|
Cao tốc La Sơn - Cam Lộ. |
Công tác rà soát được thực hiện theo chỉ đạo của Cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) sau những phản ánh của người dân cũng như sau vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc La Sơn - Cam Lộ vào ngày 18/2 vừa qua.
Theo Khu Quản lý Đường bộ II, đoàn công tác đã tiến hành rà soát tình hình tổ chức giao thông, báo hiệu đường bộ và công trình an toàn giao thông trên tuyến. Đặc biệt, đoàn tập trung kiểm tra, đánh giá toàn bộ hệ thống vạch sơn tim đường tại các đoạn cao tốc 2 làn, bao gồm cả đoạn tim đường dạng nét liền (cấm vượt) và dạng nét đứt (cho phép vượt).
Trên cơ sở khảo sát thực tế, bộ phận kỹ thuật sẽ tính toán các vị trí phù hợp có đoạn đường thẳng, tầm nhìn phù hợp để nghiên cứu đề xuất sang dạng nét đứt. Đồng thời, rà soát hệ thống biển báo hiệu đường bộ, vạch sơn kẻ đường, hạng mục an toàn giao thông khác tại các nút giao, đoạn chuyển tiếp từ 2 làn sang 4 làn và từ 4 làn trở về 2 làn, qua đó nghiên cứu bổ sung tiêu dẫn hướng, đinh phản quang, bổ sung báo hiệu đường bộ, rà soát điều chỉnh vị trí, nội dung biển báo hiệu.
Ngoài ra, đoàn tập trung rà soát các vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông, rà soát toàn bộ kết cấu hạ tầng dự án để điều chỉnh, bổ sung khắc phục các tồn tại có thể phát sinh trong quá trình khai thác, nghiên cứu điều chỉnh tốc độ khai thác thấp hơn thiết kế và phù hợp với thực tế, nhằm tăng cường an toàn giao thông.
Để nâng cao an toàn giao thông, năng lực khai thác dự án thành phần đầu tư đoạn La Sơn - Cam Lộ, Khu Quản lý đường bộ 2 sẽ họp lấy ý kiến lần cuối về các điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến cao tốc này, từ đó đánh giá, đề xuất các giải pháp điều chỉnh, bổ sung, nâng cao hiệu quả đảm bảo giao thông trên tuyến.
Đề xuất điều chỉnh vạch sơn phân làn trên tuyến
Trước đó, triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT về biện pháp khắc phục bất cập, bảo đảm an toàn giao thông của tuyến cao tốc La Sơn - Cam Lộ và tuyến cao tốc 2 làn xe khác, Cục Đường bộ Việt Nam đã họp khẩn các đơn vị chức năng để tổ chức, đảm bảo giao thông trên tuyến; tổ chức đoàn công tác vào hiện trường và chỉ đạo loạt giải pháp rà soát, điều chỉnh, bổ sung nâng cao an toàn giao thông trên tuyến cao tốc La Sơn - Cam Lộ.
Sau khi tiến hành khảo sát, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất giải pháp nâng cao an toàn giao thông, năng lực khai thác dự án thành phần đầu tư đoạn cao tốc La Sơn - Cam Lộ.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, phần đường các đoạn tuyến thông thường (giai đoạn phân kỳ) Dự án thành phần đầu tư đoạn Cam Lộ - La Sơn được bố trí 2 làn xe với mặt cắt ngang có bề rộng nền đường 12m. Trong đó, mặt đường xe chạy 7m (mỗi chiều đường 1 làn xe; giữa hai chiều đường sơn tim); bề rộng lề gia cố 2 bên là 4m (kết cấu mặt đường như kết cấu mặt đường của làn xe cơ giới). Lề đất mỗi bên rộng 1m.
Riêng các đoạn vượt xe (được thiết kế quy mô theo giai đoạn hoàn chỉnh) bố trí 4 làn xe với mặt cắt ngang có nền đường rộng 23,25m, trong đó mặt đường xe chạy 14m; dải phân cách giữa 0,75m; dải an toàn giữa 1,5m (2x0,75m); dải dừng xe khẩn cấp 5m (2x2,5m). Lề đất rộng 2m (2x1m).
Bên cạnh đó, do phân kỳ đầu tư, trên đoạn thông thường của cao tốc La Sơn - Cam Lộ, mỗi chiều chỉ có 1 làn xe chạy rộng 3,5m và “Lề gia cố” rộng 2m; phân cách giữa làn xe chạy với lề gia cố bằng vạch sơn nét liền, nên ảnh hưởng đến lưu thông của dòng phương tiện.
Vì vậy, để nâng cao an toàn giao thông, tăng khả năng lưu thông của dòng phương tiện tham gia giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ GTVT cho phép điều chỉnh vạch sơn phân làn giữa dải “lề gia cố” với làn đường xe chạy từ vạch sơn nét liền (3.1a) thành vạch sơn nét đứt (3.1b).
Để sớm triển khai thực hiện, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận và chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh triển khai thực hiện xong trước 15/3 tới.
Được biết, Dự án thành phần đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, đoạn La Sơn - Cam Lộ dài 98,3km nằm trong danh mục đầu tư đường cao tốc theo quy mô phân kỳ đầu tư do Quốc hội quyết định và được quy định trong các văn bản của Chính phủ, quyết định đầu tư dự án.