Hoàn tất sang tên 100 triệu cổ phiếu VPB cho 4 cá nhân

VietTimes – Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa thông tin về việc chuyển quyền sở hữu 99.945.946 cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Hoàn tất sang tên 100 triệu cổ phiếu VPB cho 4 cá nhân. (Ảnh: Internet)
Hoàn tất sang tên 100 triệu cổ phiếu VPB cho 4 cá nhân. (Ảnh: Internet)

Việc chuyển quyền được căn cứ theo công văn số 1011/UBCK-PTTT ngày 07/02/2018 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hồ sơ chuyển quyền sở hữu chứng khoán VPB.

Bên chuyển quyền là hai cổ đông pháp nhân: Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng; và Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên.

Bên nhận chuyển nhượng là hai thể nhân, tất cả đều là nữ, gồm: Đỗ Thị Mai, Bùi Bích Hạnh, Trần Thị Hương, Đặng Thị Thanh Tâm.

Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng đã chuyển 47.549.265 cổ phiếu cho bà Đỗ Thị Mai và 2.450.735 cổ phiếu cho bà Bùi Bích Hạnh.

Còn Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên đã chuyển 23.199.527 cổ phiếu cho bà Trần Thị Hương và 26.746.419 cổ phiếu cho bà Đặng Thị Thanh Tâm.

Ngày hiệu lực chuyển quyền được xác định là ngày 26/03/2018.

Hiện chưa rõ, việc chuyển quyền trên là kết quả của các giao dịch theo phương thức nào và được các bên giao kết khi nào. Nhưng hẳn nhiên nó sẽ được thực hiện từ đầu tháng 02/2018 trở về trước (căn cứ theo thời điểm UBCKNN ban hành công văn số 1011/UBCK-PTTT ngày 07/02/2018).

Hai tổ chức và bốn cá nhân tham gia chuyển quyền cũng sẽ không thuộc diện cổ đông lớn, người nội bộ hay người có liên quan của người nội bộ VPB. Bởi lẽ, nếu thuộc nhóm này, họ sẽ phải công bố thông tin giao dịch.

Sang tên hay chuyển nhượng?

Trên một số diễn đàn chứng khoán, nhiều ý kiến đang bày tỏ sự quan tâm với hoạt động chuyển quyền vừa nêu. Bởi lẽ, nếu tính theo thị giá VPB trên HoSE cùng kỳ, giá trị trương vụ sẽ lên đến hơn 6.000 tỷ đồng – một con số rất lớn.

Tuy nhiên, đó là khi việc chuyển quyền mang bản chất là một thương vụ chuyển nhượng đúng nghĩa.

Còn với hoạt động chuyển quyền sở hữu 99.945.946 cổ phiếu VPB vừa nêu, theo phân tích của VietTimes, nhiều khả năng đó chỉ là một động thái “sang tên” sở hữu. Tức là chuyển quyền sở hữu cổ phần VPB từ pháp nhân sang các chủ sở hữu (cổ đông) của các pháp nhân đó.

Việc chuyển quyền này liên quan đến việc giải thể các pháp nhân. Thực tế, Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng và Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên đều đã bất ngờ tuyên bố giải thể vào tháng 2/2018 vừa rồi.

Việc giải thể sẽ đặt ra yêu cầu tìm kiếm người đứng tên sở hữu cho gần 100 triệu cổ phiếu VPB mà hai pháp nhân này nắm giữ.

Theo đăng ký kinh doanh gần nhất, hai cổ đông sáng lập của Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng (Đăng Quang) là bà Đỗ Thị Mai và bà Bùi Bích Hạnh. Đây cũng là hai cái tên đã tham gia nhận chuyển quyền sở hữu 50 triệu cổ phiếu VPB từ Đăng Quang. Quy mô cổ phiếu mà mỗi cá nhân đã nhận cũng hoàn toàn tương thích với tỷ lệ góp vốn của họ trong Đăng Quang (95,1% : 4,9%).

Tương tự, hai cổ đông sáng lập, theo ĐKKD gần nhất của Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên (Lưu Khuyên) cũng trùng tên với hai cá nhân đã nhận chuyển quyền gần 50 triệu cổ phần VPB từ Lưu Khuyên mà VSD đã nêu, là Trần Thị Hương và Đặng Thị Thanh Tâm. Quy mô cổ phiếu mà hai cá nhân này đã nhận cũng hoàn toàn tương thích với tỷ lệ sở hữu của họ tại Lưu Khuyên (46,46% : 53,54%).

Với những phân tích đã nêu, có cơ sở rất lớn để tin rằng việc chuyển quyền sở hữu gần 100 triệu cổ phiếu từ Lưu Khuyên và Đăng Quang cho 4 cá nhân, chỉ đơn thuần là động thái “sang tên” sở hữu, chứ không phải là hệ quả của các giao dịch chuyển nhượng được phát sinh đúng nghĩa. Tất nhiên khi đó, việc tính toán quy mô giao dịch bằng các phép nhân cơ họ với thị giá sẽ là vô nghĩa.

Tuy nhiên, liên quan đến việc việc chuyển quyền sở hữu 100 triệu cổ phiếu VPB vừa nêu, cầu lưu ý một số điểm.

Đó là, Lưu Khuyên và Đăng Quang dù là hai pháp nhân độc lập, do các cổ đông khác nhau sáng lập; Nhưng chúng lại được thành lập gần như cùng lúc (20 và 21/07/2017) – ngay trước thời điểm VPBank chào sàn HoSE (28/07/2017); Cùng đăng ký trụ sở tại Tầng 8 toàn nhà Licogi 13 Tower (164 Khuất Duy Tiến, Hà Nội); Cùng có ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu (Chi tiết: hoạt động tư vấn đầu tư; Mã 6619); Cùng có những điều chỉnh trong cơ cấu sở hữu sát thời điểm; Rồi lại cùng tuyên bố giải thể sau hơn một năm thành lập. Dĩ nhiên là họ cũng cùng là cổ đông của VPB - mỗi bên từng sở hữu khoảng 50 triệu cổ phiếu VPB – rồi lại cùng chuyển quyền sở hữu cho các cá nhân vào ngày 26/3/2018 vừa rồi.

Có một số vấn đề nên đặt ra ở đây, là Lưu Khuyên và Đăng Quang đã trở thành cổ đông VPB như thế nào, nhận sở hữu 100 triệu cổ phiếu VPB từ ai, thu xếp nguồn lực ra sao. Và liệu rằng, 4 cá nhân vừa nhận quyền sở hữu 100 triệu cổ phiếu VPB từ  Đăng Quang và Lưu Khuyên đã là chủ sở hữu thực sự của lô cổ phiếu hay chưa.

Xin nhắc lại về ngành nghề kinh doanh chính mà hai pháp nhân này đăng ký: Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu./.