Sau phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye, Mỹ lập tức điều động hai cụm hàng không mẫu hạm từ xa xôi đến Biển Đông, còn Trung Quốc cũng điều đến ba hạm đội với nhiều tàu chủ lực, tổ chức diễn tập rầm rộ. Có thể nói, lực lượng quân sự hai nước đã sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến, bầu không khí căng thẳng chuẩn bị chiến tranh bao phủ khắp nơi.
Nhưng bất ngờ, ngày 5/7, Mỹ cho rút hai hàng không mẫu hạm ra khỏi Biển Đông, sau đó ngày 10/7 Trung Quốc cũng rút tên lửa đối không HQ-9 tầm xa ra khỏi đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Bầu không khí căng thẳng đối đầu quân sự Mỹ - Trung tại Biển Đông bất ngờ được hạ nhiệt.
Sau những biến động tình hình, giới phân tích quân sự Trung Quốc hoan hỉ cho rằng “Trung Quốc đã “toàn thắng”, “Mỹ đã sợ hãi Trung Quốc nên phải rút quân, Trung Quốc có thể thắng bất cứ đối thủ nào”...
Tuy nhiên, qua bài phân tích “Ván cờ Trung – Mỹ trong cuộc chiến tại Biển Đông” trên trang thông tin nghiên cứu “Đồng thuận” (Trung Quốc) ngày 22/9 vừa qua, giáo sư Tiết Lý Thái - chuyên gia quân sự nổi tiếng thuộc Trung tâm Hợp tác An ninh quốc tế Đại học Stanford (FSI-CISAC) đã hoàn toàn bác bỏ quan điểm này.
Quan điểm Trung Quốc “toàn thắng” là sai lầm
Truyền thông Trung Quốc khoe khoang, sau khi quân ủy trung ương Trung Quốc chuẩn bị ba dự án sẽ chiến tranh với Mỹ (trận đánh quy mô lớn, quy mô vừa, quy mô nhỏ) đã cử tới Biển Đông ba hạm đội với nhiều tàu chiến hiện đại, dàn thế trận quyết tử với Mỹ, sau đó điều động máy bay ném bom chiến lược H-6K tuần tra vùng trời bãi cạn Scarborough nhằm “xác định tọa độ của hàng không mẫu hạm Mỹ”.
Giới quân sự Trung Quốc hả hê cho rằng sau sự việc, Mỹ đã lập tức rút hàng không mẫu hạm rút khỏi Biển Đông. Từ diễn biến này, nhiều chuyên gia Trung Quốc kết luận Trung Quốc đã “toàn thắng”, tướng lĩnh quân đội Trung Quốc chủ quan nhận định rằng bất cứ giao chiến với nước nào tại Biển Đông thì Trung Quốc cũng sẽ giành thắng lợi…
Nhưng giáo sư quân sự Tiết Lý Thái phân tích cho rằng, quan điểm này không đúng nếu dựa vào chiến lược tổng thể, và cũng thiếu kiến thức về quân sự thông thường. Nguyên nhân vì sao? Chuyên gia quân sự Tiết Lý Thái phân tích:
Thứ nhất, sau khi Trung Quốc bồi đắp đảo phi pháp đảo nhân tạo tại 7 bãi đá ngầm ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), Mỹ lo sau này có thể Trung Quốc sẽ bố trí máy bay quân sự tại ba đường băng ở các Đá Xu Bi, Chữ Thập và Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), vì thế Mỹ chỉ yêu cầu Trung Quốc không được “quân sự hóa” mà thôi. Cho đến nay Trung Quốc cũng chưa bố trí quân sự tại ba sân bay này, nghĩa là chưa “quân sự hóa”, nhưng đồng thời Trung Quốc cũng tỏ thái độ “một nước không nhường”. Dĩ nhiên vì thế mà Mỹ cũng chỉ hành động chừng mực.
Thứ hai, trong những hành động của Trung Quốc, Mỹ kiêng dè nhất là việc Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép tại bãi cạn Scarborough, cách căn cứ Hải quân Subic và căn cứ không quân Clark của Mỹ ở Philippines chỉ hơn 200 km. Một khi công trình tạo đảo này hoàn thành, Trung Quốc bố trí ổn thỏa các căn cứ hải quân và không quân thì sẽ gây đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với căn cứ của Mỹ tại Philippines, khi đó Trung Quốc sẽ biết mọi động tĩnh ra vào cảng Subic của tàu chiến Mỹ. Tình hình này cũng ảnh hưởng mạnh đến chiến lược thế kỷ “tái căn bằng Châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ.
