Học giả phương Tây: Liên minh Trung – Nga sẽ không thể kéo dài!

VietTimes -- Quân đội Trung Quốc đã tới Nga để tham gia cuộc tập trận quy mô lớn “Trung tâm-2019” với sự tham gia của 12.950 binh sĩ, 600 máy bay và 250 xe tăng cùng hàng ngàn trang thiết bị quân sự của 8 quốc gia. Các quan chức Mỹ chú ý đến việc quân đội Trung Quốc đã cử 1.600 người và 30 máy bay chiến đấu tiên tiến tới tham gia cuộc tập trận diễn ra từ 16 đến 21/9 này. Alexander Gabuyev, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Carnegie Moscow cho biết, cuộc tập trận này là một mô thức tăng cường hợp tác Trung-Nga và là một tín hiệu gửi đến người Mỹ.
Phương Tây đang ngày càng lo lắng về việc quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đang được tăng cường.
Phương Tây đang ngày càng lo lắng về việc quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đang được tăng cường.

Giáo sư Jonathan Holslag, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Brussels, phát biểu trong một bài báo trên tờ South China Morning Post rằng, giới chính trị phương Tây đang ngày càng lo lắng về việc quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đang được tăng cường.

Truyền thông Anh đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ Latinh đang trở thành phạm vi ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. Cuộc tập trận “Trung tâm - 2019” lần này có sự tham gia của Trung Quốc, Nga và các nước Ấn Độ, Pakistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Tajikistan và Uzbekistan cho thấy Nga và Trung Quốc đã có được quyền kiểm soát ngoại giao toàn diện đối với khu vực Trung Á. Các nhà ngoại giao châu Âu cho rằng Trung Quốc và Nga không ngừng tăng cường hợp tác về an ninh, điều này đã khiến nhiều nước nhỏ lo lắng, đặc biệt một số nước lo lắng về hành động của quân đội Nga.

Quân đội Trung Quốc sang Nga tham gia tập trận chung
Quân đội Trung Quốc sang Nga tham gia tập trận chung

Ông Hoslag cũng nói rằng Nga và Trung Quốc hợp lực, Nga có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào còn Trung Quốc thì có năng lực công nghiệp mạnh mẽ. Kết hợp với nhau, hai nước chắc chắn sẽ trở thành thách thức mạnh mẽ đối với phương Tây. Phóng viên BBC Marcus nói, “liên minh Nga-Trung là cơn ác mộng của Washington”.

Tuy nhiên, ông James Jay Carafano, phó giám đốc Foreign Policy Research Institute (Viện An ninh và Chính sách đối ngoại quốc gia) thuộc Quỹ Di sản Hoa Kỳ, cho rằng, mặc dù Trung Quốc và Nga có lợi ích chung trong việc đối phó với Washington, nhưng họ có ý đồ, kế hoạch riêng; Sự liên minh giữa hai nước Trung Quốc và Nga sẽ không kéo dài.

Không cần phải tranh thủ Nga

Trong bài viết trên tạp chí The National Interest (Lợi ích quốc gia), ông Carafano nói sự lo lắng về sợ liên minh giữa Trung Quốc và Nga là thừa. Có rất nhiều xích mích giữa Trung Quốc và Nga và họ chịu không thấu để gắn kết với nhau.

Các chiến lược gia phương Tây cho rằng Washington đã gây áp lực lên Moscow, đồng thời áp chế Bắc Kinh, dẫn đến việc Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau và cuối cùng hình thành liên minh đối phó lại Mỹ. Vì vậy, một số nhà phân tích cho rằng để ngăn chặn Nga - Trung liên minh, Mỹ cần quan hệ tốt với Moscow, sau đó tập trung lực lượng đối phó Trung Quốc.

Tuy nhiên, Carafano cho rằng Mỹ cũng không cần phải tranh thủ Moscow, vì Nga không chắc sẽ nhượng bộ, mà họ sẽ yêu cầu một giá cao, như muốn phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Nga và nhẫn nhịn trước những hành động của Nga ở Ukraine.

