Ba giáo viên góp phần soạn thảo bản kiến nghị quan trọng này là tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh (ĐH Sư phạm Hà Nội), PGS.TS Hoàng Thị Tuyết (ĐH Sư phạm TP.HCM) và cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền, những giáo viên tâm huyết phát triển văn hóa đọc trên cả nước.

Sau chương trình soạn thảo kiến nghị đưa tiết đọc vào trong nhà trường, ông Lê Hoàng cho biết: “Tới đây, Hội Xuất bản dự kiến sẽ có một hội thảo quy mô cả nước, diễn ra vào tháng 8 tới, sẽ có các chuyên gia cùng bàn luận về chủ đề Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho trẻ như thế nào? Để trả lời câu hỏi mà rất nhiều phụ huynh đau đầu vì trẻ chỉ thích đọc truyện tranh, ghét truyện chữ. Nhân cách con người bao gồm bốn yếu tố: trí tuệ, đạo đức hành vi, giá trị sống (những phạm trù về lòng tốt, sự tử tế, lòng trung thực…) và cuối cùng là thói quen tinh thần tốt (như biết nhận lỗi, suy nghĩ tích cực…) phải được vun đắp bồi dưỡng thông qua đọc sách”.  

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ

Dự kiến, kế hoạch gửi kiến nghị sẽ được chuyển tới ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ TTTT, đồng thời là Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam vào thời điểm cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2019, để trình ký.

Hội Xuất bản cho biết cũng không ngồi yên chờ cơ chế, mà đã đang kêu gọi các doanh nghiệp chung tay trong dự án “Sách hay dành cho học sinh tiểu học” đã đưa sách về hơn 20 tỉnh thành trên cả nước, với số tiền mua sách lên tới hơn 1,5 tỷ đồng. 

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc NXB Trẻ, thành viên Ban điều hành Công ty TNHH MTV đường sách TPHCM nhận định, sau khi tiến hành đợt khảo sát về niềm tin và thói quen đọc sách của giới trẻ TP.HCM: “Thiếu món ăn tinh thần sách sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển và hình thành nhân cách con người nhưng trẻ em ngày nay bị thu hút bởi smart phone, các thiết bị giải trí, TV thế hệ mới… nên rất hiếm trẻ yêu đọc sách.

Hội Xuất bản đã tiến hành khảo sát từ cấp tiểu học lên tới đại học và thấy rằng chỉ đến lứa tuổi đã bắt đầu định hình nhân cách như bậc đại học mới có những nhận thức đúng đắn về đọc sách. Số lượng sách xuất bản mỗi năm thì nhiều, nhưng cốt lõi vấn đề để hình thành văn hóa đọc, theo chúng tôi là phải xác lập niềm tin rằng đọc sách sẽ tạo nên giá trị cho cá nhân, cộng đồng và quốc gia”.

Các em nhỏ và TS. Quách Thu Nguyệt trong chương trình Tìm sách tặng bạn trên đường sách TP.HCM
 Các em nhỏ và TS. Quách Thu Nguyệt trong chương trình Tìm sách tặng bạn trên đường sách TP.HCM