|
Bắc Đới Hà - nơi diễn ra hội nghị công tác mùa Hè hàng năm bàn những vấn đề quan trọng của giới lãnh đạo Trung Quốc |
Hội nghị Bắc Đới Hà là gì?
Hội nghị Bắc Đới Hà là chế độ làm việc mùa Hè mà Đảng Cộng sản Trung Quốc áp dụng trong các thời kỳ từ 1954 đến 1965, từ 1984 đến 2002 và từ 2013 đến nay: hàng năm cứ vào mùa Hè, lãnh đạo trung ương bao gồm các Ủy viên Bộ Chính trị, Quốc Vụ viện, lãnh đạo Quốc hội, Chính Hiệp, Quân ủy trung ương), một số cán bộ lão thành đã nghỉ hưu, có năm mở rộng đến cán bộ lãnh đạo các bộ, tỉnh thành, chỉ huy quân chủng, quân khu, quân đoàn của quân đội... lại kéo về khu nghỉ mát Bắc Đới Hà ở thành phố Thanh Đảo để vừa nghỉ ngơi vừa làm việc, bàn bạc và quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến các quyết định chiến lược của đất nước. Tại đây có 183 tòa biệt thự, tổng diện tích 125 ngàn mét vuông được xây dựng trong khu vực có diện tích hơn 3 kilomet vuông.
Quyết định làm việc mùa Hè tại Bắc Đới Hà được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định từ mùa Thu năm 1953. Sau đó từ 1954 đến 1965, năm nào cũng thực hiện. Sau khi “Cách mạng Văn hóa” bùng nổ năm 1966, các Hội nghị Bắc Đới Hà bị gián đoạn từ đó.
|
Nơi diễn ra hội nghị được đảm bảo an ninh tối đa
|
Năm 1983, sau khi trở thành lãnh đạo Quốc Vụ viện, Thủ tướng Triệu Tử Dương đã tới thị sát và bày tỏ muốn khôi phục lại chế độ Hội nghị Bắc Đới Hà, cho sửa sang lại các khu nhà. Năm 1984 Hội nghị Bắc Đới Hà được tiến hành lại với sự có mặt của 47 người lãnh đạo trung ương và 379 lãnh đạo cấp bộ, tỉnh, quân đoàn trở lên. Năm 1985 thành phần tham gia mở rộng thêm lãnh đạo Quốc hội và Chính Hiệp và Ủy ban Cố vấn trung ương. Từ đó cho đến năm 2002, Hội nghị Bắc Đới Hà vào mùa Hè hàng năm đều được tiến hành đều đặn với thành phần như trên.
Năm 2003, sau khi ông Hồ Cẩm Đào lên giữ chức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ngày 19/7/2003 Nhân dân Nhật báo đăng tin: “Trung ương quyết định mùa Hè năm nay, ban lãnh đạo Trung ương đảng, Quốc Vụ viện, Quốc hội, Chính Hiệp, Quân ủy không đến Bắc Đới Hà làm việc nữa. Người phụ trách các Bộ, Ủy ban trong thời gian này ra nước ngoài hay đi nghỉ dưỡng phải thực hiện nghiêm theo quy định, không được tự ý đi Bắc Đới Hà hay các thắng cảnh nghỉ dưỡng”. Chế độ Hội nghị Bắc Đới Hà bị gián đoạn từ đó cho đến khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền mới được khôi phục trở lại.
Các Hội nghị Bắc Đới Hà các năm nói chung đều bàn bạc và thông qua các vấn đề có ý nghĩa quan trọng đến quốc kế dân sinh, nhất là các hội nghị diễn ra trước các kỳ Đại hội đảng toàn quốc.
|
Trước khi diễn ra hội nghị, hồi tháng 7,ông Tập Cận Bình đã đến thị sát Nội Mông, nhấn mạnh vấn đề xây dựng đảng
|
Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay sẽ bàn vấn đề gì?
Hôm 3/8, ông Trần Hy, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương đã tới Bắc Đới Hà thăm và úy lạo các chuyên gia các lĩnh vực đang nghị dưỡng tại đây. Điều này có nghĩa là Hội nghị Bắc Đới Hà thường niên đã bắt đầu.