Các cô gái Nga đón binh sĩ Trung Quốc tới tham gia cuộc tập trận. Ảnh: Người quan sát
Các cô gái Nga đón binh sĩ Trung Quốc tới tham gia cuộc tập trận. Ảnh: Người quan sát

Ông cho rằng, vấn đề chính mà Nga và Trung Quốc phải đối mặt là sự bất cân xứng về lực lượng giữa Nga và Trung Quốc; những điểm mạnh và điểm yếu của hai bên hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, khả năng Trung Quốc giúp Nga ở Syria rất hạn chế; ông Putin cũng không thể phát huy được tác dụng trung gian điều đình trong cuộc xung đột thương mại Trung-Mỹ.

Thiện chí đối với nhau của Trung Quốc và Nga cũng có hạn và các mục tiêu toàn cầu của họ cũng không hài hòa. Càng nỗ lực hợp tác với nhau, mối quan hệ giữa họ càng bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt về lợi ích. Carafano lấy ví dụ trường hợp của Trung Quốc ở Trung Á và Bắc Băng Dương, cho thấy rằng tại các khu vực do Nga chi phối này, mức can dự của Trung Quốc càng sâu, thì Moscow càng có nhiều nghi ngờ.

Còn có một cách giải thích khác về sự gần gũi giữa Trung Quốc và Nga. Đó là, thực ra Bắc Kinh không tìm kiếm một quan hệ đối tác chiến lược. Trung Quốc chỉ chờ Nga sụp đổ để vào dọn dẹp mớ hỗn độn.

Giáo sư Jonathan Holslag: giới chính trị phương Tây đang ngày càng lo lắng về việc quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đang được tăng cường.
Giáo sư Jonathan Holslag: giới chính trị phương Tây đang ngày càng lo lắng về việc quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đang được tăng cường.

Sự hợp tác nửa vời giữa Nga và Trung Quốc

Ông Carafano cho rằng Trung Quốc và Nga có khá nhiều điểm chung. Ví dụ, họ đều là chính quyền chuyên chính, đều ở lục địa Á - Âu. Họ muốn phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với nhau, đều thích đề ra các quy tắc riêng của mình và sẵn sàng bỏ qua bố cục thế giới tự do trong sự hợp tác của họ. Ngoài ra, cả Trung Quốc và Nga đều chơi với các chế độ không được phương Tây hoan nghênh như Syria và Venezuela.

Nga và Trung Quốc đã phối hợp với nhau để phá hoại các đề nghị ngoại giao của Washington. Ví dụ, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga phải đối mặt với áp lực của Mỹ trong một số cuộc bỏ phiếu nhất định. Nga thường bỏ phiếu theo ý muốn của Mỹ trái với lòng mình, nhưng Nga biết rằng Bắc Kinh sẽ bỏ phiếu phủ quyết. Tương tự, khi Hoa Kỳ dựa vào Bắc Kinh để ngừng hỗ trợ cho Triều Tiên, Bắc Kinh có thể làm theo các yêu cầu của Mỹ, nhưng Trung Quốc biết rằng Moscow sẽ tiếp tục làm đúng ý Bắc Kinh bằng cách bỏ phiếu chống.

Tuy nhiên, rốt cục trong vấn đề liên minh Nga-Trung đã ảnh hưởng đến Mỹ bao nhiêu, ông Carafano cho rằng Nga và Trung Quốc sẽ không hợp lực để có hành động quân sự chống lại Washington. Cốt lõi của chiến lược của họ là hy vọng sẽ chiến thắng Mỹ mà không cần chiến đấu. Nếu Mỹ có xung đột quân sự với Trung Quốc, Nga sẽ rất vui mừng. Ngược lại cũng vậy, nếu Mỹ xảy ra đối kháng quân sự với Nga, Trung Quốc cũng sẽ hài lòng. Trong vấn đề này, họ sẽ không ở vị trí đi đầu.