Ban đầu Mỹ lo lắng Trung Quốc khởi công xây đảo tại bãi cạn Scarborough vào đầu tháng 9 năm nay, vì thế tỏ rõ căng thẳng. Nhưng thực tế, vài năm qua Trung Quốc không thể thực hiện kế hoạch tại bãi cạn Scarborough vì những nguyên nhân sau: Thứ nhất, công trình tại bãi cạn Scarborough quá lớn, thiếu tài liệu thủy văn và địa chất, đến bản vẽ thi công còn làm chưa được; thứ hai, tàu rút bùn siêu lớn cùng trang thiết bị tương ứng cho kế hoạch lấp biển không đủ; thứ ba, thiếu thốn nguyên vật liệu và công tác hậu cần; thứ tư, chi phí công trình này gấp đôi chi phí tạo đảo trên 7 bãi đá ngầm trước đây (khoảng 500 tỷ nhân dân tệ), một vấn đề không đơn giản; ngoài ra chưa kể gặp cản trở mạnh mẽ của Mỹ. Có lẽ sau đó Mỹ nhận thấy Trung Quốc không có khả năng tạo đảo ở bãi cạn Scarborough nên cũng không làm căng tại Biển Đông.
Nhận định “toàn thắng” thiếu hiểu biết về quân sự
Như đã đề cập, học giả quân sự Trung Quốc nhận định hệ thống tàu thuyền tinh nhuệ thuộc ba hạm đội lớn ở Biển Đông của Trung Quốc đã “khiến đội hàng không mẫu hạm của Mỹ sợ hãi”, vậy là Mỹ áp dụng chiêu “36 kế, tẩu là thượng sách”. Giáo sư Tiết Lý Thái cho rằng nghĩ như thế là không hiểu biết về tình thế quân sự.
Trong chiến tranh trên biển hiện đại, nếu không làm chủ được mặt trận trên không thì cũng không làm chủ được mặt trận trên biển, không kiểm soát được giao thông trên biển. Nếu không kiểm soát được giao thông trên biển thì tàu chiến hậu phương không tiếp viện được cho tiền tuyến.
Nếu giả sử Trung Quốc có bùng nổ quân sự với Mỹ trên Biển Đông, để bảo vệ khu kiểm soát trái phép ở Trường Sa, Trung Quốc cần đến lực lượng phòng không vùng duyên hải Trung Quốc và lực lượng không quân hải quân. Nhưng sân bay tại đảo Phú Lâm quá nhỏ, đường băng ngắn, số lượt cất cánh và hạ cánh rất hạn chế, chủ yếu vẫn phải dựa vào sân bay vùng duyên hải tỉnh Quảng Đông và sân bay Lăng Thủy ở đảo Hải Nam.
Trong khi khoảng cách từ sân bay duyên hải Quảng Đông đến vùng 7 hòn đảo này vào khoảng 1.500 – 1.700 km, nằm ngoài bán kính tác chiến của máy bay chiến đấu Trung Quốc hiện nay. Cho dù sân bay Lăng Thủy ở đảo Hải Nam cách vùng 7 hòn đảo khoảng 1.250 – 1.450 km (khoảng cách này đã gần với bán kính tác chiến của máy bay chiến đấu Trung Quốc), nhưng thời gian có thể tham gia tác chiến khi bay đến rất hạn chế.
Tướng lĩnh và học giả Trung Quốc thường ngang nhiên cho rằng quần đảo Trường Sa là cánh cổng của Trung Quốc, còn Mỹ ở tận tây bán cầu, nếu hai nước giao chiến tại Biển Đông thì Trung Quốc có lợi thế địa lý. Đây là quan điểm ấu trĩ, vì căn cứ quân sự của Mỹ bao phủ khắp toàn cầu, ngoài các căn cứ khổng lồ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đảo Guam, Mỹ cũng có căn cứ không quân ở Philippines, cách quần đảo Trường Sa chỉ vài trăm km. Nếu nói địa lợi thì rõ ràng Mỹ cũng có lợi thế hơn, ông Tiết Lý Thái nêu rõ.
Theo ông Tiết Lý Thái, nói cách khác, nếu xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc với các nước khác xung quanh vùng quần đảo Trường Sa, nếu chất lượng trang bị quân sự và tố chất quân sự của phi công tương đương nhau, đừng nói không quân hải quân của Mỹ, ngay cả không quân hải quân Việt Nam cũng chiếm lợi thế so với Trung Quốc, trong khi yếu tố địa lợi trong cuộc chiến này cực kỳ quan trọng.
(còn tiếp)