Theo Tân Hoa xã, được sự ủy nhiệm của ông Tập Cận Bình, ông Trần Hy đã chuyển lời chào và thăm hỏi tới các vị chuyên gia, nhân tài trong các lĩnh vực. Trong thời gian này, bà Tôn Xuân Lan, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện cũng cùng đi. Đáng chú ý, năm ngoái người cùng đi với Trần Hy tới Bắc Đới Hà là Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa.
Tân Hoa xã cho biết, tham gia hoạt động nghỉ dưỡng có 58 vị đều là các chuyên gia ưu tú nhất trong các lĩnh vực kể từ khi nước Trung Quốc mới ra đời, nhất là từ khi cải cách mở cửa đến nay.
Trang tin Hoa ngữ độc lập Đa Chiều hôm 2/8 cho rằng, từ 2 năm gần đây, các thông tin chính thức của Trung Quốc cho thấy, Hội nghị Bắc Đới Hà đã bị mất đi công năng nghị chính truyền thống mà nặng về nghỉ dưỡng; nhưng theo quy luật vận hành chế độ chính trị và mô thức hội nghị truyền thống, năm nay hội nghị vẫn quy tụ các vị nguyên lão và giới lãnh đạo cấp cao để tiến hành cuộc gặp gỡ không chính thức. Cũng chính vì thế, Hội nghị Bắc Đới Hà vẫn trở thành tiêu điểm quan tâm, hiếu kỳ của thế giới bên ngoài.
|
Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường khảo sát Thượng Hải nói về vấn đề kinh tế và dân sinh
|
Nhưng do gần đây, Bắc Kinh có ý muốn làm mờ nhạt sắc thái chính trị của Hội nghị Bắc Đới Hà nên tin tức về hội nghị này trên truyền thông rất ít; vì vậy bên ngoài chỉ có thể phỏng đoán theo các manh mối ít ỏi. Theo tập quán, trước khi diễn ra hội nghị, 7 Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị sẽ tiến hành đợt khảo sát địa phương cuối cùng; bên ngoài căn cứ vào hành trình cùng các phát biểu của họ để suy đoán những chủ đề mà Hội nghị Bắc Đới Hà thảo luận.
Qua xem xét lại tình hình khảo sát của 7 Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị thì thấy: trong suốt tháng 7, ông Tập Cận Bình lên Nội Mông phía Bắc, Lý Khắc Cường xuống Thượng Hải phía Nam, Lật Chiến Thư tới Hồ Nam, Uông Dương đi Thanh Hải, Vương Hộ Ninh đến Tổng Liên đoàn, Triệu Lạc Tế nghiên cứu Ninh Hạ, Hàn Chính dự tọa đàm Ủy ban Cải cách phát triển. Theo quy định, việc điều tra nghiên cứu phải triển khai có tính thực tế, trực diện, gắn với chức trách, nhiệm vụ được phân công. Từ các thông tin trên báo chí thì có thể nhận ra: Tập Cận Bình ở Nội Mông nói về các vấn đề xóa nghèo, bảo vệ môi trường và nhấn mạnh về xây dựng đảng; Lý Khắc Cường nói về dân sinh, Triệu Lạc Tế nói về chống tham nhũng...các Ủy viên thường vụ đều nói về lĩnh vực mình phụ trách; nhưng tất cả 7 người đều nói về một chủ đề chung là: giáo dục.