Ngay cả khi Nga và Trung Quốc liên kết quân sự đối phó với Mỹ, cái giá phải trả quá lớn sẽ khiến họ phải suy nghĩ kỹ. Chừng nào Mỹ còn duy trì được sự răn đe chiến lược trên toàn thế giới, các cuộc phiêu lưu quân sự Trung-Nga sẽ bị kiềm chế. Đây chính là lúc tác dụng của “thực lực cầu hòa bình” được phát huy.

Mỹ sẽ tiếp tục hùng mạnh?

Ông Carafano cho rằng, chỉ cần Mỹ tiếp tục thúc đẩy chiến lược áp chế Nga và Trung Quốc thì sẽ thu được hiệu quả. Mỹ phải cho Trung Quốc và Nga hiểu rằng chỉ có tôn trọng lợi ích của Mỹ, họ mới được báo đáp. Để đạt được điều này, Washington phải đưa ra nhiều cam kết hơn; cần phải loại bỏ những ý đồ và nỗ lực gây ra sự mất ổn định ở châu Âu của Moscow; đồng thời cố gắng duy trì tự do và cởi mở ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông tin rằng Mỹ có khả năng làm được cả hai điều này.

Ông James Cafarano: Sự liên minh giữa hai nước Trung Quốc và Nga sẽ không kéo dài lâu
Ông James Cafarano: Sự liên minh giữa hai nước Trung Quốc và Nga sẽ không kéo dài lâu

Trong bài viết trên tạp chí The National Interest, ông Carafano nói rằng Mỹ thậm chí không cần phải ly gián hai ông Putin và Tập Cận Bình, ông Trump nên tiếp tục gây sức ép mạnh lên họ. Bản thân sự xích mích giữa chính Nga và Trung Quốc sẽ ngăn cản họ hình thành liên minh chống lại Mỹ. Tất nhiên, Mỹ cũng có thể nhắc nhở Nga và Trung Quốc rằng thật ngu ngốc khi quá tin tưởng đối phương.

Ông cho rằng lợi ích chủ yếu của các ông Putin và Tập Cận Bình là duy trì sự tồn tại của chính quyền của họ. Mỹ duy trì áp lực mạnh mẽ sẽ khiến họ không thể có nhiều sự lựa chọn. Họ chỉ có thể chấp nhận thực tế là Mỹ mạnh và sẽ tiếp tục mạnh. Nga và Trung Quốc phải đối mặt với thực tế là Mỹ rất hùng mạnh. Mỹ muốn họ hiểu rằng, chỉ có sự cân bằng toàn cầu này mới có thể mang lại sự ổn định lâu dài.

Tuy nhiên, liệu Hoa Kỳ có thể duy trì được địa vị thống trị của mình hay không đã trở thành chủ đề tranh luận thường xuyên của dư luận. Đặc biệt, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng gần gũi hơn trong những năm gần đây, tạo thành một trục mạnh mẽ chống lại Washington và làm dấy lên những cuộc thảo luận về những thách thức mà Mỹ phải đương đầu.

Chuyên gia quân sự Nga Alexey Muraviev ở Đại học Curtin, Australia nói, sự hợp tác Trung-Nga hiện tại bao gồm chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện quân sự chung. Ông cho rằng, “việc tăng cường mối quan hệ chiến lược giữa Nga và Trung Quốc sẽ có tác động đến bối cảnh địa chính trị của Tây Thái Bình Dương trong 20 năm tới”.

Tất nhiên, ông cũng thừa nhận, Nga và Trung Quốc hiện nay không thể hình thành một liên minh chính thức và cả hai bên đều muốn duy trì tính độc lập.

Ông Karafano cho rằng Nga và Trung Quốc sẽ không liên kết quân sự chống lại Mỹ, nhưng cũng có những nhà quan sát phương Tây bày tỏ nghi ngờ liệu trạng thái không liên kết này của Nga và Trung Quốc có thể duy trì được bao lâu.

(Theo BBC tiếng Trung)