Hoạt động phát triển Chính phủ điện tử được đẩy nhanh trong dịch Covid-19

Theo đánh giá của Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT, các hoạt động về phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, ngành gần như không chịu tác động nhiều từ dịch Covid-19, thậm chí còn có xu hướng được đẩy nhanh hơn.

Theo số liệu của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, Tính đến hết tháng 1/2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả nước đạt 11,13%, tăng so với mức 10,76% của quý IV năm ngoái (Ảnh minh họa)

Thông tin từ Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT cho hay, thời gian qua, công tác triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt được một số tiến bộ. Tính đến hết tháng 1/2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả nước đạt 11,13%, tăng so với mức 10,76% của quý IV năm ngoái.

Cụ thể, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của các bộ, ngành và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt 18,59%, tăng so với 17,75% của quý IV/2019; và tỷ lệ này của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt 10,85%, tăng so với mức 10,48% của quý IV/2019.

Đáng chú ý, Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT nhận định, các hoạt động về phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, ngành gần như không chịu tác động nhiều từ dịch Covid-19, thậm chí còn có xu hướng được đẩy nhanh hơn do phát sinh mạnh nhu cầu trao đổi thông tin, gửi nhận văn bản trên Trục liên thông văn bản quốc gia, họp trực tuyến giữa các cấp để ứng phó với bệnh dịch.

“Diễn biến của bệnh dịch Covid-19 khiến người lao động của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có tâm lý e ngại, hạn chế tụ tập nơi đông người. Do đó, việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến là biện pháp hiệu quả giúp phòng dịch, qua đó thúc đẩy việc triển khai, sử dụng dịch vụ công trực tuyến được hiệu quả”, Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 7/2/2020, Bộ TT&TT đã có văn bản đề nghị các Sở TT&TT trong cả nước tuyên truyền, khuyến nghị người dân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến để hạn chế việc tiếp xúc nơi đông người, phòng dịch do chủng mới của virus Corona (tên gọi hiện nay là virus Covid-19 – PV).

Cụ thể, trong công văn gửi các Sở TT&TT, Bộ TT&TT đề nghị các Sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Cùng với đó, các Sở TT&TT cũng được đề nghị đôn đốc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn và trả lời thắc mắc, kiến nghị của người dân liên quan đến việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh giao tiếp trên Internet và mạng xã hội tại Việt Nam. Sử dụng tối đa các phương tiện, hình thức hội họp trực tuyến, trao đổi qua email, tin nhắn, gọi điện thoại.

Đại diện Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh, giai đoạn phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 chính là cơ hội để đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và các dịch vụ online.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty cổ phần công nghệ DTT, thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử nhận định, việc Bộ TT&TT đưa ra hướng dẫn các Sở TT&TT tuyên truyền khuyến nghị người dân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc nơi đông người là rất kịp thời và phù hợp.

Bởi lẽ, theo phân tích của ông Nguyễn Thế Trung, từ trước đến nay, chúng ta chỉ nhìn thấy rằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 giúp giảm thiểu những hành vi nhũng nhiễu, đảm bảo minh bạch hơn trong quá trình phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, trong bối cảnh phải ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao có thêm một sức mạnh nữa, đó là không cần tiếp xúc trực tiếp mà vẫn có thể làm được các thủ tục hành chính và nhờ đó giúp giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh.

“Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội rất tốt để tất cả các nơi đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và các giao dịch online cho những người dân có nhu cầu, cho phép họ không phải đến những chỗ đông người, giảm thiểu lưu lượng đi trên đường. Khi chúng ta giảm tốc độ di chuyển nói chung thì cùng với đó sẽ giảm được tốc độ lan truyền của dịch bệnh”, ông Nguyễn Thế Trung nhấn mạnh.

Theo ICTNews