Việc Trung Quốc ráo riết tiến hành các hoạt động xây đảo ở Biển Đông và xây các công trình quân sự trên một số đảo nhân tạo khiến dư luận quốc tế ngày càng lo ngại là Bắc Kinh sẽ thiết lập tại khu vực này một ADIZ như đã làm ở biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013.
Việc thiết lập ADIZ sẽ là một hành động mới của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền phi lý của họ ở Biển Đông, bởi nó sẽ giúp Bắc Kinh thực hiện ý đồ mở rộng không phận của Trung Quốc, buộc những máy bay bay ngang qua khu vực này phải tuân thủ các quy định do họ đề ra.
Trang mạng “The Diplomat” đưa tin, tuyên bố tại một hội nghị ở Washington vừa qua, ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh không nên đơn phương tuyên bố thành lập ADIZ ở Biển Đông. Theo ông Ngô Sĩ Tồn, không thiết lập ADIZ sẽ là một cách để Trung Quốc chứng tỏ sự kiềm chế và làm giảm căng thẳng ở Biển Đông.
Khuyến cáo nói trên của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải nằm trong danh sách những điều “nên làm và không nên làm” trong vấn đề Biển Đông mà ông đề nghị đối với cả Mỹ và Trung Quốc. Ngoài việc không nên đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ, ông Ngô Sĩ Tồn còn đề nghị phải bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông, cũng như đẩy nhanh việc soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các nước ASEAN.
Theo “The Diplomat”, việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo và trì hoãn việc soạn thảo COC khiến không chỉ các nước trong khu vực mà cả ở bên ngoài lo ngại về cách áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như lo ngại về ý đồ thật sự của nước này.
Đối với Mỹ, học giả Ngô Sĩ Tồn khuyến nghị Washington không nên tìm cách kiềm chế Trung Quốc và nên giữ thái độ trung lập trong vấn đề Biển Đông. Ông nhận định Mỹ nên làm việc với Trung Quốc trên tinh thần “tôn trọng lẫn nhau” và hai bên cần thúc đẩy hợp tác quân sự theo tinh thần này. Ngoài “danh sách những điều nên làm và không nên làm”, học giả Ngô Sĩ Tồn cũng đề xuất một cơ chế tham vấn về các vấn đề hàng hải trong khu vực. Tuy nhiên, ông không nói rõ cơ chế này sẽ hoạt động như thế nào bên cạnh nhiều cơ chế hiện hành để đảm bảo an ninh hàng hải ở châu Á như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM +) và Diễn đàn Hàng hải ASEAN.
Không chắc là Bắc Kinh có nghe theo khuyến nghị của ông Ngô Sĩ Tồn không nên đơn phương thiết lập ADIZ ở Biển Đông hay không. Nếu Bắc Kinh thực sự làm như vậy, Mỹ chắc chắn cũng sẽ có động thái phản ứng, có thể là cho máy bay bay ngang qua ADIZ mà không thèm báo trước cho Bắc Kinh, một cách để bác bỏ vùng này. Nói chung, Washington sẽ không chấp nhận để cho Trung Quốc hạn chế quyền tự do lưu thông trên không cũng như trên biển ở khu vực Biển Đông.
TTK theo Báo Tin Tức