Hội An được công nhận là thành viên Mạng lưới các TP sáng tạo toàn cầu năm 2023 của UNESCO

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hội An là đại diện của Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các TP sáng tạo toàn cầu năm 2023 của UNESCO trên lĩnh vực "Thủ công và Nghệ thuật dân gian".

Biểu diễn nghệ thuật Bài Chòi tại Hội An
Biểu diễn nghệ thuật Bài Chòi tại Hội An

Hôm nay, 31/10, Ban Thư ký Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO đã xác nhận Hội An là đại diện của Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các TP sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực "Thủ công và Nghệ thuật dân gian". Thông tin này được Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam xác nhận.

Đây là một vinh dự lớn và niềm tự hào của người dân Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung.

Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các TP đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.

Tính đến tháng 10/2022, Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO có 295 thành phố thành viên đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 59 TP trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Năm 2023, qua quá trình thẩm định hết sức chặt chẽ của Ban thư ký và các thành phố thành viên về hồ sơ và các hoạt động thực tiễn của Hội An, Ban thư ký Mạng lưới TP sáng tạo đã công bố Hội An chính thức là thành viên Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO

"Thủ công và Nghệ thuật dân gian" là thế mạnh nổi trội và là lĩnh vực được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Hội An hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi có thể kể đến như: nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da... Trong đó có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia; 2 làng nghề khác đang làm hồ sơ đề nghị công nhận.

Hệ sinh thái các làng nghề, cộng đồng làng nghề cùng các tập quán, sinh hoạt, tín ngưỡng lâu đời của cư dân địa phương đã góp phần truyền cảm hứng, hình thành và nuôi dưỡng sự phong phú và đa dạng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như: hát bả trạo, hò khoan, hô hát bài chòi, thơ ca, hò vè, nghệ thuật hát Bội, múa nghi lễ, tạo hình dân gian… phản ánh chân thực, sinh động những đặc điểm văn hóa - xã hội của vùng đất và trở thành một phần thiết yếu trong đời sống tinh thần của người dân Hội An. Trong đó, phải kể đến Nghệ thuật Bài Chòi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2017).

Đối với hoạt động thủ công và nghệ thuật dân gian Hội An hiện có tổng cộng 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực. Ước tính có khoảng 4.000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình 3.500-4.000 USD mỗi năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian.

vt_hoi an 2.jpg
Một góc đô thị cổ Hội An

Gia nhập Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO là điều kiện thuận lợi cho Hội An trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên tất cả các lĩnh vực văn hóa sáng tạo, góp phần thu hút đầu tư, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa, sáng tạo, nhằm phát triển bền vững.

Được biết, Hội An sẽ tổ chức đoàn diễn hành chào mừng Hội An gia nhập Mạng lưới các TP sáng tạo UNESCO vào sáng mai (ngày 1/11), với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, đại diện các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân trên địa bàn TP.