|
Chủ tịch Quốc hội Uông Dương đi nghiên cứu Thanh Hải, nơi có các vấn đề dân tộc và tôn giáo
|
Theo phân tích của Đa Chiều, hoạt động chủ đề xuất hiện với tần suất cao trong đảng gần đây chính là cuộc vận động chỉnh phong lần thứ 4 trong “thời đại Tập Cận Bình”. Theo quy luật của các lần chỉnh phong trước đây trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, phong trào chỉnh phong thường xuất hiện vào lúc “tư tưởng hỗn loạn, tổ chức rệu rã”, đồng thời cần xác lập lại uy quyền cá nhân của người lãnh đạo. Sau khi Hội nghị Bộ Chính trị họp cuối tháng 7 vừa qua đưa ra nhận định tình thế “xuất hiện thách thức nguy hiểm mới”; bên ngoài đã có tin đồn về sự bất đồng nội bộ. Trong bối cảnh kinh tế chịu áp lực lớn, cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ trở nên bất định, cục diện Hồng Kông tiếp tục bất ổn, Đài Loan thừa cơ liên tiếp có “động tác” khiến Đại Lục trừng phạt bằng cách hạn chế cá nhân đi du lịch; những sức ép mà Trung Quốc phải đối mặt đã không khỏi được đề cập đến trước ngày khai mạc Hội nghị Bắc Đới Hà. Vì vậy, cuộc vận động chỉnh phong được ông Tập Cận Bình cho là “đúng lúc” có lẽ sẽ trở thành một chủ đề được bàn luận tại Bắc Đới Hà, thậm chí không loại trừ Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay sẽ biến thành một “hoạt động giáo dục”.
Có nhiều ý kiến cho rằng, chủ đề mà Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay bàn luận sẽ bao gồm hai vấn đề nóng mà Trung Quốc đang phải đối mặt là: phong trào biểu tình chống dự thảo luật dẫn độ ở Hồng Kông kéo dài hai tháng nay và cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ.
|
Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ là một chủ đề chính của Hội nghị Bắc Đới Hà
|
Có học giả cho rằng, Hội nghị Bắc Đới Hà sẽ tập trung vào hai chủ đề đó, nhưng bên ngoài không hy vọng thái độ của ông Tập Cận Bình sẽ mềm lại. Với cá tính không dễ thỏa hiệp của ông thì dù hội nghị có sự có mặt của các vị nguyên lão cũng sẽ không thể thuyết phục được ông Tập thay đổi. Vì vậy, có cơ quan truyền thông Hồng Kông cho rằng, ông Tập Cận Bình “tự báo động” là muốn thanh lọc đảng để củng cố địa vị bản thân; đồng thời cũng muốn sử dụng Hội nghị Bắc Đới Hà để cảnh báo các thế lực chống đối.
Cũng có ý kiến cho rằng, ngoài tình hình Hồng Kông và cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, Hội nghị Bắc Đới Hà còn thảo luận cả tình hình kinh tế suy thoái. Số liệu thống kê chính thức cho thấy, quý 2/2019, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 6,2%, mức thấp nhất trong 27 năm qua, ngành chế tạo 3 tháng liên tiếp phải giảm bớt. Hội nghị Bộ Chính trị hôm 30/7 bàn bố trí công tác kinh tế 6 tháng cuối năm và bàn việc khởi động lại cuộc đàm phán mậu dịch với phán đoán “kinh tế tới đây chịu áp lực suy giảm lớn thêm”, kém lạc quan hơn so với nhận định “kinh tế tồn tại áp lực suy giảm” trước đó; nhưng vẫn kết luận “cục diện ổn định của kinh tế Trung Quốc vẫn vững chắc, tình thế phát triển rất rõ”. Tân Hoa xã dùng cái đó để phản bác phía Mỹ “vẫn nhai lại luận điệu cũ rích lấy tốc độ luận anh hùng”, với ý đáp lại việc ông Trump cho rằng dùng tăng thuế có thể giáng đòn mạnh vào kinh tế Trung Quốc.
|
Tình hình kinh tế suy thoái cũng có thể là một chủ đề được bàn thảo tại hội nghị
|
Thế nhưng, không ai ngờ rằng, chỉ mấy giờ sau khi kết thúc vòng đàm phán mậu dịch thứ 12 tại Thượng Hải, ông Trump đã bất ngờ ra lệnh áp thuế 10% bắt đầu từ ngày 1/9 đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ, khiến Bắc Kinh trở tay không kịp. Quyết định của ông Trump diễn ra quá nhanh, vậy Hội nghị Bắc Đới Hà liệu sẽ bàn ra đối sách như thế nào? Có lẽ sách lược lâu dài là lựa chọn cải cách và mở cửa hơn nữa, nhưng từ các quyết sách chính trị kiểu đóng cửa của ông Tập Cận Bình khiến người ta hoài nghi liệu điều đó có xảy ra được hay không?